| Hotline: 0983.970.780

Công ty Cao su Quảng Trị góp phần ‘hồi sinh vùng đất chết’

Chủ Nhật 10/11/2024 , 12:12 (GMT+7)

Phát triển bền vững nhờ tập trung tái canh, đổi mới công nghệ, nâng cao đời sống người lao động, Công ty Cao su Quảng Trị góp phần 'hồi sinh vùng đất chết'.

Mạnh dạn tái canh giống mới

Dẫn chúng tôi đi thăm những lô cao su tại xã Hải Thái, huyện Gio Linh, ông Lê Phước Luật, Giám đốc Nông trường cao su Cồn Tiên (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị) cho biết, năng suất hiện nay đang đạt bình quân 1,5 tấn mủ/năm, cao nhất khu vực duyên hải miền Trung. Nhưng chỉ vài ba năm nữa thôi, khi cây cao su lên đến đỉnh điểm năng suất trong chu kỳ khai thác thì mỗi ha sẽ cho trên 2 tấn mủ/năm, cao hơn năng suất các giống cũ như GT1, RRIM600 từ 0,3-0,5 tấn/ha.

Công ty Cao su Quảng Trị là một trong những đơn vị điển hình của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Võ Dũng.

Công ty Cao su Quảng Trị là một trong những đơn vị điển hình của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Để có năng suất, sản lượng ngày càng tăng, năm 2012, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị (Công ty Cao su Quảng Trị) đưa các giống mới như RRIV 124, RRIC 121 và RRIV 209 vào thay thế giống cũ. Bên cạnh đó, Công ty Cao su Quảng Trị đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cạo mủ và trang bị mái che mưa có màng phủ chén cho toàn bộ diện tích.

“Các giống GT1, RRIM 600 trồng từ năm 1984 dù chống chọi tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng chỉ cho năng suất đỉnh điểm khoảng 1,8 tấn mủ/ha/năm. Các giống mới cho năng suất lên đến trên 2 tấn mủ/năm. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc được cơ giới hóa hoàn toàn nên cây cao su phát triển tốt, đều và cho năng suất cao hơn”, ông Luật chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Nam, đội trưởng đội 3, Nông trường cao su Cồn Tiên nhận khoán chăm sóc, cạo mủ 10 ha cao su. Đến thời điểm này, tổng thu nhập của ông Nam đạt bình quân 30 triệu đồng/tháng.

“Việc cạo mủ, chăm sóc cao su cần tập trung các nhân lực trong gia đình cùng làm. Tuy nhiên, nếu một công nhân nhận khoán 4-5 ha cao su thì cả gia đình cũng có cuộc sống ổn định”, ông Nam cho hay.

Chương trình tái canh đã tạo ra những vườn cao su cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: Võ Dũng.

Chương trình tái canh đã tạo ra những vườn cao su cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: Võ Dũng.

Tái canh bằng giống mới, mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa vào trồng, chăm sóc và khai thác là một trong những nguyên nhân giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng mủ tại Công ty Cao su Quảng Trị. Đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao đời sống công nhân tại các nông trường nói riêng và toàn công ty nói chung.

“Gần như những khâu có thể áp dụng cơ giới hóa đều đã được cơ giới hóa. Thời điểm đầu chu kỳ khai thác, thu nhập bình quân của công nhân nhận khoán mới chỉ 4,5 triệu đồng nhưng nay là trên 13 triệu đồng/người/tháng”, ông Lê Phước Luật, Giám đốc Nông trường cao su Cồn Tiên phấn khởi.

Trở thành “điểm đến” trong chế biến mủ cao su

Khu vực miền Trung, nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt bậc nhất vốn không phải là lợi thế để cây cao su phát triển, cho năng suất cao. Chính vì vậy, trước mỗi trận mưa bão, ông Văn Đức Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Quảng Trị đều lo lắng, bất an. Chỉ khi mưa gió đi qua, cao su không bị gãy đổ, ông Dũng mới thở phào nhẹ nhõm.

Đó có phải là những lý do Công ty Cao su Quảng Trị tập trung vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến mủ cao su?

Việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào quá trình chăm sóc, khai thác đã giúp đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng được nâng cao. Ảnh: Võ Dũng.

Việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào quá trình chăm sóc, khai thác đã giúp đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng được nâng cao. Ảnh: Võ Dũng.

“Mở rộng diện tích rất khó. Năng suất rồi cũng sẽ chạm trần. Rủi ro khi trồng cao su tại khu vực miền Trung luôn rất cao. Để đời sống công nhân viên ngày càng ổn định, công ty phát triển bền vững, ngoài việc tái canh, tăng năng suất, chất lượng, sản lượng mủ, chúng tôi tập trung đầu tư cho công nghệ chế biến. Hiện nay, việc thu mua, gia công chế biến mủ chiếm trên 60% tổng doanh thu của công ty và ngày càng tăng, đóng góp quyết định đến tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Lê Tư Thông, Giám đốc Xí nghiệp chế biến cơ khí thuộc Công ty Cao su Quảng Trị cho hay, việc đổi mới công nghệ chế biến diễn ra từ quý IV năm 2023. Công ty Cao su Quảng Trị đầu tư cải tạo lò sấy mủ, chuyển từ lò sấy bằng dầu DO sang lò Biomass, tăng công suất từ 1,8 lên 2 tấn/giờ để chế biến mủ SVR 3L kết hợp sản xuất mủ SVR 10. Đầu quý III năm 2024, Công ty Cao su Quảng Trị tiếp tục được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt đầu tư thêm 1 lò sấy mủ SVR 10 với công suất 1,5 tấn/giờ… Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải, kho bãi … cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chế biến cho sản phẩm chất lượng nhất hiện nay.

Hàng nghìn tấn mủ thu mua, chế biến đã tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Võ Dũng.

Hàng nghìn tấn mủ thu mua, chế biến đã tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Võ Dũng.

Trước thời điểm đầu tư đổi mới công nghệ, Xí nghiệp chế biến cơ khí – Công ty Cao su Quảng Trị chỉ chế biến khoảng gần 3 nghìn tấn mủ thì nay đã đạt 8 nghìn tấn/năm. Trong đó, chế biến từ mủ do công ty sản xuất khoảng 2,3 nghìn tấn; thu mua 2,7 nghìn tấn và gia công mủ cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khoảng 3 nghìn tấn/năm.

“Quá trình đổi mới công nghệ giúp chúng tôi giảm giá thành chế biến từ 20- 25%, đời sống công nhân được nâng lên đáng kể. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người là 7,5 triệu đồng thì năm 2024 là 9 triệu đồng/người/tháng, chưa kể thu nhập tăng thêm. Dự kiến, năm 2024 chúng tôi sẽ vượt các chỉ tiêu Tập đoàn giao”, ông Lê Tư Thông, Giám đốc Xí nghiệp chế biến cơ khí cho hay.

Góp phần “hồi sinh vùng đất “chết”

Năm 1984, Công ty Cao su Bình Trị Thiên, tiền thân của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị được thành lập với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, phủ xanh đất trống đồi trọc vùng đất bị chiến tranh tàn phá. Từ chỗ chỉ có 3 nghìn ha cao su, đến nay tổng diện tích của công ty quản lý là hơn 4,9 nghìn ha. Từ năm 2001 đến nay Công ty liên tục sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Công nghệ chế biến cũng ngày càng được nâng cao nhờ mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại; giá thành chế biến ngày càng giảm, chất lượng và sản lượng chế biến ngày càng tăng. Ảnh: Võ Dũng.

Công nghệ chế biến cũng ngày càng được nâng cao nhờ mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại; giá thành chế biến ngày càng giảm, chất lượng và sản lượng chế biến ngày càng tăng. Ảnh: Võ Dũng.

Từ 7,4 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh khi thành lập lại vào năm 1993, đến nay tổng số vốn điều lệ của công ty tăng lên 433 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 564 tỷ đồng. Công ty được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Trị tặng cờ thi đua xuất sắc về thành tích nộp thuế. Thu nhập người lao động bình quân năm 2024 ước đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Từ vùng “đất chết” và nghèo đói năm xưa, đến nay miền Tây Gio Linh, Vĩnh Linh đã trở thành vùng kinh tế trọng điểm trù phú, ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế, xã hội của cây cao su. Hiện có hàng nghìn người dân miền Tây Gio Linh, Vĩnh Linh là cán bộ, công nhân Công ty Cao su Quảng Trị nghỉ hưu, nghỉ chế độ, được hưởng tiền lương hưu, trợ cấp BHXH. Điều này đã góp phần cùng các địa phương giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Công ty Cao su Quảng Trị nhận đỡ đầu nhiều xã đặc biệt khó khăn; phụng dưỡng 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng 145 nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết và 1 nhà bia tưởng niệm tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9; chi hơn 9 tỷ đồng bê tông hóa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn…

Công ty Cao su Quảng Trị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba. Nông trường Quyết Thắng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Cá nhân ông Lê Mậu Lộ, Giám đốc đầu tiên của công ty được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Xí nghiệp chế biến mủ cao su của Công ty Cao su Quảng Trị trở thành điểm đến trong công tác chế biến và là điểm tựa vững chắc của người trồng cao su. Ảnh: Võ Dũng.

Xí nghiệp chế biến mủ cao su của Công ty Cao su Quảng Trị trở thành điểm đến trong công tác chế biến và là điểm tựa vững chắc của người trồng cao su. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Văn Đức Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Quảng Trị cho hay, trong thời kỳ mới, công ty sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu mua mủ nguyên liệu, gia công chế biến gắn với thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng thu mua mủa của công ty đạt trên 10 nghìn tấn; tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ cao su tăng gấp 3 lần hiện nay.

“Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, Công ty Cao su Quảng Trị có 60% diện tích vườn cây cao su được cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững của quốc gia và quốc tế; sản xuất thân thiện với môi trường...”, ông Văn Đức Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Quảng Trị.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.