Trước tình hình cua chết bất thường và dịch bệnh bùng phát trở lại trên địa bàn huyện Đầm Dơi, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau phối hợp với địa phương, tiến hành khảo sát, nắm thông tin về tình hình bệnh cua.
Anh Trịnh Thanh Lam, ấp Tân Long B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi đại diện các hộ nuôi cua xen canh trong vuông tôm quảng canh cải tiến cho biết, cua nuôi trong vuông có hiện tượng mềm vỏ, ốp thân, có màu hồng nhạt, lờ đờ, khi bắt lên khoảng nửa ngày là cua chết, bán thì thương lái không mua….
“Vụ việc xảy ra đầu tháng 2, lúc đầu chỉ xảy ra rải rác, mức thiệt hại khoảng 10 - 20%, kích cỡ cua bị nhiễm bệnh từ 150 - 200g. Khi phát hiện cua chết bất thường hoặc có dấu hiệu bệnh tôi thu hoạch cua hết, một phần bán cho thương lái, phần còn lại phải đưa đi tiêu hủy. Hiện tại chưa có giải pháp gì để khắc phục làm giảm thiệt hại”, ông Lam nói.
Ngoài ra, ông Lam cho biết, tình trạng cua bị nhiễm bệnh xảy ra cách đây khoảng 3 năm, cứ vào giữa tháng 1 và đầu tháng 2 (dương lịch) là cua lại có dấu hiện bị bệnh chết rải rác và kéo dài cho đến hết tháng 9 hàng năm mới dứt điểm.
Qua khảo sát thực tế, nắm thông tin về tình hình bệnh trên cua tại ấp Tân Thành và Tân Long B, xã Tân Tiến, chuyên viên phòng Khuyến ngư - Trung tâm Khuyến nông Cà Mau khuyến cáo: Vào con nước xổ, bà con cần giảm lượng nước xổ ra và lấy vào vuông, mỗi ngày đêm chỉ nên xổ khoảng 50% lượng nước trong vuông. Thứ hai, sử dụng chế phẩm vi sinh (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất) và vôi Dolomite (liều lượng 50 kg/ha, ngâm nước khoảng 1 ngày trước khi tạt), sau mỗi con nước xổ.
Đồng thời, thu tỉa tất cả những con cua đã đạt kích cỡ thương phẩm từ 200 gr trở lên. Áp dụng kỹ thuật nuôi cua 2 - 3 giai đoạn, đây là kỹ thuật nuôi hạn chế bệnh cua hiệu quả hiện nay.