| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 2] Cất cánh từ 3 yếu tố then chốt

Thứ Sáu 11/04/2025 , 09:48 (GMT+7)

Chất lượng sản phẩm, chiến lược thương hiệu và đổi mới công nghệ sẽ là những yếu tố then chốt để đưa yến sào Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.

Đối tác nước ngoài tìm hiểu về các sản phẩm yến sào Trường Thọ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đối tác nước ngoài tìm hiểu về các sản phẩm yến sào Trường Thọ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chất lượng - yếu tố sống còn trong cuộc đua toàn cầu

Theo ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, ngành yến Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, nhưng cũng không thiếu những khó khăn, thử thách, đặc biệt khi phải cạnh tranh với các quốc gia có kinh nghiệm lâu đời như Indonesia, Malaysia.

Ông Yang Hsua-Ta, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Indonesia cho rằng, trong chiến lược phát triển, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã đưa ngành yến sào trở thành một trong những ngành trọng điểm, do vậy, ông khuyến nghị các doanh nghiệp yến sào Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, trong đó, chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết để xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam uy tín và vững mạnh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc chỉ xuất khẩu yến tổ và yến nguyên liệu sẽ khó giúp Việt Nam vươn ra thế giới một cách bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Indonesia cho rằng, yến sào cần được phát triển thành các sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là yến sào đóng lon - một xu hướng tiêu dùng tiện lợi và có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, ông Yang Hsua-Ta khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường sự hiện diện của mình tại các sự kiện của ngành yến quốc tế, qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng thị trường mà còn là bước đi quan trọng để định hình chiến lược phát triển bền vững cho ngành yến Việt Nam

Một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, theo ông Yang Hsua-Ta là các sản phẩm yến sào phải không có chất phụ gia, chỉ có yến và nước, đôi khi có thêm đường phèn. Do vậy, cần phải áp dụng công nghệ chế biến cao để yến sào không bị biến thành nước khi gặp nhiệt độ cao. "Yến sào không chỉ đơn thuần là một sản phẩm dinh dưỡng cao cấp, mà còn mang giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc", Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam nói.

Để đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm yến sào cần được khử trùng ở nhiệt độ 123 độ C, tiêu chuẩn này đã giúp ông Yang Hsua-Ta thành công trong việc sản xuất yến sào chất lượng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm có thể bảo quản trong 1-2 năm mà không bị biến thành nước, mà lại không cần dùng đến bất kỳ chất phụ gia nào.

"Nhiệt độ 123 độ C là tiêu chuẩn tốt nhất, và hiện tại chưa có quốc gia nào áp dụng nhiệt độ này. Trong đó, tiêu chuẩn của FDA Mỹ là 121 độ C", ông Yang Hsua-Ta nói.

Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, trong định hướng sắp tới, ngành yến Việt Nam sẽ phải bảo tồn, phát huy được hương vị riêng có của tổ yến Việt Nam để khi ngửi mùi là người ta biết đó là yến Việt.

Muốn vậy, yến phải được chế biến một cách tỉ mỉ, khoa học để giữ lại trọn vẹn dưỡng chất quý giá của nó. Quy trình minh bạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và sự cam kết về chất lượng sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng, giúp nâng cao giá trị của tổ yến Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, thay vì cạnh tranh về giá với các quốc gia như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, Việt Nam cần tập trung vào phát triển các sản phẩm yến sào độc đáo, phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi và khác biệt về chất lượng, quy trình chế biến hoặc các sản phẩm giá trị gia tăng. Câu chuyện về yến sào Việt Nam phải được kể một cách sáng tạo, làm nổi bật những ưu điểm vượt trội của sản phẩm, từ đó tạo dựng một vị thế riêng biệt và vững chắc trên thị trường quốc tế.

Yến đảo Cần Giờ . Ảnh: Nguyễn Thủy.

Yến đảo Cần Giờ . Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Thăng hoa" từ công nghệ và thương hiệu

Với sự tham gia của các doanh nghiệp, ngành yến Việt Nam đang không ngừng nỗ lực khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Bà Lưu Ngô Phương Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Nhà yến Việt với thương hiệu yến sào Trường Thọ, cho biết hiện đơn vị đã đầu tư rất nhiều tâm huyết, trang thiết bị máy móc hiện đại vào dây chuyền sản xuất để phát triển dòng sản phẩm mới là yến sấy thăng hoa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

"Mục tiêu của chúng tôi là không chỉ sản xuất hàng tốt để phục vụ xuất khẩu mà còn muốn người dân Việt Nam cũng được sử dụng những sản phẩm yến chất lượng cao nhất”, bà Quỳnh nói và cho biết, doanh nghiệp đã nhận được yêu cầu cung ứng cho đối tác Mỹ khoảng 4-5 container yến chuyên sâu. Đồng thời, nhận được sự quan tâm từ các khách hàng châu Âu, và đang tiến hành các thủ tục pháp lý để đưa sản phẩm vào thị trường này.

Bà Lê Thùy Chi, CEO Yến đảo Cần Giờ cho biết, công ty đang đầu tư mạnh mẽ vào máy móc và công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi đang hợp tác với các nhà yến lâu đời và uy tín ở Cần Giờ để phát triển cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Đồng thời, hợp tác với các chuyên gia từ Đại học Công thương TP.HCM để giám sát chất lượng và nghiên cứu phát triển sản phẩm. Mục tiêu của chúng tôi là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững và đưa Yến đảo Cần Giờ vươn tầm quốc tế”, bà Lê Thùy Chi chia sẻ.

TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, các sản phẩm quý hiếm như yến sào, sâm, nấm dược liệu mang giá trị kinh tế cao, song cũng đối mặt với nhiều thách thức như hàng giả, gian lận thương mại và mất uy tín thương hiệu. Nhận thức rõ vấn đề này, Sở Công Thương TP.HCM đã giao Hội Công nghệ cao TP.HCM nghiên cứu và triển khai Hệ thống Quản lý thương hiệu và chuỗi cung ứng an toàn, bền vững, chống giả mạo đối với các sản phẩm nông sản, trong đó có yến.

Hệ thống này ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Blockchain, AI, IoT và Big Data, mang lại nhiều lợi ích thiết thực như cung cấp thông tin đầy đủ về sản lượng, tổng đàn, xác nhận từ chính quyền và lộ trình vận chuyển; chống hàng giả, bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng; và nâng cao uy tín thương hiệu Việt Nam. Đồng thời, hệ thống giúp người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm dễ dàng qua QR code hoặc ứng dụng di động, tăng cường niềm tin vào chất lượng.

"Với sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý, hệ thống này sẽ là giải pháp quan trọng, bảo vệ giá trị sản phẩm Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế", Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM nói.

Trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tiêu biểu 2025 vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành yến của Việt Nam đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, châu Âu nhằm đưa yến sào Việt Nam ra thế giới.

Xem thêm
15 năm phát triển chương trình đào tạo ngành thú y theo chuẩn quốc tế

TPHCM Chiều 12/4, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức kỷ niệm 15 năm chương trình đào tạo tiên tiến ngành thú y - chương trình duy nhất đào tạo thú y bằng tiếng Anh.

Từ cánh đồng truyền thống đến vùng lúa phát thải thấp

ĐBSCL An Giang và Đồng Tháp đang tạo dấu ấn trong hành trình chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững vùng ĐBSCL.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Chuyện nước mắm, tương, nem chua... và vấn đề amin sinh học

Nhóm nghiên cứu amin sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam muốn giúp những sản phẩm lên men truyền thống của người Việt an toàn hơn, giá trị hơn, hướng tới xuất khẩu.

Quảng Ngãi bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững

Quảng Ngãi xác định phát triển nghề cá theo hướng giảm các ngành nghề tận diệt, tăng nghề thân thiện với môi trường để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan

Đồng Tháp Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng nhằm bảo tồn sếu đầu đỏ.