Ông Đinh Xuân Hồng (83 tuổi) thương binh 4/4, cùng vợ là bà Lê Thị Dương (70 tuổi) 15 năm nay ở nhờ nhà riêng của con dâu tại tổ 40B, khu 11, phường Quang Trung, Tp Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tiếp phóng viên trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông dặn "cháu hỏi gì nói to lên ông mới nghe rõ. Ngày trước ông bộ đội ở chiến trường Quảng Trị 10 năm, đến 1975 mới về, nghe tiếng bom đạn nhiều nên giờ tai cũng nặng".
Ông Hồng kể, năm 1975 đất nước thống nhất, ông xuất ngũ về địa phương rồi chuyển sang công tác tại Công ty thủy lợi ở Hải Dương. Sau khi nghỉ hưu, ông cùng gia đình theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, đến xã Điền Công, Tp Uông Bí khai hoang, làm kinh tế mới.
"Tháng 01/1991, ông bà cùng các con ra đây khai hoang. Đến tháng 02/1993 thì mua được hơn 11.000m2 đất khai hoang của nhà ông Đỗ Văn Luận tại thôn 3, xã Điền Công (bây giờ là khu Điền Công 3, phường Trưng Vương, Tp Uông Bí) với giá hơn 4 triệu đồng. Ngày ấy khu này rậm rạp heo hút lắm", ông Hồng nhớ lại.
Mua được đất, ông bà dựng một căn nhà cấp 4 để ở, có đầy đủ khu vệ sinh, chuồng trại. Vốn xuất thân con nhà nông nên khi có đất rộng mênh mông ông bà vui lắm, cả nhà bắt tay luôn vào cải tạo đất để trồng lúa, nuôi lợn, nuôi vịt. Cuộc sống tuy không mấy khá giả nhưng vui vẻ, êm đềm.
An cư rồi, ông Hồng về quê đón mẹ ra để ở cùng ông bà và các cháu. Mẹ ông là bà Mạc Thị Nhìn, mẹ liệt sỹ Quang Tuyển. Thời gian này, gia đình ông có 5 người ở tại căn nhà cấp 4, thôn 3 xã Điền Công, gồm bà Mạc Thị Nhìn, vợ chồng ông Hồng và 2 người con.
Bi kịch ập đến gia đình liệt sỹ
Cả nhà ông Hồng đang sinh sống yên ổn thì năm 2007, Ban đền bù giải phóng mặt bằng thị xã Uông Bí (bây giờ là Tp Uông Bí) thông báo lấy đất của gia đình để làm dự án Khu du lịch dịch vụ tổng hợp, do Công ty TNHH Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Nhằm lấy đất của dân, ngày 23/11/2007, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Quảng Nam đã viết giấy cam kết, nhận chuyển nhượng của ông Đinh Xuân Hồng 10.700m2 đất và trả giá đền bù 15.000 đồng/m2. Ngoài ra, Công ty sẽ trả thêm 20.000 đồng/m2 "theo giá đất, ruộng, ao, vườn liền kề với đất ở".
Đáng lưu ý, trong bản cam kết, Công ty phải làm bìa đỏ quyền sử dụng đất ở 300m2, đất vườn 342m2 và ao 517m2 trả lại cho ông Đinh Xuân Hồng.
Văn bản thỏa thuận cũng nêu rõ, sau khi Công ty đã thanh toán các khoản tiền đền bù và giấy cấp đất cho ông Hồng, ông Hồng bàn giao diện tích đất trên cho Công ty sử dụng. Sau đó Công ty có trách nhiệm đổ đất vào diện tích 300m2 đất ở tái định cư cho ông Hồng. Giám đốc Công ty TNHH Quảng Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên.
Đến ngày 4/12/2007, Ban đền bù giải phóng mặt bằng thị xã Uông Bí do ông Nguyễn Công Toản làm Trưởng ban, cùng với các thành viên là Chủ tịch UBND xã Điền Công, cán bộ địa chính xã, đã lập biên bản bàn giao mặt bằng phần diện tích đất 10.700m2 của gia đình ông Đinh Xuân Hồng cho Ban giải phóng mặt bằng thị xã Uông Bí.
Số tiền gia đình ông Hồng được nhận cho hơn 10.700m2 đất, tất cả là 384 triệu đồng, trong đó bao gồm tiền đền bù đất, tiền hỗ trợ gia đình liệt sỹ và hỗ trợ 6 tháng tiền đi thuê nhà. Tuy nhiên, Công ty mới trả trước một phần, còn chậm lại 114 triệu đồng, hẹn vài tháng sau trả nốt.
Tin vào chính quyền và doanh nghiệp, ông Hồng đã giao 10.700m2 đất cho Ban giải phóng mặt bằng thị xã Uông Bí rồi ông bà thu dọn đồ đạc lên ở nhờ nhà riêng của người con dâu tại tổ 40B, khu 11, phường Quang Trung, Tp Uông Bí, chờ ngày tái định cư. Còn mẹ ông, bà Mạc Thị Nhìn, do căn nhà này chật chội nên bà đến ở với người con thứ rồi vài năm sau bà mất luôn tại đây.
Hết 6 tháng như đã hẹn, rồi đến những năm sau, Công ty TNHH Quảng Nam vẫn không thực hiện bất kỳ một cam kết nào, từ việc đổ đất cấp tái định cư cho đến số tiền nợ 114 triệu đồng tiền hỗ trợ.
"Từ 2008 đến giờ tôi gửi đến 15, 16 lần đơn kêu cứu tới đủ các cơ quan, từ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Tài nguyên Môi trường. Bên tỉnh thì tôi gửi cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Công an tỉnh, Bí thư Tp Uông Bí, Chủ tịch Tp Uông Bí, Công an Uông Bí nhưng tóm lại cách giải quyết của họ vẫn không thỏa đáng, họ không đồng ý cấp đất tái định cư cho tôi. Vợ chồng tôi 15 năm qua vẫn phải đi ở nhờ, đất giao cho chính quyền thì họ bỏ không hoang hóa để cỏ mọc um tùm, mỗi lần đi qua nhìn mà đau xót", ông Hồng bức xúc nói.
Chủ tịch Tp Uông Bí vào cuộc
Kêu cứu gần 15 năm, trải qua không biết bao nhiêu đời Bí thư, Chủ tịch Tp Uông Bí nhưng việc của gia đình ông Đinh Xuân Hồng vẫn không được xử lý triệt để. Vụ việc tưởng chừng như bế tắc thì mới đây, ngày 28/10, ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Tp Uông Bí đã chủ trì hội nghị đối thoại để giải quyết đơn kiến nghị của ông Đinh Xuân Hồng, về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu dịch vụ tổng hợp và du lịch tại khu Điền Công 3, phường Trưng Vương do Công ty TNHH Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, ý kiến của ông Đinh Xuân Hồng, đại diện Công ty TNHH Quảng Nam, nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu có liên quan, ông Phạm Tuấn Đạt - Chủ tịch UBND Tp Uông Bí đề nghị Công ty TNHH Quảng Nam gặp gỡ, trao đổi với gia đình, thực hiện chi trả phần kinh phí hỗ trợ ngoài chính sách là 114 triệu đồng như Công ty đã cam kết từ năm 2007, thời gian thực hiện xong trước ngày 15/11/2022; đồng thời triển khai việc san lấp 300m2 đất ao cho gia đình ông Đinh Xuân Hồng, thời gian hoàn thành trong năm 2022.
Tuy nhiên, căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đinh Xuân Hồng và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bao gồm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng thành phố, quy hoạch liên huyện Uông Bí - Đông Triều, lãnh đạo Tp Uông Bí cho rằng nội dung cam kết của chủ đầu tư về việc chuyển mục đích sử dụng 300m2 đất ao cho gia đình sang đất ở là không có cơ sở xem xét giải quyết. UBND Tp Uông Bí đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để có hướng dẫn cụ thể và có văn bản trả lời công dân theo đúng quy định.