| Hotline: 0983.970.780

Tháo 'vòng kim cô' cho các viện nghiên cứu

Thứ Tư 03/11/2021 , 06:00 (GMT+7)

Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý tài sản khoa học công nghệ sử dụng vốn Nhà nước được ví von như một chiếc “vòng kim cô” đang siết trên đầu các viện nghiên cứu...

Hồi ức về một cuộc bán bản quyền giống

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, Trưởng Bộ môn Nông học thuộc Viện Nghiên cứu Ngô nhớ lại chuyện giống Thịnh vượng 9999 của mình được bán bản quyền cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với giá hơn 3 tỉ đồng năm 2017: “Lúc gửi giống cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thử, thấy tốt nên họ dặn phải để riêng cho. Nhưng cùng thời điểm đó có doanh nghiệp khác vào Viện thăm, thấy tốt cũng đòi đặt cọc.

Chúng tôi phải gọi điện cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố rằng ngày mai, nếu không ra được thì sẽ phải gả sản phẩm cho một doanh nghiệp khác. Đúng hôm sau, họ bay từ trong Nam ra đặt mua luôn. Tôi cảm thấy tự hào khi sản phẩm của mình được doanh nghiệp mua với giá cao, được nông dân đón nhận trong sản xuất”.

Chuông điện thoại của Thành những ngày sau đó liên tục reo, dòng trạng thái trên zalo, facebook liên tục được thả tim, like và các bình luận chúc mừng. Mọi chuyện giống như một bước ngoặt đối với anh dù ít người biết được rằng sau nộp thuế, tác giả chính chỉ được chia cho một khoản tiền ngang bằng cái xe máy phổ thông, còn các đồng tác giả thì nhận được phần ít hơn nữa.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành (bên trái) giới thiệu về một số giống ngô mới đang nghiên cứu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành (bên trái) giới thiệu về một số giống ngô mới đang nghiên cứu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tốt nghiệp đại học, về Viện năm 2004 là những ngày tháng từ tờ mờ sáng anh đã cùng đồng nghiệp lọ mọ ra ruộng bọc đám râu ngô lại để tránh khi mặt trời lên, ong bướm khô cánh bay được sẽ mang phấn từ cây nọ sang cây kia làm lẫn lộn.

Là những buổi trời mưa gió, phải ra thăm ngô, vạch từng cái lá của hàng chục, hàng trăm dòng trong tập đoàn xem chúng có bị nhiễm bệnh hay không. Là những đêm đang ngủ cũng bật dậy vì trăn trở về một quy trình chọn tạo giống đang bị vấp, phải lần giở sách vở, mở máy tính ra xem lại nhật ký có gì sai sót.

2 giống ngô được công nhận chính thức, trong đó 1 đã bán bản quyền là thành quả hơn 10 năm trời nghiên cứu miệt mài của anh từ chọn tạo dòng, lai, thử khả năng kết hợp đến khảo nghiệm… Hiện tại anh cũng có 2 giống ngô khác đang công nhận thử, được doanh nghiệp ngỏ ý mua nhưng không muốn bán bởi còn ngại Nghị định 70 (Nghị định 70/2018/NĐ-CP) về quản lý sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng vốn Nhà nước.

Hôm trước, khi đoàn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến làm việc với Viện, đại diện Viện cũng đã phản ánh những bất cập của Nghị định này: “Đích ngắm cuối cùng của sản phẩm khoa học chính là sự hưởng lợi của người dân. Muốn khuyến khích các nhà nghiên cứu đưa ra được nhiều sản phẩm tốt cho dân thì phải có chính sách, cơ chế phù hợp chứ giờ nếu bán bản quyền, Nhà nước lại thu hết thì chẳng ai dại gì mà bán cả vì có được lợi gì đâu?”…

“Ngoài bán bản quyền giống, chúng tôi còn đang hợp tác với các doanh nghiệp theo hình thức hợp tác với doanh nghiệp chuyển quyền phân phối giống Viện chịu trách nhiệm đứng ra duy trì dòng, sản xuất hạt lai còn doanh nghiệp thì kinh doanh rồi cùng phân chia lợi nhuận. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn muốn mua đứt bản quyền chứ không muốn hợp tác theo kiểu này”, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành cho biết.

