| Hotline: 0983.970.780

Cùng chồng mực mài nước mắt

Chủ Nhật 24/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Nhà văn Lan Khai (1906-1945) là nhà văn nổi tiếng với những trang viết về thiên nhiên miền núi và cuộc sống lao động. Nhà văn Lan Khai đã trải qua những ngày rất vất vả để cầm bút như tên cuốn sách “Lầm than” của ông.

Tuy nhiên, bù đắp cho túng bấn vật chất, nhà văn Lan Khai có được người vợ hiền cùng ông “mực mài nước mắt” giữa nhân gian.

10-11-49_ln_khi
Nhà văn Lan Khai (1906-1945).

Nhà văn Lan Khai tên thật Nguyễn Đình Khải, sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Được gia đình gửi sống Hà Nội ăn học, sau khi tốt nghiệp Trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay), chàng thư sinh Nguyễn Đình Khải thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và ôm ấp giấc mộng “sẽ là một nhà tiểu thuyết”. Và thực tế, với bút danh Lan Khai đã để lại cho độc giả nhiều tiểu thuyết có giá trị như “Nước hồ Gươm”, “Cô Dung”, “Lầm than”, “Mực mài nước mắt”, “Mưa xuân”…

Đối với bạn đọc hôm nay, bức chân dung nhà văn Lan Khai đã bị phủ bụi bởi thời gian nghiệt ngã. Người ra chỉ có thể mường tượng về ông qua tác phẩm.

Tuy nhiên, trong một hồi ức, người con trai thứ hai của nhà văn Lan Khai là ông Nguyễn Lan Phương đã cho biết: “Sinh thời, cha tôi là người trung thực, ngay thẳng, cởi mở, chân tình với mọi người, luôn chịu phần thua thiệt hơn; không bao giờ giành giật lợi lộc với người khác.

Ở ông còn một thông lệ đẹp nữa trong tính cách sinh hoạt thường nhật, ấy là mỗi khi nhà văn viết xong một bài báo hay một cuốn sách được in, xuất bản, dù cho là nhuận bút lúc ấy nhiều hay ít, nhận được tiền là ông chia ra làm mấy khoản: Trước tiên là khoản dành mua sách, sau đó là khoản đưa cho vợ con, gia đình sinh sống hàng ngày (khoản này lớn hơn cả) còn một phần nhỏ để chi tiêu riêng cho bản thân, phòng khi gặp bằng hữu nào khó khăn thì giúp đỡ. Thông lệ này, cha tôi thực hiện rất nghiêm túc”.

Còn thiếu tướng công an Hoàng Mai cung cấp thêm: “Sau khi viết cuốn “Lầm than”, Lan Khai bị thực dân Pháp bỏ tù. Năm 1943, Lan Khai được tổ chức Đảng mời tham gia vào Hội Văn hóa Cứu quốc. Ông mất ở Lũng Cò, Sơn Dương, Tuyên Quang vào cuối mùa thu năm 1945, do một tên côn đồ ám sát”.

Rõ ràng, hành trình 39 năm trên dương gian của nhà văn Lan Khai phải nếm trải không ít bi kịch. Thế nhưng, ông lại có một gia đình khá êm ấm và hạnh phúc. Trước năm 1945 chưa có quy ước về chế độ một vợ một chồng, nên nhà văn Lan Khai cũng có hai người vợ.

Người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Duyên (1909-1982) được nhà văn Lan Khai hỏi cưới vào năm 1925. Còn người vợ hai là bà Hà Thị Minh Kim (1900-1999) được nhà văn Lan Khai hỏi cưới năm 1927. Hai bà vợ có xuất thân và tính cách khác nhau, nhưng đều hết lòng thương yêu và tôn thờ người chồng văn sĩ.

Bà Nguyễn Thị Duyên là một phụ nữ thuần phác nông thôn, sinh cho nhà văn Lan Khai một người con trai là Nguyễn Lan Hương vào năm 1927. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, Nguyễn Lan Hương xung phong ra mặt trận và hy sinh vào năm 1948. Còn bà Hà Thị Minh Kim sinh cho nhà văn Lan Khai ba người con Nguyễn Lan Phương vào năm 1928, Nguyễn Lan Hoa vào năm 1933 và Nguyễn Lan Diệp vào năm 1936.

Nhà văn Lan Khai cư xử với hai bà vợ như thế nào? Ông Nguyễn Lan Phương chia sẻ: “Cha tôi cũng quan tâm chu đáo đến các mẹ tôi, mỗi lần đi xa về, ông chẳng ngại ngần mua sắm cho hai bà vợ từ cái khăn, cái yếm đẹp như nhau”.

Tại Tuyên Quang, gia đình nhà văn Lan Khai sống trong căn nhà lá năm gian hai trái ở xóm Gốc Nhội, gần đình Xuân Lôi. Năm 1934, gia đình nhà văn Lan Khai dọn xuống Hà Nội để thuận tiện cho ông theo đuổi sự nghiệp sáng tác. Nhờ được học hành, bà Hà Thị Minh Kim trở thành một “trợ bút” cho nhà văn Lan Khai.

Trong hồi ký có tên “Truyện lầm than của chúng tôi” được viết năm 1989, bà Hà Thị Minh Kim tường thuật khá chi tiết: “Ngày mới về Hà Nội, gia đình tôi thuê một căn gác ở phố nhỏ trục ngang đường Phùng Hưng bây giờ, sau lại chuyển về thuê một căn nhà ở số 26 phố Châu Long tiện lợi hơn.

Nhà tôi được ông Vũ Đình long đến tận nơi mời anh vào làm ở tòa báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở số 93 phố Hàng Bông. Nơi gia đình tôi ở được các bạn văn của Lan Khai gọi là “vũng Lương Sơn Bạc”.

Bởi nơi đây có sự hội ngộ thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ Bắc Hà, già như cụ Tản Đà, cụ Ngô Tất Tố, cụ Nguyễn Văn Tố, trẻ hơn có bác Nguyễn Công Hoan, anh Vũ Trọng Phụng, anh Nguyễn Tuân, chú Trần Huyền Trân, chú Nguyên Hồng và chú Ngọc Giao…”.

Không chỉ làm “trợ bút” cho chồng, bà Hà Thị Minh Kim chăm sóc nhà văn Lan Khai rất chu đáo, như lời con trai Nguyễn Lan Phương nhận xét: “Mẹ tôi là người rất chiều chồng. Mỗi lần cha tôi đi hát cô đầu cùng các bác các chú văn sĩ, mẹ tôi luôn để ý xem nom quần áo dày dép, ca ra vát và đầu tóc của cha cho đẹp đẽ”.

10-11-49_b_h_thi_minh_kim
Bà Hà Thị Minh Kim.

Tuy nhiên, bà Hà Thị Minh Kim cũng có cái đáo để riêng khi sống với người chồng mơ mộng. Biết nhà văn Lan Khai thích thú với sự thần tượng của độc giả nữ dành cho mình, bà Hà Thị Minh Kim đã dùng tên Bella Nhung để viết thư khen ngợi tác phẩm “Hột mận” của chồng và xin được hân hạnh làm quen.

Nhà văn Lan Khai rất sung sướng và khoe với đồng nghiệp Nguyễn Vỹ về cái duyên kỳ ngộ sắp có được. Bella Nhung hẹn nhà văn Lan Khai vào 8 giờ tối thứ bảy ở hồ Trúc Bạch đoạn gần chùa Trấn Quốc.

Nhà văn Nguyễn Vỹ trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” đã viết về sự trêu ghẹo của bà Hà Thị Minh Kim đối với chồng, như sau: “Dưới ánh điện lờ mờ, chàng đã phân biệt màu sáo bordeaux và tay nàng đang cầm quyển “Hột mận” như đã dặn kỹ trong thư. Chàng đi nhè nhẹ đến gần… Tuy chàng chưa thấy mặt, nhưng dưới ánh đèn lờ mờ, bóng nàng uyển chuyển thướt tha tuyệt đẹp.

Chàng đến sát bên cạnh, nghĩ rằng nàng mắc cỡ, nên chàng đánh bạo đặt bàn tay dịu dàng trên vai nàng, và giọng nói run run cảm động: “Em Bella Nhung?”. Nàng quay lại. Lan Khai hoảng hốt, biến sắc mặt ngay, bỗng giận dữ hét lên: “Mợ đứng chờ ai đây?”.

Nàng, chính là… vợ Lan Khai, mỉm cười ngạo nghễ: “Thưa ông, em chờ ông Lan Khai, tác giả “Hột mận” ạ!”. “Mợ đánh lừa tôi hả?”, Lan Khai giận run cả người lên, nghẹn miệng nói không được nữa. Chàng bỏ vợ đấy, đi thật nhanh ra đường Quán Thánh gọi xe về nhà. Chị Lan Khai mỉm cười đắc chí, đủng đỉnh theo sau…”.

Sau một thập niên bôn ba viết lách ở Hà Nội, đầu năm 1944, nhà văn Lan Khai đưa gia đình trở lại Tuyên Quang. Bà Hà Thị Minh Kim kể lại giai đoạn cuối đời của chồng mình: “Lan Khai dạy học, vẽ truyền thần, mở quán sách Lan Đình, tập trung vào chống đói.

Chỉ vì trong quán sách Lan Đình có cất giấu mấy tờ Giải Phóng và Cứu Quốc, bất ngờ đêm 1/5/1944 bọn lính Nhật ập vào nhà tôi lục soát, đánh đập tôi và trói chặt Lan Khai đem hạ ngục ở đồn binh của chúng, đày đọa anh hơn 3 tháng trời.

Tôi phải tìm cách hàng ngày đưa cơm và mật gấu vào trong trại. Vừa tra tấn vừa mua chuộc không được, lúc anh gần chết thì chúng mới lôi anh vứt ra đường, toàn thân thâm tím, áo quần rách nát, không lê nổi bước chân…”.

Cũng nhờ bà Hà Thị Minh Kim trân trọng và lưu giữ di sản của chồng, mà nhiều tác phẩm và tư liệu về Lan Khai đã được tái bản lại trong những năm gần đây, giúp công chúng nhận diện được một nhà văn thao thức với thời cuộc và lương tri.

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Văn Trường, Văn Tùng đá chính, U23 Việt Nam quyết thắng U23 Malaysia

HLV Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra đội hình xuất của ĐT U23 Việt Nam đối đầu U23 Malaysia, mục tiêu sẽ là giành 3 điểm trước đối thủ cùng khu vực.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm