| Hotline: 0983.970.780

Mỏ đất hiếm lớn nhất Lai Châu: 10 năm loay hoay vẫn chưa thể khai thác

Thứ Tư 15/02/2023 , 09:26 (GMT+7)

Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao. Tuy nhiên, sau gần 10 năm loay hoay, công ty này chưa thể khai thác.

7-3[1].tif_1621394755831

Ở mỏ đất hiếm Đông Pao từng xảy ra tình trạng khai thác trái phép do mỏ này chưa đi vào khai thác, quản lý chặt chẽ. Ảnh: T. Minh

Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định

Mỏ đất hiếm Đông Pao nằm ở thôn Bản Hon, xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) được Bộ TNMT cấp giấy phép khai thác số 3220/GP-BTNMT ngày 30/12/2014 cho phép Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico với diện tích: 132,74ha, thời hạn 30 năm.

Theo đó, việc đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao gồm 3 dự án thành phần: Khai thác, tuyển với công suất 75.700 tấn/năm (tinh quặng đất hiếm 44,05%, tinh quặng barit và fluorit); Thủy luyện với công suất 33.000 tấn/năm tổng oxit đất hiếm 97%; Chiết tách với công suất 30.000 tấn/năm các ôxit đất hiếm riêng rẽ hàm lượng ≥99%.

Sau khi được cấp phép bước đầu, Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico thực hiện xây dựng cơ bản mỏ từ năm 2016 để cải tạo 2 con đường vào mỏ dài khoảng 3km. Cũng thời điểm này, công ty đã lấy mẫu thử nghiệm tại thân quặng F3 với khối lượng 210 tấn quặng nguyên khai bao gồm đất hiếm, Barit, Fluorit để cung cấp cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ tuyển luyện trong nước…

Hiện nay, mỏ dừng hoạt động khai thác, để lãng phí nguồn tài nguyên lớn.

Theo ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở TNMT Lai Châu, mặc dù dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao được Bộ TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 2096/QĐ-BTNMT ngày 3/12/2012.

Tuy nhiên, đến nay Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường để phục vụ giai đoạn khai thác, chế biến được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoặc cấp giấy phép môi trường.

Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico đã thực hiện giải phóng mặt bằng được 36ha tuy nhiên chưa được UBND tỉnh Lai Châu giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án do công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Sẽ thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm

Cũng theo ông Ngô Xuân Hùng, dự án khai thác và chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao được xây dựng trên cơ sở hợp tác với đối tác Nhật Bản (Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản) nhưng sau khi dự án được cấp giấy phép khai thác năm 2014 thì đối tác phía Nhật Bản dừng hợp tác dẫn đến Công ty không có được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Do chỉ có số ít nhà sản xuất tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản có công nghệ chế biến sâu nhưng giữ bản quyền, bí mật và không chuyển giao công nghệ do vậy đến nay chưa lựa chọn được đối tác hợp tác chế biến sâu để triển khai dự án.

Trong khi đó, trong nước không tiêu thụ được tinh quặng đất hiếm do chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (≥99%TREO) hoặc tổng oxit đất hiếm. Công nghệ trong nước thực tế chỉ chế biến ra tinh quặng hàm lượng trung bình từ 31-38%.

Ngoài ra, khung giá tính thuế tài nguyên tăng dẫn đến tăng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cụ thể năm 2016 là 7,4 tỷ/năm đến năm 2018 tăng lên 36,8 tỷ/năm…

Trước khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khoáng sản TKV. Theo đó, thống nhất giao các cơ quan chuyên môn rà soát tham mưu xác nhận thời gian tạm dừng khai thác làm cơ sở để lùi thời gian nộp tiền khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ.

Hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ về đất đai phần diện tích đã giải phóng mặt bằng đủ điều kiện để thẩm định, trình UBND tỉnh Lai Châu xem xét, quyết định cho thuê đất để triển khai dự án.

Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico hoàn thiện các thủ tục báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép phối hợp các đối tác có năng lực để thực hiện thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao; đề nghị Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh để làm cơ sở UBND tỉnh Lai Châu phối hợp đề xuất.

Ngoài ra, có ý kiến với các bộ ngành có liên quan đề nghị tháo gỡ khó khăn để dự án sớm đi vào hoạt động; làm việc với đại sứ quán và hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm quảng bá tiềm năng và thức đẩy hợp tác trong việc khai thác, chế biến đất hiếm Đông Pao.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.