Tiến sỹ Bùi Mạnh Cường đứng bên nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để giới thiệu giống ngô. Ảnh: Tư liệu. 

Tiến sỹ Bùi Mạnh Cường đứng bên nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để giới thiệu giống ngô. Ảnh: Tư liệu. 

Tiến sĩ Bùi Mạnh Cường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô bảo với tôi rằng từ lúc thành lập đến nay, đơn vị lúc nào cũng chủ trương “đi bằng cả hai chân” khoa học và kinh doanh. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là thời điểm các giống ngô thụ phấn tự do của Viện được thị trường đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là "bộ tứ" nổi tiếng MSB49, VM1, TSB2 và Q2.

Hệ thống phân phối của Viện khi ấy đã không đáp ứng được với nhu cầu của sản xuất, có những vụ ngô giống vừa thu hoạch ngoài ruộng về đã phải chia từng xẻng ở trên sân. Các Giáo sư, lãnh đạo Viện như Trần Hồng Uy, Ngô Hữu Tình cũng phải trực 24/24h, không dám rời cơ quan để mà lo khâu phân phối giống.

Ông Cường phân tích, lúc ấy có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất là tuy cơ chế thị trường mới mở cửa nhưng lại thông thoáng nhất. Nhà nước không thu thuế, còn Viện chủ động trong công tác chuyển giao các sản phẩm khoa học, chỉ thu khoảng 30% để tái tạo lại cơ sở vật chất, đầu tư cho nghiên cứu. Còn chủ yếu cho người đi chuyển giao được hưởng, nhưng vì là giống thụ phấn tự do nên mỗi kg họ cũng chỉ lãi một vài đồng. Chính vì thế đã kích thích được những người đi chuyển giao giống.

Thứ hai là nhu cầu lương thực cho người, cho vật nuôi khi ấy còn đang thiếu nên phong trào trồng ngô đông ở các tỉnh rất mạnh. Nhờ đó, tuy là đơn vị nghiên cứu nhưng mỗi năm Viện cũng chuyển giao được vài trăm tấn ngô giống cho dân.

Chuẩn bị cho hội nghị đầu bờ giới thiệu về giống ngô mới Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị cho hội nghị đầu bờ giới thiệu về giống ngô mới Ảnh: Dương Đình Tường.

Vàng son một thủa

Những ngày tháng huy hoàng nhất của đơn vị là giai đoạn năm 2006 - 2016, cả ngành nông nghiệp nhìn vào thu nhập của cán bộ Viện Nghiên cứu Ngô bằng con mắt ngưỡng mộ. Thị trấn Phùng, nơi Viện đóng trở thành thị trấn ngô náo nhiệt suốt ngày đêm khi đến thời vụ.

Người ta tranh nhau mua ngô giống, thậm chí sử dụng mọi mối quan hệ cả bên trên với xuống để mà chèo kéo, mua cho bằng được bởi một xe hàng ra khỏi cổng Viện là có khi đã lãi cả cây vàng rồi.

Động lực chính lúc này, khách quan là phong trào trồng ngô lai đang lên như diều, thậm chí một số tỉnh vùng cao còn cạo trọc đồi, núi để trồng ngô lai. Thứ nữa là định giá sản phẩm giống ngô lai cao hơn hẳn giống ngô thụ phấn tự do của giai đoạn trước nên đem lại lợi nhuận rất lớn cho Viện Nghiên cứu Ngô cũng như đơn vị trực thuộc là Công ty Tư vấn và Đầu tư Phát triển Ngô.

Để nghiên cứu thành công một giống ngô, Viện Nghiên cứu Ngô và cá nhân tác giả phải đầu tư ra cỡ 1/3 kinh phí mới ra được giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để nghiên cứu thành công một giống ngô, Viện Nghiên cứu Ngô và cá nhân tác giả phải đầu tư ra cỡ 1/3 kinh phí mới ra được giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cơ chế quản lý lúc đó đã thay đổi, thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ, giao bản quyền cho chủ sở hữu. Họ được chủ động trong khai thác, phân phối lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ 70% nộp cho Nhà nước, 30% dành cho Viện và nhóm tác giả.

Thường cứ cuối vụ xuân hay vụ đông, sau khi xem trình diễn các mô hình ngô trên đồng, giới doanh nghiệp lại đánh từng đoàn ô tô con về Viện để ngỏ lời mua luôn bản quyền những giống có tiềm năng. Có những năm Viện bán bản quyền được tới 6 giống, có giống như LVN 61 đạt kỷ lục tới 6,8 tỉ đồng, còn bình quân giá cứ 4 - 5 tỉ đồng…

Để có được một giống ngô mới, nhanh cũng mất 6 năm, còn không phải trên dưới 10 năm. Chi phí tính từ chai nước cho công nhân uống trở đi hết không dưới 6 tỉ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư chỉ một phần, gồm kinh phí nghiên cứu cho đề tài. Cụ thể, một đề tài về giống ngô thường được tối đa 4,8 tỉ đồng, chia cho 5 năm thì mỗi năm được chưa đến 1 tỉ đồng, còn Viện và cá nhân tác giả phải đầu tư ra cỡ 1/3 nữa mới ra được giống.

Bởi vậy, việc bán bản quyền rồi trích lại lợi nhuận 30% dành cho Viện và nhóm tác giả dù được 1 tỉ đồng đi chăng nữa cũng chỉ bù đắp được một phần nào đó, vẫn phải gắn thu, bù chi. Tuy nhiên nhờ có nó mà sức lao động của nhà khoa học được tái tạo, họ được động viên rất nhiều.

Hiện nay, tổng thu của Viện Nghiên cứu Ngô chỉ 27 tỉ đồng và thu nhập chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện nay, tổng thu của Viện Nghiên cứu Ngô chỉ 27 tỉ đồng và thu nhập chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở Viện Nghiên cứu Ngô, ngoài giống bán bản quyền còn có những giống được giữ lại để tự kinh doanh, lãi cũng được chia theo tỷ lệ 30% cho Viện và nhóm tác giả, còn nộp cho Nhà nước 70%. Xét về mặt kinh tế thì những giống nào tiềm năng tốt mà các bộ môn để lại tự sản xuất rồi kinh doanh thì với chu kỳ khai thác 5 - 10 năm sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn. Còn những giống mà các bộ môn không có điều kiện chuyển giao hay do thiếu vốn để quay lại đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm thì mới tính đến chuyện bán.

Thời đỉnh cao, năm 2016, tổng thu của đơn vị cỡ 40 tỉ đồng, trong đó lãi được 12 - 15% với bộ máy cỡ 210 người, thu nhập bình quân đạt khoảng 7 triệu đồng/tháng. Còn hiện tại tổng thu của Viện chỉ 27 tỉ đồng, quân số chỉ cỡ hơn 100 người và thu nhập giảm xuống 5 triệu đồng/tháng. Kết cục ấy tất nhiên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện thị trường giống ngô lai như một cái xe lao dốc không phanh và cả chuyện cơ chế quản lý sản phẩm khoa học chưa phù hợp.

Không phụ thuộc vào phần đầu tư hạn chế của Nhà nước, Viện đã xây dựng được nhà Trung tâm chuyển giao, nhà tạo giống đàng hoàng như bây giờ hoàn toàn từ vốn tự có. Ngay cả hiện tại, trong hệ thống nghiên cứu của ngành nông nghiệp thì Viện Nghiên cứu Ngô tuy được đầu tư ít nhưng lại là đơn vị nộp thuế nhiều nhất, bình quân mỗi năm từ 2 tỉ đồng trở lên.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.