| Hotline: 0983.970.780

Công ty Rạng Đông nợ người dân một lời xin lỗi

Chủ Nhật 01/09/2019 , 16:04 (GMT+7)

Không một lời xin lỗi người dân. Sau khi xảy ra vụ cháy, Công ty Rạng Đông chỉ tìm cách “dập tắt khủng hoảng truyền thông” để cứu chính mình?

Vụ hỏa hoạn của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã gây ra sự cố môi trường tại Thủ đô Hà Nội.

Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 28/6 vừa qua, những ngôi nhà xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông cửa đóng, then cài. Cuộc sống thường nhật bị đảo lộn, người di tản về quê, kẻ phải “lánh nạn” ở nhà nghỉ, khách sạn.

Sự hoang mang bao trùm, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Ở cách vụ hỏa hoạn vài kilomet theo đường chim bay, những căn hộ ở Khu dân cư Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ,... mùi khét nồng vẫn phảng phất trong từng ngôi căn nhà.

“Tôi phải cho vợ đi di tản gấp, chứ phụ nữ mang bầu mà hít không khí nhiễm thủy ngân thì rất dễ bị đẻ non, dị tật”, anh Chu Ngọc Hoàng - một cư dân tại Tòa CT11, khu độ thị Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai phải thuê taxi chở vợ sang phường Đội Cấn (quận Ba Đình) ở nhờ nhà người thân.

Một bà mẹ đang sống ở đầu phố Hạ Đình (cách vị trí xảy ra vụ hỏa hoạn khoảng 500m) đang nuôi con nhỏ. Lúc đầu chị bảo rằng gia đình quá may mắn, vì “gió không tạt theo hướng nhà mình”. Thế nhưng, sau khi chính quyền địa phương ra văn bản khuyến cáo không ăn rau, ăn cá, uống nước quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, chị phát hoảng. “Không biết mấy ngày qua đứa con hơn 1 tuổi của tôi đã hít bao nhiêu chất độc hại rồi”.

Sau khi dập tắt vụ hỏa hoạn, Công ty Rạng Đông chỉ tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh?

Sự tắc trách trong quản lý lao động, sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã khiến cả khu dân cư như ong vỡ tổ.

Thế nhưng, trong lúc người dân đang khốn khổ, thì Rạng Đông không gửi một lời xin lỗi. Thay vào đó, công ty này dồn sức để thống kê thiệt hại tài sản, lên phương án khôi phục sản xuất, ra văn bản chấn an cổ đông, khách hàng và xử lý... khủng hoảng truyền thông nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Những thông tin có lợi cho doanh nghiệp, được nhân viên Công ty Rạng Đông tích cực cập nhật trên mạng xã hội facebook như: “Thu hồi văn bản khuyến cáo không ăn thực phẩm bán kính 1km quanh Công ty Rạng Đông”; “Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Chỉ số môi trường an toàn với người dân”; “Đêm trắng người Rạng Đông chống “giặc lửa”, xả thân cứu hàng”.

Sau khi dư luận rộ nghi vấn vật liệu sản xuất bóng đèn chứa chất độc hại (nhất là thủy ngân) sẽ phát tán ra môi trường xung quanh, thì Rạng Đông ngay lập tức ra văn bản phản bác.

Trong văn bản, những cụm từ “đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người kể cả khi cháy”; “không ảnh hưởng đến sức khỏe con người” được sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, doanh nghiệp này cho biết “đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất năm 2016”. Nhưng, theo các chuyên gia, trên thực tế, thành phần chính trong hóa chất amalgam vẫn là thủy ngân.

Như vậy, cách thông tin nửa vời, lập lờ này dễ gây hiểu lầm rằng, Rạng Đông đã loại bỏ thủy ngân trong thành phần cấu tạo của bóng đèn (hoặc bóng đèn Rạng Đông không có độc tố).

Được biết, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhiều năm liền nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Rạng Đông luôn tự hào là doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng. Nhưng khi xảy ra sự cố hỏa hoạn và khủng hoảng truyền thông, doanh nghiệp này chỉ  tìm cách... tự cứu lấy chính mình.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.