Trong bối cảnh chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Điển hình như hộ ông Triệu Văn Quyển (xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng) là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Ông Quyển cho biết, năm 2008, ông bắt đầu chăn nuôi gà lai Hồ và gà chọi với tổng đàn 1.000 con. Thời gian đầu, do chăn thả tự nhiên, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo nên đàn gà hay bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp.
"Năm 2010, sau khi tìm hiểu qua sách báo và tham gia các lớp tập huấn, tôi có thêm kiến thức, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Theo đó, tôi chú ý đến khâu chọn giống gà ở các cơ sở ấp trứng đảm bảo, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở, hạn chế người ra vào, có chỗ chứa thức ăn và dụng cụ chăn nuôi riêng, vệ sinh khử trùng môi trường thường xuyên và tuân thủ lịch tiêm phòng bệnh", ông Quyển chia sẻ.
Đặc biệt, năm 2022, ông Quyển tham gia mô hình chăn nuôi gà VietGAHP và được cấp giấy chứng nhận, đàn gà phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, gia đình đã xây dựng 8 chuồng trại nuôi gà, trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 1 vạn con, sau khi trừ chi phí, thu được gần 200 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc HTX Nông sản sạch Kim Dung, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, cho biết, năm 2019, HTX thành lập và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi và cung cấp trứng gà. Để hoạt động có hiệu quả, HTX ứng dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo đó, sau khi thành lập, HTX đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín với diện tích hơn 2.000m2 và lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ chăn nuôi, bố trí hố sát trùng ở cửa ra vào, xây dựng nơi chứa chất thải, xử lý chất thải riêng.
"Ngoài ra, chúng tôi chú trọng khâu đảm bảo nguồn thức ăn sạch, tuân thủ lịch tiêm phòng theo đúng quy trình, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên. Do vậy, đàn gà phát triển ổn định, phòng tránh dịch bệnh tốt", bà Dung cho biết.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có trên 4,3 triệu con gà. Thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của người dân, ngành chức năng tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Chi cục đã tổ chức 5 lớp tập huấn về chăn nuôi gà an toàn sinh học cho người dân tại địa bàn các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Hữu Lũng.
Nội dung tập huấn tập trung vào các điều kiện cần thiết để chăn nuôi an toàn sinh học, cách xây dựng chuồng trại đảm bảo khoảng cách theo quy định, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cách phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn người dân ghi nhật ký theo dõi hàng ngày... Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức cho bà con nông dân để bắt tay vào thực hiện mô hình.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các dự án xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Điển hình trong năm 2022, Chi cục đã phối hợp thực hiện chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất cho 10 hộ chăn nuôi gà an toàn sinh học và hỗ trợ chứng nhận cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP cho 17 hộ dân và 2 HTX, với kinh phí trên 580 triệu đồng.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, cho biết, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn còn phổ biến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã và đang được các hộ dân, HTX thực hiện có hiệu quả.
Ưu điểm của phương pháp này là tỷ lệ gà sống cao, phòng chống tối đa dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2023, Chi cục tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tạo đà phát triển chăn nuôi bền vững.
Nhờ các giải pháp trên, tính đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 45 gia trại, trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy mô từ 3.000 đến 20.000 con/lứa, tập trung nhiều ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình.