| Hotline: 0983.970.780

Bất ổn ở Quỹ bình ổn giá xăng dầu [Bài 1]: Hàng loạt doanh nghiệp đầu mối vi phạm

Thứ Tư 18/10/2023 , 15:32 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được 'gọi tên' vì nợ thuế, bị đốc thúc hoàn trả dư nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.

LTS: Năm 2014, liên Bộ Công thương - Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 39 về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu. Ngày 1/11/2021, Nghị định số 95/2021 của Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về Quỹ bình ổn giá bán xăng dầu. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá, hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo, bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá và chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho mục đích khác. Mục đích của Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên thời gian gần đây, hàng loạt các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã vi phạm quy định về quỹ BOG, không chịu nộp số dư Quỹ bình ổn giá vào ngân sách theo quy định; bị ngân hàng cấn nợ khoản vay doanh nghiệp từ Quỹ bình ổn giá… Điều này đặt ra câu hỏi, hơn lúc nào hết, việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần rà soát để đảm bảo tính minh bạch, công khai. Những doanh nghiệp, đơn vị không đủ năng lực kinh doanh xăng dầu cần xem xét việc có tiếp tục giao cho họ được sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá hay không?

Mới đây, ngày 31/8/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ký văn bản số 9333  gửi Ngân hàng Nhà nước liên quan tới vụ việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tự động trích thu nợ tự động số tiền gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) của Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà - một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trước đó, ngày 5/6/2023, đơn vị này đã có công văn kiến nghị gửi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và các Bộ ngành chức năng.

Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro), một trong những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu đang nợ thuế, bị ngân hàng khấu trừ nợ vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet.vn.

Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro), một trong những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu đang nợ thuế, bị ngân hàng khấu trừ nợ vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet.vn.

Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) được thành lập năm 2003 tại thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Năm 2012, Công ty được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Đây là một trong những đơn vị kinh doanh đầu mối về xăng dầu, nhưng cũng bị "gọi tên" nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, Hải Hà đang nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế, trong đó năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng. Tháng 8/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Rất nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương có văn bản nhắc nhở liên quan tới việc không chịu nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước theo quy định. Bộ Tài chính phải đốc thúc hoàn trả dư nợ quỹ BOG xăng dầu.

Ngày 30/6/2022, Bộ Công thương có văn bản số 3705 về việc đôn đốc Công ty cổ phần xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (địa chỉ số 32 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM) khẩn trương chuyển toàn bộ số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) vào ngân sách nhà nước. Số dư từ quỹ BOG mà đơn vị này đang chiếm giữ là hơn 21,768 tỷ đồng.

Hải Hà Petro được Cục Thuế tỉnh Thái Bình 'nêu tên' trong danh sách các đơn vị nợ thuế. Ảnh: Cục Thuế tỉnh Thái Bình. 

Hải Hà Petro được Cục Thuế tỉnh Thái Bình 'nêu tên' trong danh sách các đơn vị nợ thuế. Ảnh: Cục Thuế tỉnh Thái Bình. 

Văn bản của Bộ Công thương yêu cầu, Thái Sơn B.Q.P phải nhanh chóng nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước theo quy định, gửi báo cáo, bản sao chứng từ nộp tiền về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) trước ngày 10/7/2022. Sau thời hạn nêu trên, nếu đơn vị không thực hiện, liên Bộ Tài chính, Công thương sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng thời điểm nêu trên, Bộ Công thương cũng có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Dương Đông Hoà Phú (địa chỉ tại xóm Tân Phú, thôn Phú Thủy, xã Hoà Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hoàn trả số tiền hơn 3,7 tỷ đồng dư từ quỹ BOG vào ngân sách, nếu không sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.

Trong văn bản mới ban hành gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính cho rằng, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định và không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo đó, trên cơ sở tổng hợp báo cáo Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (tính đến ngày 15/9), Bộ Tài chính đã phát hiện một số doanh nghiệp đầu mối vi phạm về quy định của Quỹ bình ổn xăng dầu. Cụ thể: Công ty CP Dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo Nghị định 95 và không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ.

Mục đích của Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ảnh minh họa.

Mục đích của Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ảnh minh họa.

Các đơn vị gồm: Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo Nghị định 95.

Bộ Tài chính đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) rà soát tình hình hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có việc sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành của Bộ Công thương.

Trường hợp phát sinh những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương rà soát theo thẩm quyền và thông tin để Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Truy tố lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vi phạm quỹ BOG

Ngày 8/9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, Giám đốc) và Nguyễn Thị Như Phương (sinh năm 1992; Phó Giám đốc) Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Hai bị can này bị truy tố trong vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan, quy định tại quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Hai nữ lãnh đạo của Viet Oil mới bị khởi tố trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ảnh: Vietnamnet.vn.

Hai nữ lãnh đạo của Viet Oil mới bị khởi tố trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ảnh: Vietnamnet.vn.

Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; yêu cầu phải chuyển nộp ngay toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước và gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước).

Trước đó vào đầu tháng 8/2023, Bộ Công thương đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu trong năm 2023 đối với 4 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, bao gồm: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuyên Việt Oil (số 465-467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh); Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát (số 73 Lê Lợi, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (số 287 Ngô Đức Kế, quận Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An); Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Ngoài ra, các thương nhân đầu mối bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08 về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83).

Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuyên Việt Oil là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu ngày 19/11/2021, hiệu lực trong 5 năm.

Năm 2022, Công ty Xuyên Việt Oil không được Hải quan giải quyết nhập khẩu xăng, dầu. Lý do được Bộ Tài chính nêu là do công ty chậm nộp thuế, số thuế cưỡng chế lên tới trên 684 tỷ đồng.

Căn cứ Sổ theo dõi tình hình nợ thuế, đến kỳ tháng 1/2020, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Thế nhưng, 3 năm sau, số thuế của công ty này tăng lên nhanh chóng, gấp gần 20 lần. Sổ theo dõi tình hình nợ thuế đến kỳ tháng 8/2023 ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng.

Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.