Ngăn chặn triệt để tuyến trùng gây hại
Tái canh cà phê có 2 phương thức, trồng mới và “trẻ hóa” những vườn cà phê cũ bằng cách ghép những giống mới vào, đồng thời áp dụng quy trình chăm sóc theo khuyến cáo của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) để cây cà phê sinh trưởng, phát triển theo hướng bền vững.
“Mục tiêu cuối cùng của Dự án VnSAT là người trồng cà phê tiêu tốn mức chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất.
Do đó, đối với những vườn cà phê tái canh trồng mới, Dự án VnSAT khuyến cáo người trồng cần tuân thủ quy trình làm đất để cây cà phê phát triển bền vững, cho hiệu quả cao”, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai, chia sẻ.
Theo ông Tuấn, trước khi có Dự án VnSAT, người trồng cà phê ở Gia Lai chẳng mấy quan tâm đến công đoạn làm đất, cứ có đất là trồng.
Hệ lụy là có nhiều vườn cà phê 2 năm đầu phát triển rất tốt, nhưng bước sang năm thứ 3 bỗng dưng cà phê chết hàng loạt do tuyến trùng. Tránh lập lại những tổn thất không đáng có, trong công cuộc tái canh cây cà phê hiện nay, người trồng đã nhất nhất tuân thủ nghiêm cẩn quy trình làm đất do Dự án VnSAT hướng dẫn.
Qua những lớp tập huấn của VnSAT, chủ những vườn cà phê tái canh trồng mới ở Gia Lai hiện đã biết phương cách làm đất như thế nào để khi cây cà phê được đặt xuống không bị tuyến trùng gây hại.
Những vườn cà phê trồng mới được người trồng khởi động vào thời điểm bắt đầu vào mùa mưa và kết thúc trước khi mùa khô đến từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng. Thời vụ trồng mới cà phê ở Tây Nguyên được bắt đầu từ tháng 15/5 đến 15/8 hàng năm.
Những vườn cà phê già cỗi, khi tái canh cần trồng mới phải được dùng máy nhổ bỏ cây cà phê, cả bộ rễ của nó sau vụ thu hoạch cuối cùng.
Sau đó, chủ vườn thu gom, đưa toàn bộ thân, cành rễ ra khỏi lô. Ngay sau khi kết thúc mùa mưa, đất được cày bằng máy cày 1 lưỡi, cày 2 lần ở độ sâu 25 – 30cm theo chiều ngang và chiều dọc của lô.
Sau đó, đất được phơi ít nhất 2 tháng rồi mới tiến hành bừa ở độ sâu 20 – 30cm theo chiều ngang và chiều dọc của lô đất.
Trong quá trình cày, bừa, người trồng tiếp tục gom, nhặt số rễ còn sót lại, sau đó đốt toàn bộ để tiêu hủy mầm bệnh.
Cũng theo ông Tuấn, đất cũng phải được lấy mẫu để mang về Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên để kiểm tra xem trong mẫu đất ấy có độ phì như thế nào, nhất là kiểm tra mật độ tuyến trùng có trong đất với tỷ lệ bao nhiêu, để sau đó quyết định tái canh cây cà phê ngay hay cần phải luân canh cây ngắn ngày 1 thời gian rồi mới được trồng.
Nếu trong đất có tỷ lệ dưới 100 con các loại tuyến trùng/100g đất thì được tái canh cây cà phê ngay, còn nếu các loại tuyến trùng có trên 100 con/100g đất thì cần phải luân canh cây công nghiệp ngắn ngày ít nhất 1 – 2 năm mới được trồng cà phê.
Ông Nguyễn Xuân Thụ, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Nghĩa Lộc xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, Đăk Lăk:
Nhờ kỹ thuật do Dự án VnSAT chuyển giao, nên người trồng cà phê tái canh trong vùng dự án hiện rất tuân thủ quy trình canh tác, trong đó có khâu làm đất. Không chỉ vậy, cả người trồng cà phê ngoài vùng dự án cũng học tập làm theo, đến cả việc lấy mẫu đất đưa đi kiểm nghiệm độ pH trong đất họ cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Nhờ đó, những vườn cây cà phê tái canh hiện phát triển rất bền vững
“Sở dĩ đất nhiễm nặng tuyến trùng cần phải luân canh cây công nghiệp ngắn ngày là vì các loại tuyến trùng không thể “chung sống” với rễ của những loại cây ngắn ngày.
Do đó, trong 1 – 2 năm cây ngắn ngày đứng trên đất, tuyến trùng sẽ tự hủy diệt. Phải xử lý đất theo phương cách nói trên thì sau này cây cà phê mới phát triển bền vững”, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai, giải thích.
Người trồng tuân thủ nghiêm cẩn quy trình làm đất
Quy trình làm đất trong tái canh cây cà phê theo hướng dẫn của VnSAT như đã nói trên được áp dụng rộng rãi cả 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng và đang giúp cho công cuộc tái canh cà phê bền vững, mang lại hiệu quả cao.
Ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, Đăk Lăk), địa phương được hưởng lợi từ Dự án VnSAT, người dân cũng rất tuân thủ quy trình làm đất tái canh cây cà phê theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thụ, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Nghĩa Lộc (xã Ea Nam), chuyện làm đất tái canh cây cà phê bây giờ thuận lợi hơn trước đây do máy móc làm đất đầy đủ.
Sau khi đất được cày theo quy trình do Dự án VnSAT hướng dẫn, chủ vườn thuê máy múc đào hố trồng cà phê chứ không làm thủ công như trước đây.
Bây giờ, máy múc là trợ thủ đắc lực cho người trồng cà phê tái canh, vừa giảm được chi phí thuê công đào hố vừa bảo đảm kỹ thuật.
“Trong quá trình máy múc xử lý những gốc cà phê cũ để trồng mới, nếu trong rẫy có những gốc cây khác nó cũng “múc” luôn, cào dồn về 1 nơi để tiện xử lý. Sau đó, máy múc cũng đảm đương luôn công việc làm bằng phẳng vùng đất, chủ vườn chỉ có việc đi gom, nhặt rễ rồi đốt”, ông Thụ nói.
Cũng theo ông Thụ, người trồng cà phê tái canh ở Ea Nam, huyện Ea H’leo hiện đã rành rõi việc xử lý đất trước khi trồng.
Sau khi đào hố, người trồng dồn rễ khô của những cây cà phê cũ được đào lên vào từng hố rồi đốt, sau đó cho nấm đối kháng (Trichoderma) vào đất nhằm để xử lý các loại tuyến trùng.
Đối với người trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện nay, việc tái canh cũng giống như tạo cho cây cà phê cuộc đời mới, họ quan niệm việc làm đất trước khi trồng mới cây cà phê tựa như “sinh ra đứa con”, phải chỉn chu ngay từ đầu thì “đứa con” sau này mới khỏe mạnh, phát triển tốt. Do đó, họ rất quan tâm đến khâu làm đất, rất tuân thủ theo kỹ thuật do Dự án VnSAT hướng dẫn.
Nghe tâm sự của nông dân Nguyễn Văn Nghi (53 tuổi) ở thôn 2, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, Kon Tum), chúng ta mới hay tư duy canh tác của người trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện đã chuyển biến tốt đến thế nào sau khi tham gia dự án VnSAT.
“Bằng mắt thường chúng tôi không thể biết trong đất thiếu chất gì, thừa chất gì. Nếu biết được trong đất thiếu chất gì, thừa chất gì thì mình biết phải dùng loại phân, thuốc gì để bổ sung vào, hoặc xử lý để đất trở nên tốt nhất. Như vậy mình sẽ trị đúng bệnh cho đất, không hao tốn nhiều chi phí mà đạt hiệu quả mức cao nhất. Do đó, phải dựa vào sự phân tích khoa học ở cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, ở địa phương này chưa có cơ quan phân tích đất, muốn vậy phải lấy mẫu mang lên tận Đăk Lăk để làm.
Nghe các phương tiện thông tin đại chúng bảo rằng có thể kiểm tra độ pH trong đất bằng cách mua giấy quỳ về hòa với nước, sau đó cho mẫu đất vào, nếu trong mẫu đất của mình thiếu thứ gì thì nước sẽ ra màu đó, mình cứ theo màu nước mà bổ sung chất này chất kia vào cho đất.
Ấy vậy mà tôi đi khắp huyện mua nhưng không ra, đến cả Phòng NN – PTNT huyện hỏi cũng không có, trong khi đây là vấn đề người trồng cà phê đang quan tâm nhất”, nông dân Nguyễn Văn Nghi boăn khoăn.
Theo ông Đoàn Năng Rường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Kon Tum cho biết, đối với vườn cây cà phê già cỗi cần phải tiến hành cải tạo lại đất để thực hiện tái canh.
Trước giờ người dân tự cải tạo đất không theo quy trình nên chất lượng cây cà phê rất thấp. Nguyên nhân chính là xử lý tuyến trùng trong đất và dinh dưỡng trong đất chưa đầy đủ nên kết quả tái canh không đạt yêu cầu.
Ông Đoàn Năng Rường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Kon Tum: "Cùng với đó phải tiến hành khai hoang đất, đào hết gốc cây, nhặt hết rễ của cây cũ rồi tiến hành cày bừa, phơi đất ít nhất 6 tháng.
Còn trước khi bắt đầu vào mùa mưa phải tiến hành rắc vôi, đào hố, xử lý tuyến trùng, nấm bệnh trong hố ít nhất 15-20 ngày. Trước khi trồng cần tiến hành rải phân chuồng (đã qua xử lý dung dịch nấm Trichoderma) rồi đảo lại đất mới đạt yêu cầu.
Trong năm đầu tiên trồng cà phê tái canh ít nhất phải xử lý được 2 lần tuyến trùng để giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt những năm về sau".