| Hotline: 0983.970.780

'Xác' gửi cho Nhà nước, còn 'hồn' phiêu bạt nơi đâu?

Thứ Năm 04/11/2021 , 06:30 (GMT+7)

Nên quay lại cơ chế cũ, với Luật Khoa học và Công nghệ. Còn làm như Nghị định 70 thì sản phẩm khoa học phần xác gửi cho Nhà nước, nhưng hồn ở nơi đâu...

Chẳng thể ép bán

Bài liên quan

Tiến sĩ Bùi Mạnh Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô bày tỏ ý kiến rồi phân tích: Phải giao lại quyền sở hữu sản phẩm khoa học cho các đơn vị tác giả, còn làm theo kiểu bây giờ thì tất cả các sản phẩm khoa học khi nghiệm thu xong đề tài lại bị đút vào ngăn kéo mà thôi. Chủ trương hầu như bao giờ cũng đúng nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì lại có những cái chưa được hoàn thiện.

Như cách làm cũ, theo Luật Khoa học Công nghệ, Nhà nước vẫn là chủ sở hữu các sản phẩm khoa học nhưng lợi nhuận của nó phục vụ cho cộng đồng là chính. Khi chuyển giao ra sản xuất, giống có sức lan tỏa lớn, làm tăng năng suất cũng đồng nghĩa với tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng, cho xã hội. Thông qua con đường đó, Nhà nước cũng thu được thuế của các doanh nghiệp bán giống. Bởi thế phải tính bài toán một cách tổng thể.

Sàng ngô giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sàng ngô giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn Nghị định 70 (Nghị định /2018/NĐ-CP) chỉ tính cái cụ thể, cái trước mắt nên còn nhiều bất cập. Đứng về mặt Nhà nước quản lý thì đúng là tất cả những tài sản hình thành từ vốn đầu tư công thì phải thuộc về Nhà nước, nhưng khi áp dụng trong thực tế lại làm kìm hãm chuyển giao các sản phẩm khoa học. Một khi bị nút thắt chuyển giao ở cơ sở thì buộc có luồng để giải phóng sản phẩm bằng cơ chế "tương tác ngầm, chuyển giao trộm" cho doanh nghiệp bên ngoài.

Viện Nghiên cứu Ngô từ khi thành lập đến giờ chưa có hiện tượng đó nhờ một số quy định nội bộ cũng như nêu cao sự tự trọng của nhà khoa học. Không thể vì lợi mà mình biến thành kẻ ăn cắp được, dù là ăn cắp của Nhà nước. Nếu không có sự tự trọng, người ta dễ dàng làm việc đó lắm, và Viện cũng không có cách nào kiểm soát nổi…

Chăm ngô giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chăm ngô giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ hồi Nghị định 70 này ra đời đến nay, Viện chưa bán một bản quyền giống nào dù nhu cầu của các doanh nghiệp bao giờ cũng có. Năm vừa rồi, Viện có hơn 10 giống được công nhận chính thức và rất nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề mua bản quyền nhưng Viện đều lắc đầu hết.

Không bán là bởi Viện và tác giả giống làm mà chẳng có công gì, cũng chẳng có quy chế nào bắt buộc chúng ta phải bán cả. Sản phẩm khoa học vì thế phần lớn đều cất vào trong ngăn kéo tủ bởi năng lực kinh doanh của Viện có hạn, chỉ kinh doanh được một vài giống, còn lại thì xếp đấy.

"Trong gần 20 giống đã bán bản quyền, tôi làm tác giả chính cũng như có tham gia làm đồng tác giả là 12. Tuy kinh tế không hẳn là đã khá nhưng như người xưa nói “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”. Được thưởng một miếng giữa đường rất vinh dự và tự hào, nó động viên tinh thần lớn lắm, dù có những giống bán xong cũng chỉ đủ tiền uống với nhau một bữa bia", nguyên Viện trưởng Bùi Mạnh Cường bảo.

