Trồng xen đa tầng, tiết kiệm nước tưới
Để tạo hệ sinh thái đa tầng, giúp vườn cây phát triển tốt trước diễn biến phức tạp của thời tiết , anh Lê Ngọc Quỳnh, xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa, đã tiên phong canh tác mô hình trồng xen nhiều loại cây như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… trên cùng một diện tích.
Việc quy hoạch vườn được anh tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu, phân tầng tán cây hợp lý để vừa tạo bóng mát trong mùa khô, vừa không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cây trồng xen.
“Mô hình đa cây, đa tán giúp duy trì hệ sinh thái ổn định, giảm tiêu hao nước. Dù giữa mùa khô nhưng lá cây vẫn xanh vì giữ được độ ẩm tốt,” anh Quỳnh chia sẻ.

Mô hình để cỏ dại vào mùa khô với mục đích giữ ẩm đất giúp vườn tiêu của gia đình ông Phạm Thế Vinh, thôn Quảng Chánh, huyện Đắk R Lấp, tỉnh Đắk Nông luôn xanh tốt quanh năm. Ảnh: Phạm Hoài.
Cũng áp dụng cách làm hiệu quả, ông Hồ Văn Hoan, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông luôn tự hào về vườn cà phê hơn 4ha phát triển xanh tốt quanh năm, bất chấp nắng hạn kéo dài. Theo ông, bí quyết là sử dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như phủ đất bằng xác bã cà phê ủ hoai, trồng cây che bóng và chắn gió.
“Che phủ đất bằng bã cà phê giúp đất tơi xốp, tăng độ màu mỡ, cây trồng khỏe mạnh hơn. Khi ủ với chế phẩm sinh học, bã cà phê còn giúp hạn chế nấm bệnh rất tốt,” ông Hoan chia sẻ.
Bên cạnh việc trồng đa cây, đa tầng, nhiều nông hộ tại Đắk Nông còn tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Ông Phạm Thế Vinh, thôn Quảng Chánh, huyện Đắk R Lấp, có 3ha cây cà phê và 1ha hồ tiêu cùng trồng xen với một số cây ăn trái, từ ngày được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp ông giảm rất nhiều khoản chi phí mà hiệu quả lại cao.
“Cách đây 2 năm, gia đình được nhà nước hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp giảm nhiều khoản chi phí còn cây trồng phát triển ổn định và cho nguồn thu tốt. Mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được trung bình khoảng 35-45 triệu đồng”, ông Vinh chia sẻ.

Người dân đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây trồng phát triển ổn định, tiết kiệm nước và giảm được nguồn nhân công. Ảnh: Phạm Hoài.
Theo các chuyên gia, mô hình tưới tiết kiệm có thể giảm hơn 30% lượng nước sử dụng, tiết kiệm đến 70% công lao động và cắt giảm 5 - 7% chi phí đầu vào so với phương pháp tưới truyền thống.
Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, kết hợp canh tác hữu cơ và tạo thảm cỏ đã góp phần cải thiện chất lượng đất, tăng độ phì, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Địa phương đồng hành cùng người dân
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên toàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, năm 2025, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 2.860ha, đến năm 2030 chuyển tiếp 5.696ha. "Nguyên nhân phải chuyển đổi chủ yếu do những diện tích cây trồng này ở những vùng thiếu nước vì hạn hán, mạch nước ngầm thấp, đất đai cằn cỗi, không đúng theo quy hoạch", vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Thay đổi tư duy canh tác phù hợp giúp cho nhiều vườn cà phê của người dân vẫn phát triển ổn định dù ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Ảnh: Phạm Hoài.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai hỗ trợ người dân nhiều mô hình sản xuất đa cây, nông lâm kết hợp được người dân địa phương áp dụng mang lại hiệu quả.
Trong đó, các mô hình nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phục hồi, hồ tiêu, cà phê cảnh quan tại một số nhà vườn ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, TP. Gia Nghĩa… áp dụng thành công. Đồng thời, tỉnh Đắk Nông còn xây dựng nhiều mô hình tích cực để nhằm phòng bị, cải thiện những hậu quả do biến đổi khí hậu.