Củ nén còn gọi là hành tăm, cùng họ với hành, tỏi nhưng có mùi nồng và cay hơn, chứa nhiều tinh dầu. Đây là loại củ có trồng nhiều ở miền Trung, thích hợp với nơi đất cát. Củ nén là một loại “gia vị” đặc biệt cho các món chiên, xào, kho, hấp hoặc nấu cháo, nấu chè… Ngoài ra, củ nén còn là bài thuốc dân gian hiệu nghiệm để phòng và chữa một số bệnh.
Theo Đông y, nén có vị cay, ngọt, tính ôn có tác dụng bổ thận, làm ấm lưng, chữa đái són, mộng tinh, tiểu nhiều lần. Qua nghiên cứu, người ta thấy trong củ nén có các hợp chất lưu huỳnh như metylpen - tyldisulfid, pentylhydrodisulfid và nhiều silic. Do đó, củ nén có tính kháng sinh, có tác dụng kiện vị, trợ tiêu hóa, sát trùng đường hô hấp, tiêu hóa, chống sình bụng, cảm cúm, ho, viêm họng.
Trong dân gian, người ta chế biến “rượu nén” dùng trong gia đình bằng cách lựa những củ già, chắc mẩy, rửa sạch rồi để cho ráo nước. Sau đó đem sấy qua than củi rồi đổ ra rổ tre cho nguội.
Dùng chai, lọ, thẩu bằng thủy tinh, rửa sạch và để khô, cho củ nén vào rồi đổ rượu trắng loại ngon vào sao cho cao gần đến cổ chai. Để nơi thoáng mát chừng 3 tháng là có thể dùng được. Loại rượu này dễ uống, chỉ một ly nhỏ cũng có tác dụng giải cảm mưa, cảm nắng, giải mỏi, đau bụng, thấp nhiệt, nóng rét, nhức đầu… Khi bị viêm họng, ho dai dẳng, những người quê thường lấy củ nén vắt lấy nước uống, sau ba ngày thì hết bệnh không ho nữa.
Trong các món ăn, củ nén là một loại gia vị giúp món ăn có hương vị rất riêng. Người dân thường ướp củ nén để chiên, nướng thịt, nhất là chiên hoặc nướng với cá chuồn ăn rất thơm ngon.
Ngoài ra, nén còn dùng nấu cháo, nấu chè. Nấu chè nén ăn để trị bệnh thì dùng đường đen, thường là chưng chứ không nấu. Khi đường quyện với nén là có thể dùng và nên dùng nóng khi mùi nén còn hăng, cay. Ăn vào chừng độ một chén là cơ thể bắt đầu xuất mồ hôi, dễ chịu, vài hôm sau là hết cảm. Nếu vì đột xuất gặp mưa bị cảm lạnh, thì ăn sống chừng mười củ nén và uống một ly rượu trắng cũng có tác dụng giải cảm.