"Nếu ai đã đam mê khoa học, đều vì sự tự trọng, yêu ngành, yêu nghề là chính. Sự tự trọng thể hiện đã là nghiên cứu phải có sản phẩm cụ thể để không hổ thẹn với bản thân mình, để không mang danh là nhà khoa học giả cầy. Tôi vẫn nói giờ những ai còn trụ lại trong hệ thống nghiên cứu nông nghiệp nước nhà đều là những người yêu nghề, yêu ngành".

Tiến sỹ Bùi Mạnh Cường

Trường hợp ra đi nào cũng tiếc

Cũng theo ông Cường, từ hồi có Nghị định 70, một số nhà khoa học của Viện vẫn làm nghiên cứu, vẫn yêu ngành, nhưng có phần hạn chế hơn bởi phải làm những nghề khác để nuôi sống bản thân gia đình mình khi khoa học không thể nuôi được họ. Nạn “chảy máu chất xám” vì thế mà ồ ạt hơn, nó có nhiều nguyên nhân nhưng chính vẫn là do đồng tiền, bát gạo.

Năm 2019, 2020, Viện Nghiên cứu Ngô có hơn 50 người đã ra đi, trong đó có nhiều thạc sỹ học ở nước ngoài, thậm chí cả Phó bộ môn nhưng chủ yếu là lớp trẻ, trong đó 70% dạng hợp đồng, 30% dạng biên chế. Đa số chuyển sang làm khác ngành, khác nghề như môi giới bất động sản, bán hàng online cùng các dịch vụ khác với mức lương gấp đôi, gấp ba lương của Viện.

Tiến sĩ Bùi Mạnh Cường: 'Trường hợp ra đi nào tôi cũng tiếc'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến sĩ Bùi Mạnh Cường: "Trường hợp ra đi nào tôi cũng tiếc". Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trường hợp ra đi nào tôi cũng tiếc, bởi nếu ở Viện người ta không làm việc này thì làm việc khác, miễn là có điều kiện để cho họ phát huy nhưng tiếc rằng điều kiện có tác động mạnh nhất là lo cho đời sống của họ thì lại chịu. Tuy thế khi đặt bút kí đồng ý cho họ nghỉ, tôi không đắn đo trước bất cứ trường hợp nào, bởi biết có vận động ở lại người ta cũng không thể làm tròn trách nhiệm nên chỉ bắt tay chúc lên đường nhiều may mắn.

Người ta ra đi bởi thu nhập không đảm bảo (lương khởi điểm chỉ cỡ 3 triệu đồng) và bởi cảm thấy môi trường ở đây tẻ nhạt. Giờ nhiều người không thích lội ruộng, ngắm cây cối nữa, mà thích môi trường số, kinh tế số, vừa nhẹ nhàng, sạch sẽ lại có thu nhập cao. Đó cũng là sự thay đổi cách nhìn của thế hệ trẻ hiện nay, chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang dịch vụ”, ông Cường tổng kết.

Nguyễn Quốc Mạnh là 1 trong 4 người học Cây trồng tiên tiến của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được đích thân Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô sang tuyển và đón về. Họ mang đến không khí của tuổi trẻ cho nơi đây bởi sự hăng hái, sôi nổi, yêu nghề. Họ tự tìm học bổng để đi du học nước ngoài rồi trở về với mong muốn được cống hiến nhưng cơ chế, đồng lương như thế khiến Mạnh chỉ cố gắng bám trụ thêm được một thời gian rồi đành phải chuyển đi.

Kiểm tra ngô giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra ngô giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Thế hệ chúng tôi, những người xung quanh 40 tuổi, khi ra trường, xin được về các viện nghiên cứu của Trung ương thì cả gia đình đều thấy tự hào nhưng thế hệ trẻ giờ chỉ quan tâm nhiều đến yếu tố thu nhập mà thôi.

