| Hotline: 0983.970.780

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương hưởng lợi bất chính 632 tỷ đồng

Thứ Sáu 20/10/2023 , 11:03 (GMT+7)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án khai thác đất hiếm trái phép xảy ra tại Yên Bái.

Ngày 17/10/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 6 đối tượng.

Theo Bộ Công an, sau thời gian đấu tranh chuyên án để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú (xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, ngày 09/10/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.

Trụ sở của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương nơi có hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú (xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: XĐ.

Trụ sở của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương nơi có hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú (xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: XĐ.

Quá trình điều tra bước đầu xác định: Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102 kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856.646 kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng.

Hành vi của các đối tượng nên trên vi phạm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các khoản 3, 5, 7 Điều 2 và Điều 3 Giấy phép khai thác khoáng sản số 927/GP-BTNMT.

Ngoài ra, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính còn thỏa thuận với Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế; giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỷ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước là trên 7,5 tỷ đồng.

Ngày 17/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 6 đối tượng về 2 tội danh, gồm:

Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự;

Đặng Trần Chí, Giám đốc và Phạm Thị Hà, Kế toán Công ty Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Thị Hiền, Kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự.

Ngày 19/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh tố tụng đối với 06 bị can theo đúng quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7, Việt Nam dự tính đạt mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm.

2 mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu). Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm để xuất khẩu đi các nước.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm