Điều đó thể hiện Cty Tân Tiến đã bất chấp các quy định của pháp luật, coi trời bằng vung…
Báo NNVN đã nhiều lần phản ánh về những vi phạm có hệ thống của Cty Tân Tiến (trụ sở tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản đã tàn phá môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và SX nông nghiệp, khiến UBND tỉnh Yên Bái đã phải ra quyết định đóng cửa nhà máy.
Nhưng Cty vẫn bất chấp và phớt lờ, liên tục vi phạm các quy định, như thể có thế lực nào đó chống lưng, nên Cty coi thường pháp luật.
Mới đây UBND tỉnh Yên Bái buộc phải tước giấy phép khai thác khoáng sản và đóng cửa nhà máy.
Tại Quyết định 573/QĐ-XPVPHC của UBND tinh Yên Bái ban hành ngày 26/3/2020 đã xử phạt Cty TNHH Tân Tiến, người đại diện theo pháp luật là bà An Thị Nguyệt, GĐ Cty.
Theo quyết định này, Cty Tân Tiến đã khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi ranh giới được cấp theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 912/GP-UBND do UBND tỉnh Yên Bái cấp ngày 28/6/2011 đối với mỏ sắt xã Lương Thịnh, tổng diện tích vi phạm là 0,42 ha.
Thời gian tước giấy phép 2 tháng, buộc Cty san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường theo điểm b khoản 7 Điều 36 Nghị định 33/2017/NĐ-CP. Số tiền Cty phải nộp phạt là 15 triệu đồng.
Theo điểm a khoản 7 Điều 36 của Nghị định thì phải tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác trái phép. Nhưng vì sao UBND tỉnh Yên Bái chỉ tước giấy phép mà không tịch thu số khoáng sản mà Cty đã khai thác?
Theo điểm b khoản 4 thì mức phạt từ 30 - 50 triệu; điểm b khoản 8, thì Cty phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do khai thác ra ngoài ranh giới. Nhưng mức phạt của UBND tỉnh Yên Bái chỉ bằng 1/2 so với Nghị định và Cty không phải nộp số khoáng sản khai thác bất hợp pháp.
Với mức phạt như vậy, vô hình chung đã khuyến khích Cty Tân Tiến chiếm đoạt tài nguyên quốc gia một cách hợp pháp. Phải chăng đó là sự “ưu ái” của UBND tỉnh Yên Bái đối với những sai phạm của Cty Tân Tiến?
Tại điểm 2 Quyết định 573/QĐ-XPVPHC của UBND tỉnh Yên Bái xử phạt Cty Tân Tiến do: Không lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.
Như vậy, có thể hiểu Cty không có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Nhà máy chế biến quặng sắt. Số tiền phạt là 220 triệu áp dụng khoản 1 Điều 5 và điểm 1 khoản 1 Điều 9 nghị định nói trên.
Tổng cộng số tiền phạt 235 triệu, đình chỉ nhà máy hoạt động trong 4 tháng để khắc phục các vi phạm kể từ ngày 26/3/2020.
Đây là lần thứ hai Cty TNHH Tân Tiến bị UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định đóng cửa nhà máy. Trước đó, ngày 28/9/2016 UBND tỉnh Yên Bái ban hành công văn số 2213/UBND-TNMT yêu cầu Cty TNHH Tân Tiến, dừng hoạt động Nhà máy chế biến quặng sắt tại xã Lương Thịnh từ ngày 30/9/2016.
Lý do đóng cửa nhà máy tuyển quặng sắt Lương Thịnh xả thải gây ô nhiễm môi trường, khiến Ngòi Lâu đục ngầu như bát đất. Nhân dân lấy nước vào ruộng bị bùn thải bồi lấp mương máng thủy lợi và ruộng đồng, ảnh hưởng rất lớn tới SX nông nghiệp mà báo NNVN đã từng lên tiếng.
Ngày 20/7/2018 nhà máy tuyển quặng của Cty CP khoáng sản Hưng Phát (thuộc hệ thống Cty Tân Tiến) đã xả bùn thải do sợ vỡ đập đã vùi lấp 2,3 ha ruộng lúa của 31 hộ dân thôn Phương Đạo II xã Lương Thịnh.
Do quá bức xúc, ngày 3/8/2018 người dân đã rào đường chặn đoàn xe chở quặng của Cty, buộc Cty phải tổ chức thương lượng đền bù cho người dân.
Như vậy, có thể thấy Cty TNHH Tân Tiến đã coi trời bằng vung, vi phạm pháp luật một cách có hệ thống ngày càng trắng trợn hơn.
Người dân xã Lương Thịnh huyện Trấn Yên và Âu Lâu TP Yên Bái sống dọc dòng suối Ngòi Lâu vô cùng bức xúc vì xả thải của nhà máy tuyển quặng đã khiến dòng suối lúc nào cũng đục ngầu như nước sông Hồng mùa lũ. Khi lấy nước vào ruộng thì mặt ruộng bị đông cứng lại do bùn thải của nhà máy, cây lúa không thể phát triển được.
Ông Trần Đức Bảy - Chủ tịch HĐQT Cty Tân Phú đã nhiều lần ra văn bản đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động xả thải của nhà máy tuyển quặng của Cty Tân Tiến đã làm lấp mương thủy lợi, bể hút công trình thủy lợi Cống Đá liên tục bị bùn thải lấp đầy. Mỗi lần bơm nước, công nhân vận hành phải ngụp lặn xuống bể hút để nạo vét bùn mới có thể bơm được.
Sáng 11/4/2020 PV báo NNVN đi dọc suối Ngòi Lâu quan sát, thấy rằng: Sau khi nhà máy tuyển quặng của Cty Tân Tiến ngừng hoạt động thì nước suối đã bắt đầu trong trở lại, mặc dù đêm trước có mưa. Điều đó khẳng định Cty Tân Tiến và một số Cty khai khoáng và chế biến khoáng sản đầu nguồn Ngòi Lâu là thủ phạm bức tử dòng suối.