Đám cưới xưa nay hiếm
Chỉ có đứa con là hiểu, nó ngượng nghịu: “Bác ơi đừng khoe với ai nhớ!”. Người bác, Hoàng Quốc Việt, tức anh họ chị Quy lúc đó mới nói: “Ơ cháu tao học giỏi, tự hào quá tao chẳng khoe ra với dân làng thì sao?”.
Chuyện rằng, ở thôn Chế Chì, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có chị Hoàng Thị Quy sinh năm 1974 chẳng may bị động kinh từ nhỏ, bố mất sớm, mẹ một nách nuôi đàn con 5 đứa. Học đến lớp 7 thì chị bỏ bởi mỗi tháng bị giật đùng đùng rồi ngã lăn ra, bất tỉnh nhân sự đến 2 - 3 lần.
Bệnh tật khiến cho chị phải uống thuốc thường xuyên, kiêng khem đủ thứ nhưng mỗi khi đi làm mệt nhọc hay thời tiết nắng nóng vẫn tái phát như thường.
Đang đạp xe, một cơn động kinh quật chị ngã ở ngã tư Phố Giác gãy cả răng, hay đang đi trên đường làng, một cơn động kinh khiến chị nhào xuống ao may có người vớt kịp.
Từ đó, hễ đi đâu chị cũng phải có người kèm nên đến tận bây giờ mới chỉ biết nơi xa nhất là thị xã Hưng Yên, cách nhà hơn 10km (thành phố Hưng Yên nhưng chị vẫn quen gọi thế - PV).
Mặc cảm về bệnh tật nên chị cứ thu mình lại, không định lấy chồng, chỉ ở nhà kết mành, làm ruộng cùng mẹ nhưng rồi sức ép dư luận đè nặng trên vai hơn cả gánh khoai, gánh thóc.
Nhà có con gái ế không ai thèm đến chơi đã đành mà chị em trong họ còn ngấm ngầm dè bỉu rằng “bà cô” này nọ. Năm 29 tuổi, chị được động viên: “Cứ lấy chồng đi, sau này có con nó sẽ đỡ đần”...
Cách đó một thôi đường, ở thôn Ché có anh Phạm Văn Hinh sinh năm 1972 trong gia đình 5 anh em nhưng chỉ mỗi mình bị tâm thần phân liệt. Anh đã lấy vợ hai lần nhưng đều bị bỏ lúc chưa kịp có con.
Mối lái dắt “Hinh tồ” đến nhà chị, họ bảo ngồi đâu thì anh ngồi đấy, cả buổi chẳng nói năng gì mà chỉ cười hì hì.
Chị chủ động hỏi: “Có lấy tớ không?”. Anh đáp gọn lỏn rằng: “Có”. Thấy anh như vậy, người vun vào, kẻ can ra nhưng chị tặc lưỡi. Người ấy tuy bệnh tật nhưng lành hiền, nếu sau này có con thì dựa vào nhau mà sống còn không thì lại ai về nhà nấy, lo gì?
Hôm cưới, nhà trai có người bảo anh cứ ở nhà chờ đưa vợ về cho nhưng nhưng anh khóc toáng đòi phải đi đón dâu, còn nhà gái thì nhấm nháy nhau làm thủ tục nhanh nhanh kẻo cô dâu lại lăn đùng ra đúng vào giữa lễ. Họ lấy nhau năm 2002, không một tấm ảnh cưới, đến ngay cả bộ quần áo anh mặc cũng là đồ mua chịu.
Mẹ đẻ hồi môn cho chị được mấy tạ thóc còn mẹ chồng hồi môn cho cái giường với mấy cái xoong. Lúc đầu họ sống chung với bố mẹ anh nhưng sau đó nhờ bên ngoại giúp, mua cho một mảnh đất nông nghiệp ở rìa làng với giá 12 triệu để ra riêng. Không có tiền nên người cho chịu gạch, ngói, vôi, vữa, người cho chịu công, căn nhà nhỏ dựng lên xong thì họ mắc nợ 40 triệu.
Sinh con đầu được 1 tháng chị đặt thằng bé một bên, khung mành một bên để dệt. Nó lớn lên mà không hề đến mùi vị của một hộp sữa mà chỉ là nước cơm hay sang lắm là bột nấu đường.
“Đến tận bây giờ, tôi vẫn chỉ chấp nhận số phận mà lấy anh ấy thôi chứ chưa biết yêu là gì. Chồng tôi tuy chậm chạp nhưng được cái quý vợ con, chẳng bao giờ mắng chửi hay đánh đập”, chị Quy tâm sự.
Xắn tay dạy chồng
Hồi chưa lấy vợ anh hầu như không biết làm một việc gì cả nên khi về ở chung rồi chị mới dạy cho từng li từng tí từ dễ đến khó nhưng đều rất chậm chạp. Người thường mỗi ngày cuốc được 5 miếng ruộng thì anh chỉ được 1 miếng. Người thường mỗi ngày nhổ được 100 bó mạ thì anh chỉ được 30 bó mạ. Người thường mỗi ngày gặt được cả sào thì anh chỉ được 2 miếng.
Lúc đầu anh còn không biết đâu là ruộng của nhà mình nên chị phải đánh dấu bằng cái que hay tàu lá. Đi làm vợ với chồng như hình với bóng để bảo việc. San ruộng anh không biết chỗ nào cao, chỗ nào thấp, chị dạy chỗ cao phải gạt xuống chỗ trũng. Nhổ mạ thì cả cỏ anh cũng nhổ, chị dạy cho cách phân biệt mạ với cỏ lồng vực.
Cấy thì chị dạy phải cắm cây mạ dúi xuống thế này. Tát nước thì chị đóng sẵn ba chân của gầu sòng anh chỉ việc đứng một chỗ mà bẩy. Ngay cả việc nhà cũng thế, chị dạy anh cách đo mực nước bằng đốt ngón tay kẻo nấu cơm bữa nhão nhoét, bữa thì sượng sống.
Vợ dạy mãi, dần dần anh cũng biết tự đi làm nhưng có buổi đến 8, 9 giờ tối mà mãi không thấy về. Hốt hoảng, nghĩ chồng mình bị cảm, chị cầm cái đèn bão tất tả chạy ra cánh đồng thấy anh vẫn đang lần sờ dưới ruộng.
Chị hỏi: “Anh đang làm gì thế?” thì anh cười: “Đang làm cỏ”. “Tối thế thấy gì mà làm?”. Chị hỏi tiếp, anh trả lời: “Vẫn thấy”. Thế là từ đó chị phải dạy hễ trưa hay tối, thấy xung quanh người ta đi làm về đông thì mình cũng về kẻo muộn. Vợ nói anh còn chịu lời chứ người ngoài bảo thì chỉ lắc đầu vì sợ bị trêu. Đến tận bây giờ anh vẫn không hề biết tiêu tiền là gì và không thể đếm tới số 20.
Chị Quy kể, cùng được cấp thuốc hàng tháng, ở địa phương trước đây có hai trường hợp, một động kinh ngã xuống ao, một động kinh ngã xuống ruộng ,đều không có người cứu kịp nên lắm khi mình cũng thấy rất sợ.
Cấy vài sào ruộng nên thóc không mấy khi phải đi ăn đong nhưng tiền thì thường xuyên túng thiếu. Làm mành, anh pha tre, chị chẻ rồi đan bởi để cho chồng chẻ thì có khi nát hết, mất trọn một ngày cũng chỉ bán được vài ngàn đồng. Làm sen thì chị cắt, anh chọc tâm nhưng cũng thường xuyên để sót.
Lắm lúc thấy chồng người làm ra tiền còn chồng mình đã chậm chạp mà có lúc bảo cũng không thèm làm, ức quá, chị nằm lặng lẽ khóc. Nhưng rồi tự an ủi mình, xác định là cái số rồi thì phải chấp nhận. Nước đến đâu, bắc cầu đến đấy. Mình đã khổ vẫn có người còn khổ hơn.
Từ khi có con dần dần anh cũng khôn ra, đi làm đồng trưa đã biết tự về, nếu không có ai ở nhà cũng biết nấu cơm dù làm thì vẫn chậm. Còn chị bệnh động kinh cũng dần dần thuyên giảm.
Tài sản lớn nhất
Thứ nhiều tiền nhất trong nhà hiện nay của họ là cái xe máy cub 82 trị giá 8 triệu cũng phải đi vay. Hơn 40 tuổi rồi chị mới tập xe máy, luống cuống đến nỗi đâm cả vào cột điện mãi rồi dần dần quen. Chiếc xe là phương tiện để cho chị chạy chợ bán rau mỗi ngày, được hái ngay từ ruộng của nhà hay mua lại của bà con chòm xóm.
Và tài sản lớn nhất của họ là đứa con trai tên Phạm Văn Thông cùng đứa con gái tên Phạm Thị Thương. Từ lớp một đến nay cả hai đều đạt học sinh giỏi. Lúc thi vào trường THPT chuyên tỉnh Hưng Yên Thông đỗ ngay vào hàng top còn Thương thi đỗ trường THCS của huyện cũng là niềm ước ao của biết bao gia đình.
Người làng mỗi khi gặp thường khen: “Trông cái thằng như thế này mà con nó học giỏi lắm!”, anh chỉ đáp mỗi một câu: “Vâng”. Còn chị thì hễ nhìn thấy hai đứa con là như quên đi mọi mệt nhọc. Lắm buổi người ta mượn đi phu hồ, tối về chị lại cùng chồng con tranh thủ cắt rau, nhặt, rửa cả đêm để sáng ra 3 giờ lại đèo đi chợ bán. Năm nay rau rẻ, mỗi buổi nếu may mắn bán hết chỉ được cỡ 150.000 đồng. Tổng thu nhập của cả nhà hàng tháng vào khoảng 2 - 3 triệu.
Chẳng có chế độ hỗ trợ bệnh tật gì cũng không nằm trong hộ nghèo hay cận nghèo người ta mới mách chị làm đơn xin xác nhận hộ có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, quỹ từ thiện của tập đoàn Vingroup đã cấp học bổng cho Thông mỗi tháng được 500.000 đồng, mới đây tăng lên thành 700.000 đồng.
Ngoài học giỏi, hai đứa con của họ còn rất ngoan, ai cho gì mặc nấy và còn biết thương yêu bố mẹ. Sáng thằng bé mang cơm đi học để trưa ăn, đến chiều về, hoàn thành quãng đường ngót 30km còn con bé cũng ngày ngày đạp xe lên tận huyện để học.
Kể về bố, Thông bảo cảm động nhất là có lần ông từ ruộng về, bùn đất lấm lem khoe bắt được con cá trê chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, rán lên rồi cười bảo: “Con ăn đi này”.
Kể về mẹ, Thông bảo cảm động nhất là mỗi khi tháng 6 bà toàn phải đi cấy đêm 10, 11 giờ mới về nhà bởi ban ngày nắng ra đồng là bị choáng. Bởi thế, hết bài vở là em thường ra ao, phần phụ mẹ rửa rau, phần canh mẹ ngã.
Kể về bố, Thương bảo bình thường ông vốn hiền lành là thế nhưng có lần thấy con bị bắt nạt đã xông ra bảo vệ như một người hùng. Kể về mẹ, Thương bảo bà toàn mặc quần áo cũ rách vì chỉ một bộ mới đi đâu quan trọng mới dám mặc.
Hỏi về ước mơ, mắt của cả hai anh em đều rực sáng: “Chúng cháu muốn sau này trở thành bác sĩ để có thể chữa lành bệnh cho bố mẹ ạ!”.