Nghĩ cũng ngậm ngùi, có lần trong một bữa tiệc có nhiều nhà khoa học khắp nơi trên thế giới, có anh người Ấn Độ kể về mức lương của mình trung bình 5 - 6.000 USD (hơn 100 triệu/tháng) rồi hỏi lại tôi. Dù lương quy ra chưa được 300 USD nhưng tôi vẫn phải giữ thể diện, nói rằng được 500 USD cho gần ngang bằng mấy nước Indonesia, Philippine”.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Ngô

Trong cái phòng thí nghiệm sinh học phân tử với những máy móc rất hiện đại, bóng loáng và đắt tiền, tôi gặp Tiến sỹ Đoàn Thị Bích Thảo, Phó Bộ môn Công nghệ sinh học. Chị là nghiên cứu viên chính, đồng tác giả của nhiều giống ngô như LVN 145, LVN 146, LVN 092… Nhớ lại cảnh bán bản quyền sôi động ngày nào, chị bảo, khách quan là do thị trường ngô lúc đó đang sôi động, thứ nữa là do cơ chế được giữ lại 30% cho nhóm tác giả.

“Đời sống lúc ấy của chúng tôi rất khá, ngoài lương cơ bản theo hệ số còn có thêm 1 lần lương nữa của Viện trả nhưng mấy năm nay khoản này đã không còn. Những người học trong nước hay ngoài nước về đây hầu như đã đi hết.

Giờ gia đình của tôi ở đây, mọi thứ đã ổn định, đã gắn thành cái nghiệp nên không nỡ đi dù cả lương lẫn phụ cấp chỉ được 6 triệu đồng/tháng. Với công việc được giao, chúng tôi vẫn phải hoàn thành, nhưng sự hứng khởi trong nghiên cứu thì giảm sút. Năm nay chúng tôi còn đang lo không biết có được 100% lương nữa không, vì Viện đang phải tự chủ, tự trả mấy tháng lương”, Tiến sỹ Thảo lo lắng.

Tiến sĩ Đoàn Thị Bích Thảo đang làm thí nghiệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến sĩ Đoàn Thị Bích Thảo đang làm thí nghiệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến sỹ Bùi Mạnh Cường không giấu nổi sự chua chát khi Viện có một phòng thí nghiệm có thể giải quyết tất cả những vấn đề khoa học cơ bản của cây ngô với nhiều máy móc đắt tiền, hiện đại từ Mỹ, Châu Âu, tuy nhiên cơ chế lại không được giống như họ.

"Ở nước ngoài, nghiên cứu khoa học thường phân ra 2 pha. Thứ nhất là đầu tư cơ bản, Nhà nước đầu tư thông qua đề tài. Chủ nhiệm đề tài được phép tuyển nhân sự, tự trả lương nhằm mục tiêu phải ra được sản phẩm, nếu không thành công phải trả lại toàn bộ chi phí. Thứ hai là, khi có sản phẩm thì đăng ký bản quyền với Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thì đăng ký, đóng thuế, Nhà nước thu hồi lại phí để hoàn vốn.

Ở ta vướng mắc Luật Viên chức, nên chủ nhiệm đề tài không có quyền tuyển người vào nhóm làm việc của mình, cũng không có toàn quyền sử dụng kinh phí. Người trong nhóm khi không làm được việc, chủ nhiệm cũng không có quyền kỷ luật. Lương vẫn theo ngạch bậc, tổ chức vẫn theo hành chính thì khoa học sẽ là sự bế tắc…", ông Cường chia sẻ.

“Có vẻ xã hội đang không tin tưởng vào các nhà khoa học nên các cơ chế, định chế giám sát từ Luật Khoa học và Công nghệ đến các nghị định, văn bản đều hướng vào quản lý chặt chẽ nhưng thực tế lại làm triệt tiêu đi sức sáng tạo thể hiện qua những đầu bài đặt hàng rất cứng nhắc, các bản phê duyệt thuyết minh đề cương rất cứng nhắc. Mà một khi anh đã đặt mua kiểu như thế thì tôi trả bài, cứ tìm cách trả cho nhau vậy thôi”, một nhà khoa học ngán ngẩm.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm