| Hotline: 0983.970.780

Cục Trồng trọt: 'Lan đột biến lưu thông trên thị trường không sai luật'

Thứ Ba 13/04/2021 , 10:51 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt trong buổi làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về hiện tượng lan đột biến.

Cần cơ quan thẩm định giá lan đột biến

Theo ông Nguyễn Như Cường, Luật Trồng trọt và Nghị định 94 tập trung quản lý chặt với các loài cây trồng chính bao gồm lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối bởi chúng có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội của quốc gia. Muốn được lưu hành 6 loại này phải thông qua khảo nghiệm.   

Đối với loại không phải là cây trồng chính bao gồm các loại hoa trong đó có hoa lan, hoa lan đột biến…thì tổ chức cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà họ công bố. Nếu buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố thì sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên, luật bao giờ cũng có giai đoạn chuyển tiếp. Theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Nghị định 94 ngày 13/12/2019 thì các giống hoa và cây cảnh, trừ các loài thuộc danh mục hoang dã trong Công ước Cites, đã được đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 40 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31/12/2022 mà không cần phải làm thủ tục tự công bố theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94.

Hoa lan nói chung và hoa lan đột biến nói riêng đến thời điểm này lưu thông trên thị trường là phù hợp theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Vân Đình.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Vân Đình.

Về khía cạnh pháp luật thì thế, còn khía cạnh kinh tế theo tôi từ lâu ngành sinh vật cảnh nói chung và hoa nói riêng không được Nhà nước có những chính sách chú ý phát triển, ý kiến ông như thế nào?

Trong những năm gần đây, đời sống của người dân nâng cao, ngoài nhu cầu vật chất ăn ngon, mặc đẹp, phương tiện đi lại… thì còn có yếu tố nghệ thuật, thưởng thức cái đẹp bao gồm cả hoa, cây cảnh. Gần đây ngành hoa, cây cảnh phát triển khá nhộn nhịp, đóng góp rất quan trọng về kinh tế, chính vì vậy Cục Trồng trọt đã báo cáo với lãnh đạo Bộ NN-PTNT và được đồng ý cho xây dựng Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh từ 2020 đến 2030.

Nội dung chính là phải điều tra, đánh giá một cách đầy đủ những thông tin về giá cả, tiềm năng của ngành hàng, định hướng phát triển, xây dựng chính sách để quản lý, thúc đẩy.

Với trường hợp lan đột biến, giá của nó từ giữa năm 2020 đến nay có thể hàng tỉ, chục tỉ thậm chí đến hàng trăm tỉ thì tôi phải khẳng định những giao dịch ấy mang tính chất dân sự kiểu thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý Nhà nước không thể yêu cầu giống này chỉ được bán bằng này hoặc mua bằng này.

Tuy nhiên ở đây tôi cũng muốn nói thêm rằng giá với nghệ thuật rất vô cùng. Trên thế giới có những bức tranh giá hàng chục triệu USD bởi vì là duy nhất, có giá trị lịch sử và được các công ty bán đấu giá thẩm định kỹ càng. Chúng được giao dịch minh bạch, đúng pháp luật và phải nộp phí cho các công ty đấu giá.

Quay lại vấn đề lan đột biến, cái đẹp nó phụ thuộc vào cảm nhận từng người, giá cũng thế. Tuy nhiên nó hoàn toàn có thể nhân nuôi bằng biện pháp bình thường hoặc áp dụng khoa học công nghệ như invitro. Do đó nó đâu phải là mang tính chất duy nhất và lịch sử nữa?

Một cây lan đột biến nhỏ thế này cũng có thể có giá hàng trăm triệu. Ảnh: Vân Đình.

Một cây lan đột biến nhỏ thế này cũng có thể có giá hàng trăm triệu. Ảnh: Vân Đình.

Thị trường chứng khoán vẫn có cơ quan thẩm định độc lập về giá nhưng thị trường hoa lan thì tại sao không?

Thị trường chứng khoán ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, có Ủy ban chứng khoán Nhà nước, có các sàn giao dịch, ở đó cổ phiếu được định giá công khai. Còn hoa lan trong đó có hoa lan đột biến xét về quốc kế, dân sinh thì chưa có nhiều ý nghĩa.  

Nhà nước không thể lập một cơ quan thẩm định giá hoa lan. Hãy để cho thị trường điều chỉnh và nhà vườn hãy tìm hiểu nhu cầu thị trường, giá trị và giá trị sử dụng, pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhưng nếu để mặc cho thị trường thì dễ có hành vi thổi giá vì không có một căn cứ khung giá nào cả?

Cái này không phải thẩm quyền của Cục Trồng trọt nhưng theo ý tôi muốn thẩm định giá hoa lan có thể một tổ chức, cá nhân nào đó như Hội sinh vật cảnh Việt Nam hoặc Hội hoa lan chẳng hạn đứng ra. Tuy nhiên nếu như thế thì người mua, người bán phải minh bạch, phải đóng thuế, phải nộp phí mà tôi nghĩ chắc chắn điều này nhiều nhà vườn sẽ không muốn.

Điều quan trọng là trong mua bán phải có hợp đồng, hóa đơn để ràng buộc khi xảy ra tranh chấp chứ giờ giao dịch mồm như thế có rủi ro thì đành phải chịu.

Một nhà lan rất hoành tráng ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vân Đình.

Một nhà lan rất hoành tráng ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vân Đình.

Ông có nói những đối tượng cây trồng chính liên quan đến quốc kế dân sinh nhưng tôi xin phản biện lại rằng những ngô, lúa ấy tổng giá trị có khi không bán được nhiều tiền bằng hoa lan. Gần đây tôi đi khảo sát một số vùng quê thì thấy lượng tiền trong dân không đổ vào sản xuất thông thường mà lại đổ vào lan đột biến chứng tỏ là ảnh hưởng của nó rất rộng?

Tại sao có 6 loại cây trồng chính phải quản lý chặt chẽ? Bởi nếu mất mùa 1 vụ là cả xã hội có vấn đề, ảnh hưởng đến cơm ăn, áo mặc. Còn lại hoa lan đột biến khi giao dịch, nó là thị trường thì để thị trường quyết định.

Với vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan như ngành trồng trọt, thuế… đã vào cuộc, truyền thông cần tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn để người dân nhận thức đúng về giá trị, giá trị sử dụng và thực hiện buôn bán lan đột biến theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên để thay đổi vấn đề này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là truyền thông.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt: 'Để thay đổi vấn đề này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc'. Ảnh: Vân Đình.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Để thay đổi vấn đề này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc". Ảnh: Vân Đình.

Rau cải và hoa hồng

Theo thống kê bình quân mỗi người dân nước ta tiêu thụ khoảng 2 USD/năm cho hoa trong khi bình quân của các nước là 10-15 USD. Thị trường hoa toàn cầu trị giá cỡ 200 tỉ USD gấp nhiều lần thị trường lúa gạo. Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 60% hoa lan từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và các nước. Phải chăng trong 2-3 năm nay thị trường hoa lan đột biến phát triển là cơ hội để nhìn nhận lại vai trò của ngành sinh vật cảnh bởi có người nói khi đói thì rau cải quan trọng hơn hoa hồng còn khi no thì hoa hồng lại quan trọng hơn rau cải?

Không thể so sánh giữa lúa gạo và hoa bởi thứ nhất lúa gạo là vấn đề an ninh lương thực, ổn định xã hội, là văn hóa dân tộc. Không thể nói tại sao không bỏ lúa đi trồng hoa. Chúng ta có thể vài ngày không ăn cơm mà chỉ ăn cá, ăn thịt, uống sữa và ngắm hoa nhưng không thể không ăn cơm vài tuần, vài tháng mà chỉ ăn thịt, cá, sữa và ngắm hoa.

Thứ nữa, hiện tại lúa gạo vẫn là lợi thế của chúng ta bởi có hệ thống thủy lợi, bộ giống, kỹ thuật canh tác, đất đai, nguồn nước, khí hậu và truyền thống lâu đời. Tuy nhiên thị trường hoa cũng đầy tiềm năng, bắt buộc chúng ta phải tham gia cả hai khía cạnh trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào “miếng bánh” rất lớn là thị trường hoa 200 tỉ USD của thế giới.

Chúng ta đã có hẳn một Viện nghiên cứu Rau quả trong đó có hoa, được Nhà nước đầu tư về con người, kinh phí nhưng thực sự ra cần đánh giá lại để đầu tư phù hợp hơn, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hơn.

Bên cạnh chính sách phải có nguồn lực đầu tư đi kèm nhưng với điều kiện của chúng ta bây giờ cần ưu tiên những mặt hàng lợi thế, ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh. Chúng ta đã đối xử bình đẳng hoa, cây cảnh như các loại cây trồng khác, tất nhiên không thể bì với 6 loại cây trồng chính rồi.

Còn nói chính sách chúng ta muộn hay không so với nhu cầu phát triển của xã hội thì tôi thấy ở giai đoạn này Bộ NN-PTNT đã thực hiện xây dựng Đề án phát triển hoa, cây cảnh là phù hợp.

Mỗi cái chồi mọc lên trong sự hồi hộp của chủ vườn vì là tiền,rất nhiều tiền. Ảnh: Vân Đình.

Mỗi cái chồi mọc lên trong sự hồi hộp của chủ vườn vì là tiền,rất nhiều tiền. Ảnh: Vân Đình.

Vừa rồi Ngân hàng Thế giới dự báo 10 mảng kinh doanh ăn nên làm ra nhất liên quan đến nông nghiệp năm 2021 tại sao không có lan đột biến của Việt Nam?

Thứ nhất thế giới mọi giao dịch đều minh bạch còn ở ta hoa lan đột biến có minh bạch hay không? Có thể có thổi giá, giá ảo. Thứ hai, hoa lan đột biến chỉ ở thị trường Việt Nam mới có giá thế này, còn các nước khác chúng chẳng có giá trị nhiều, còn những loại lan đặc sắc, độc đáo nhất của thế giới cũng chỉ cỡ vài chục ngàn đến trăm ngàn USD là cùng.

Ngân hàng Thế giới họ đánh giá từng mặt hàng trên góc độ thị trường toàn cầu chứ không riêng một nước nào và giá trị sử dụng, giá bán phải rất gần nhau còn ở ta chậu lan mấy trăm tỉ hỏi giá trị sử dụng của nó ra sao, ai biết? Mua bán chẳng có hợp đồng, có thuế thì ai kiểm tra, giám sát được?

Lan đột biến là một hiện tượng giống như chó Nhật cách đây gần 30 năm ở ta và giống như hoa tuylip ở Hà Lan cách đây mấy trăm năm. Tôi tin rằng chỉ một thời gian nữa nó sẽ trở về với giá trị thực chứ bây giờ giao dịch không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng, không phổ quát cho toàn xã hội mà chỉ do người dân làm theo trào lưu. Nếu không tỉnh táo thì có rất nhiều người sẽ khuynh gia, bại sản.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm