| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi thời điểm cuối năm

Chủ Nhật 17/12/2023 , 18:37 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi đang có nguy cơ lây lan cao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi những tháng cuối năm.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của người dân xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của người dân xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên diện rộng sẽ rất cao. Nguyên nhân do thời tiết lạnh, xuất hiện mưa phùn, không khí ẩm khiến virus dịch tả lợn Châu Phi dễ lây lan. Cùng với đó, một số hộ chăn nuôi chưa chú trọng đến thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Đến đầu tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 83 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 612 hộ trên địa bàn 9 huyện. Tổng số lợn bị chết và tiêu hủy là 2.405 con. Mặc dù diễn biễn không phức tạp như thời điểm từ tháng 5/2023 đến tháng 9/2023, nhưng theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện một số ổ dịch tả lợn Châu Phi mới.

Tính đến ngày 20/11, Chi Lăng cùng với Đình Lập là 2 huyện không phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 ngày, dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trên địa bàn huyện Chi Lăng đã xuất hiện tại thôn Nà Phước, xã Vân An.

Nguyên nhân do người dân mua lợn giống mang mầm bệnh về nhập đàn cũ làm lây lan bệnh. Từ 21/11 đến nay, 9 hộ chăn nuôi lợn tại 3 thôn trên địa bàn xã Vân An đã buộc phải tiêu hủy lợn do bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi (tổng số lợn tiêu hủy là 50 con). Không chỉ ở Vân An, tại xã Vân Thủy (huyện Chi Lăng) cũng phát sinh ổ bệnh mới vào ngày 1/12/2023.

Ngoài ra, một số ổ dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục phát sinh tại một số huyện đã có ổ bệnh cũ như Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng… Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lạng Sơn, tính từ ngày 15/11 đến 6/12 đã xuất hiện 7 ổ dịch tả lợn Châu Phi mới tại 4 huyện (Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng và Chi Lăng). Tổng số lợn phải tiêu hủy là 109 con.

Trong đó, huyện Tràng Định và Lộc Bình phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi từ tháng 7/2023 đến nay và số lợn buộc phải tiêu hủy tại 2 huyện này cũng nhiều nhất so với các huyện khác (tính đến 6/12/2023, Tràng Định tiêu hủy 1.139 con lợn; Lộc Bình tiêu hủy 739 con lợn).

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, thời tiết lạnh, cùng với việc người chăn nuôi không thực hiện nghiêm các quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời mua lợn giống về tái đàn không kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan.

Cán bộ thú y tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cán bộ thú y tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Văn Châm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng, cho biết, ngay khi phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, trung tâm đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã có dịch bệnh triển khai khoanh vùng, lấy mẫu kiểm tra, tổ chức thực hiện tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy định.

Đồng thời, cung ứng hơn 500 lít hóa chất để cùng với chính quyền các xã đã xuất hiện ổ bệnh cũng như các xã chưa có ổ bệnh thực hiện phun khử trùng chuồng trại, phun khử trùng khoanh vùng; tuyên truyền để bà con mua và thực hiện dải vôi bột khu vực chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

Còn tại huyện Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đang tiếp tục cấp phát hóa chất cho các xã, thị trấn, thực hiện phun định kỳ 2 lần/tuần khu vực chuồng trại. Ngoài ra, vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua hóa chất tự phun bổ sung ít nhất 1 lần/tuần.

Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và chính quyền các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục thực hiện cấp phát hóa chất đến các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để thực hiện phun khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Sở cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, yêu cầu các cơ quan liên quan, chính quyền cơ sở kiểm soát chặt chẽ về công tác thú y. Theo đó, nhân viên thú y cơ sở bám sát địa bàn quản lý, tiếp tục thực hiện tiêm phòng các loại bệnh cho đàn lợn kết hợp với tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi mua vacxin dịch tả lợn Châu Phi về tiêm phòng. Qua đó, góp phần giúp hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đảm bảo nguồn cung ra thị trường.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất