| Hotline: 0983.970.780

Xứ Mường quay cuồng vì lan đột biến

[Kỳ 1] Trộm vặt vắng bóng vì cũng đã… đầu tư lan đột biến

Thứ Hai 05/04/2021 , 12:08 (GMT+7)

Đang làm thợ hàn khung vườn lan trong nhóm của tôi thì nó mua mấy giò rồi bỏ việc, mấy tháng sau đã thấy đi ô tô xịn, chào: “Anh vẫn còn hàn sắt à?”.

Một chậu lan nhỏ cỡ này nhưng cũng có thể có giá tiền tỉ. Ảnh: VĐ.

Một chậu lan nhỏ cỡ này nhưng cũng có thể có giá tiền tỉ. Ảnh: .

"Bỏ nghề hàn vào lan đột biến đi"

Đặng Hậu (đã đổi tên nhân vật) - chủ nhóm thợ hàn ở thành phố Hòa Bình trong những ngày lan đột biến sốt giá phải dẫn quân làm liên tục từ sáng tới đêm. Thợ đã hiếm mà lại còn tăng giá, bao ăn ở công 350.000đ cũng khó mời đã đành còn hay bỏ việc vì sốt ruột khi thấy chủ vườn quá giàu.

Người thợ anh vừa kể trên còn bô bô nói về một vườn lan lớn nhất nhì miền Bắc đang gấp rút hoàn thành dưới huyện, chỉ riêng tiền sắt nghe đâu đã hơn 10 tỉ: “Anh cần việc em giới thiệu tới đó cho, mà thôi, vào lan, bỏ nghề đi vì ban ngày hàn toét cả mắt thì tối đâu còn nhìn thấy sên mà bắt?”.

Cỡ 10 giờ đêm trở đi, chủ vườn nào cũng phải bắt sên bởi chỉ sơ sểnh để nó ăn mất một mầm là 10 triệu, 100 triệu thậm chí 1 tỉ đi tong.

“Xưa vào vườn cứ nhìn chậu lan to nhất, cành lá xum xuê nhất nhưng giờ chậu càng bé có khi giá trị của cái cây trong đó lại càng to”. Đặng Hậu khai mở cho tôi chút kiến thức về nghề.

Hồng Quyên (đã đổi tên nhân vật) - người quen của tôi đồng thời là chủ một cửa hàng ở thị trấn Cao Phong bảo vợ chồng cô mới cắm sổ đỏ vay ngân hàng 1,7 tỉ đồng để chơi lan đột biến. Tất nhiên là họ giấu mục đích thực sự mà chỉ nói cần vốn để nhập hàng: “Cờ bạc mười ông thì chín ông mất, một ông được, còn chơi lan đột biến mười người được cả mười, trừ khi mua phải hàng giả.

Năm kia anh K vẫn còn bốc từng thùng cam để gửi xe về Hà Nội, anh T vẫn còn đi làm thợ xây, anh V vẫn còn đi bán gà, anh L vẫn còn đi lái máy xúc còn anh P tí vỡ nợ vì cờ bạc nhưng giờ đều đã là tỉ phú vì vào lan lúc giá rẻ. Có người vào còn bị mẹ chửi cho nhưng sau đó thấy con bán lãi quá, cắm cả mấy bìa đất để cho vay. Giờ thì nó có cỡ cả chục mảnh đất ở thị trấn, riêng khu Quảng trường đắt nhất nhì thành phố Hòa Bình mua một lúc 5-6 mảnh (6-7 tỉ/mảnh), đổi xe tiền tỉ như đổi áo”.  

Những nhà lan trong một con ngõ nhỏ ở thành phố Hòa Bình. Ảnh: NNVN.

Những nhà lan trong một con ngõ nhỏ ở thành phố Hòa Bình. Ảnh: NNVN.

“Có người ở Phú Thọ trả cây Ngọc Sơn Cước 7 tỉ, mai muốn sang xem, ý anh thế nào?”. Phải 8 tỉ mới cho xem không thì thôi, vị “Chủ tịch” nói”. Tôi nghe kể mà choáng váng bởi qua màn hình điện thoại, mẩu lan đó chỉ gồm một ki với hai cái mầm cao cỡ 2cm, phải phóng to ảnh lên mới nhìn rõ. 5 chủ đầu tư mua nó với giá 5 tỉ chỉ hơn sau mươi ngày cổ phần đã lãi khẳm.

Cao Phong vốn có tiếng về cam giờ cũng đang nổi về lan với những vườn lớn như Dũng, Huy, Liêm, Quang… Ba năm trước 1 ki Bạch Tuyết giá chỉ 25 triệu hiện tại “bán lúa non” tức trả tiền xong phải chờ mấy tháng cho mầm mọc đã là 500-600 triệu.

Lãi thế nên từ các bà bán rau, bán thịt ngoài chợ đến cán bộ, giáo viên giờ hễ mở mồm ra là nói về lan. Mọi năm giáp Tết hay ra giêng nhan nhản mấy loại xóc đĩa, ba cây  nhưng từ khi sốt lan chẳng mấy ai còn chơi, đến cả trộm vặt gần như mất dấu bởi không thèm đi bắt chó mà lại đi bắt sên vì cũng đã đầu tư lan.

Ai hùn vốn nhiều nhất được gọi là Chủ tịch, có trách nhiệm nhập hết số điện thoại những người góp vốn để lập nhóm trên zalo, facebook, thông báo bất kỳ vấn đề gì về cây lan cổ phần. Ban ngày thì: “Hôm nay tôi đi chợ nhé!”. Ban đêm thì: “Lên giàn uống nước chè rồi bắt sên”. Chồng của Quyên có xe ô tô cũng được nhờ “đi chợ” nhưng đã từ chối.

“Đi chợ” là một khái niệm mới, chủ vườn lớn nhờ ai đó hàng ngày thay mặt mình đi các vườn lớn khác trong tỉnh, ngoài tỉnh thấy cây đẹp, giá hợp lý thì livestream hay chụp ảnh gửi về để chốt. Chuyển khoản xong thì được trả công 5-7 triệu nhưng nếu máu cũng có thể cổ phần với chủ vườn. Tuy nhiên mới đây có trường hợp người “đi chợ” tráo hàng, ỉm hàng của chủ nên vị trí đó phải thực sự tin cẩn.

Quyên bảo, những kẻ mới vào thường sốt ruột bởi sự giàu có của những người đi trước nên đáng lẽ làm quen với những lan đột biến bình dân kiểu Phú Thọ, Ho giá một vài triệu/cm thì chơi luôn Bạch Tuyết, Bảo Duy cả vài trăm triệu đến cả tỉ/cm. Giá cao, mặt hoa lại thay đổi theo thị hiếu, chấp nhận vào cuộc là mạo hiểm nhưng vẫn còn cơ hội, chứ có ai bắt ép gì mình đâu?

Giá cả, mặt hoa thay đổi theo thị hiếu. Ảnh: VĐ.

Giá cả, mặt hoa thay đổi theo thị hiếu. Ảnh: VĐ.

Những chuyện bi hài về lan đột biến

Quyên kể tiếp: “Chị nọ làm cam nhìn người khác vào lan đột biến giàu lên đã phát sốt về quyết mua chung 1 cái cây 200 triệu. Thế nhưng tối ngồi xem thời sự, thấy nói về bong bóng lan thì sợ đến mức chó con chạy theo đằng sau đít. Cuối năm kia lan xuống, mấy người ở đây còn phải mang đi gửi cho một vườn lớn dưới Văn Giang (Hưng Yên), chỉ giữ lại một ít mà từ Tết đến giờ thu biết bao nhiêu tiền. Đấy, thời điểm tháng 8 năm ngoái ti vi, báo đài “đánh” lan đột biến tưởng sập đến nơi mà giờ giá lại còn tăng mạnh. 

Anh kia mua cây Ho giá 30 triệu, về bị mẹ chửi, sợ quá trả lại không được đành phải bán cho người khác, lỗ 10 triệu. Về sau khi giá lan lên, thường là chủ đề đàm tiếu của dân trong vùng: “Tao chưa thấy thằng nào chơi lan mà bị chết ngoài mày”. Lại có trường hợp ngày 6/1 đầu năm nay thôi mua một cây Bạch Tuyết cao hơn 10cm giá mấy trăm triệu, lúc lấy về xanh lắm nhưng chăm được gần tháng chẳng hiểu sao lá vàng, thân thối, khóc còn hơn cả cha chết. Nếu cha chết làm đám ma chỉ mất cỡ 20 triệu còn cây lan thời điểm đó chết là mất cả tỉ…”.

Xung quanh khóc cười vì lan còn thêm chuyện một nhóm khách vào thăm vườn, đến khu vực VIP do cửa vào hơi hẹp lại phải tránh người đến gửi hàng thuê chăm nên đã quệt gẫy một mầm Bạch Tuyết. Chủ vườn không hề biết, khi khách về rồi mới thấy cái cây khang khác, ra kiểm tra, check camera, gọi điện bắt đền 500 triệu. Đó là còn hữu nghị, tính theo mức hiện tại chứ cái mầm đó mà mọc thành cây trong tương lai phải cả tỉ. Bởi thế, giờ lên giàn có lan quý, khách thường không được chỉ trỏ bằng tay mà chỉ hất cằm hoặc đứng từ xa mà ngó.   

Cắt khúc để ươm mầm. Ảnh: VĐ.

Cắt khúc để ươm mầm. Ảnh: .

Đa số giao dịch lan là giữa các nhà vườn với nhau chứ mua của dân rất ít bởi họ sợ nhầm vào hàng giả còn dân mua của nhà vườn thường gửi lại luôn thuê chăm, lúc bán trừ công.

Diện kiến ông chủ lan Ho

Xuôi Cao Phong, tôi về TP Hòa Bình, nơi có nhiều người đang thuê mái nhà với giá mấy chục triệu/năm để làm lan, nơi có Hội quán Trà đá gồm toàn những “tay to” trong giới. Ông Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch Hội hoa lan tỉnh đồng thời cũng là người phát hiện ra giống lan quý rồi đặt luôn tên vợ chồng mình Hiển Oanh hay gọi tắt là lan Ho.

Theo ông, hội đang có 260 hội viên, số vườn cũ khoảng 260 còn mới chắc gấp đôi: “Từ hồi có Covid thị trường lan đã phát triển gấp cỡ 10 lần vì các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác đều bị đình trệ. Trung bình mỗi năm vườn của tôi sản xuất khoảng 1.000 ki, giờ lượng người vào lan quá nhiều, sản xuất không kịp, giá đội lên chứ không phải anh em thổi giá đâu.

Ông Hiển trên vườn lan sân thượng nhà mình. Ảnh: VĐ.

Ông Hiển trên vườn lan sân thượng nhà mình. Ảnh: .

Đối tượng vào lan đủ thành phần, tầng lớp. Công chức nhà nước bớt chút tiền lương, những người kinh doanh do dịch không làm ăn được, còn quan chức, các vườn khác không biết thế nào, nhưng vườn tôi hầu như không có. Có học sinh lớp 10 cũng đến bảo: “Bác ơi, cháu nhịn tiền ăn sáng được 10 triệu, để cho cháu 1 cái ki”. Cái ki giá lúc đấy 15 triệu tôi để cho cháu 10 triệu. Từ đó nó nhân lên, xin bố mẹ đầu tư thêm, bán được lan là ra kinh tế. Những người mới vào lan bây giờ 80-90% là kinh doanh chứ không phải là chơi như chúng tôi hồi đầu”.

Những nhà vườn đã vào lan từ lâu, có tình yêu, có kinh nghiệm và tài chính vững còn những người mới, rủi ro gì với họ khi thiếu đủ thứ? Tôi hỏi. Ông Hiển đáp: “Rủi ro không ai có thể nói trước được. Họ mua về, phần nhiều tự lập vườn, nuôi được vài tháng rồi đo cm bán lấy tiền. Nếu không có vườn thì có thể “đi chợ” mua rồi gửi tại vườn, một thời gian, được giá thì lại bán. Ngành lan theo tôi sẽ phát triển bền vững trong khi các ngành nghề khác đang bấp bênh là bởi vừa chơi vừa có kinh tế. Nếu không bán được thì giữ chơi tiếp. Càng để lâu càng lớn chứ không sợ quá hạn là vứt đi”.  

Thế nhưng bây giờ người mới vào lan như chính ông nói có 80-90% là vì kiếm tiền, khi không có lợi nhuận là họ sẽ chán ngay. Tôi hỏi. Ông Hiển cười: “Đúng rồi, điều đó là có thể nhưng biết cảnh báo như thế nào khi hiện tại vẫn có lợi nhuận? Nhiều người ví lan bây giờ giống như chuyện sốt cây sanh trước đây nhưng theo tôi sanh cần có mặt bằng ở dưới đất còn lan trên nóc nhà cũng để được, sanh phải uốn bao nhiêu năm mới được còn lan thì chỉ cắt khúc là nhân giống được dễ dàng".

Cây lan gốc Ho -'con gà đẻ trứng vàng' của ông Hiển. Ảnh: VĐ.

Cây lan gốc Ho -"con gà đẻ trứng vàng" của ông Hiển. Ảnh: .

Vậy có hi vọng nào cho chúng ta xuất khẩu được lan không? Tôi hỏi. Ông Hiển đáp: “Không nói trước được vì người nước ngoài có chơi mặt hoa như của ta không nhưng 3 năm trước lan của tôi đã sang Đài Loan do người Việt mang theo 1-2 cây để làm giống, còn họ bán thế nào thì tôi không rõ”. 

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.