| Hotline: 0983.970.780

Cùng suy nghĩ với ngành trồng trọt

Thứ Tư 13/03/2024 , 09:16 (GMT+7)

Các cụ xưa có câu tục ngữ: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Câu tục ngữ được đúc kết từ quá trình làm nông của bà con nông dân xưa.

Nước, phân, cần, giống là bốn yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nước, phân, cần, giống là bốn yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nước, phân, cần, giống là bốn yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Giờ làm nông, bà con ngoài quan tâm 4 yếu tố này còn quan tâm hơn hết là có bán được sản phẩm do mình làm ra hay không? Bán như thế nào? Có được giá không? Thế nên bà con giờ chỉ tin ai chỉ cho bà con làm sao bán được sản phẩm hơn là quan tâm sản xuất như thế nào.

Nhưng rồi muốn bán được sản phẩm cũng phải thay đổi tư duy về nghề nông. Nghề nông không còn chỉ là sản xuất để ăn, để dành, để trao đổi nhỏ lẻ mà phải nâng cao giá trị của sản xuất, phải làm kinh tế nông nghiệp. Thế là từ tư duy sản xuất nông nghiệp, bà con cũng chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Tư duy kinh tế nông nghiệp, bà con cần gì?

Đất và nước

Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất mà bà con được Nhà nước giao theo hạn mức của từng loại đất và vùng miền, bà con cũng có thể nhận chuyển nhượng từ hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp khác. Bà con muốn mở rộng sản xuất sẽ được chính quyền hỗ trợ dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và sắp tới là được tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Có đất rồi, bà con mong muốn đất được tự do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như từ trồng lúa sang trồng cây lương thực ngắn ngày khác (ngô, đậu, lạc…) hoặc chuyển sang trồng cây ăn trái. Điều này đã được Luật Trồng trọt và một số Nghị định của Chính phủ khuyến khích bà con làm để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT năm 2023 một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã mang lại hiệu quả cao như: mô hình trồng cây hàng năm như mô hình 1 vụ lạc - 2 vụ hành/năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây sen, cho năng suất bình quân từ (20-22) tạ/ha, tương đương 100-110 triệu đồng/ha, thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa (Nghệ An, Thanh Hóa… ); mô hình trồng các loại cây gia vị (mùi tàu), cây ớt, cây hoa… cho tổng thu nhập khoảng 250-310 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận thu được từ 150-200 triệu đồng/ha/năm (Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang…); Mô hình trồng cây lâu năm như mô hình cây tràm dược liệu (tỉnh Long An) cho thu nhập từ 60-90 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng ổi, trồng cam, chuối, bưởi, sầu riêng… (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…) cho thu nhập từ 300-600 triệu đồng/ha/năm; mô hình một vụ lúa - 1 vụ tôm ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Theo quan niệm xưa, nước và phân là 2 yếu tố hàng đầu trong trồng trọt. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo quan niệm xưa, nước và phân là 2 yếu tố hàng đầu trong trồng trọt. Ảnh: Tùng Đinh.

Được chuyển đổi cây trồng rồi, bà con lại mong muốn hướng dẫn trồng cây gì trên đất cho phù hợp, muốn hỗ trợ để bán được sản phẩm cây trồng? Điều này, đòi hỏi Bộ NN-PTNT sớm ban hành các quy trình sản xuất phù hợp với địa hình canh tác đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất ngập mặn…) như Luật Trồng trọt đã nêu.

Vừa qua chúng ta đã quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, tối ưu hóa khâu sản xuất ra sản phẩm nhưng cái bà con đang cần là thương mại được sản phẩm. Bà con muốn bán được thì phải sản xuất theo yêu cầu thị trường chứ không phải sản xuất rồi cứ bán ra thị trường theo ý của mình. Sản xuất theo thị trường là sản xuất theo nhu cầu của người mua.

Thế là chúng ta cần giải quyết câu chuyện người mua cần gì? Cần sản xuất an toàn, cần chứng nhận chất lượng, cần truy xuất nguồn gốc, cần sản xuất có trách nhiệm… Việc này Nhà nước cần hỗ trợ bà con thông tin (cần hướng dẫn bà con và có dữ liệu về trồng trọt, dữ liệu số thì càng tốt).

Nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã được quy định tại Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi). Hiện nay, bà con trực tiếp sản xuất nông nghiệp cơ bản được miễn thủy lợi phí, với hạ tầng thủy lợi hiện nay, bà con cũng đã phần nào yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, cùng với biến đổi khí hậu và thói quen sản xuất của bà con, tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chúng ta đang thiếu nước cục bộ (hạn hán theo vùng) hay vấn đề chất lượng nước để phù hợp sản xuất từng loại cây trồng cũng cần quan tâm, giải quyết.

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là những vật tư quan trọng cho trồng trọt. Cả hai vật tư này đều được quy định tại 2 văn bản Luật là Luật Trồng trọt và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Theo Luật Trồng trọt năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phân bón để bán, họ phải nghiên cứu (hoặc có kết quả nghiên cứu), thực hiện khảo nghiệm (qua tổ chức khảo nghiệm được công nhận) trừ phân bón hữu cơ, làm thủ tục để Nhà nước công nhận phân bón lưu hành, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất phân bón (Nhà nước công nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón), phân bón sản xuất ra phải công bố hợp quy (thủ tục công bố hợp quy); cửa hàng bán phân bón và người bán phân bón cũng phải có đủ điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận.

Tương tự đối với thuốc bảo vệ thực vật, cũng được quy định cụ thể, rõ ràng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các quy định này đã góp phần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi đưa ra lưu thông trên thị trường, từ đó hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vậy bà con cần gì đối với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật? Cần rẻ và có hiệu quả.

Hiện nay, bà con nông dân đang cần những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rẻ và có hiệu quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, bà con nông dân đang cần những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rẻ và có hiệu quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Giá cả phân bón sẽ tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm nông nghiệp, theo đó việc cắt giảm chi phí sản xuất trong đó có chi phí tuân thủ quy định cũng sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.

Mỗi một yêu cầu, điều kiện mà doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thực hiện đều được tính vào giá thành của sản phẩm. Do đó, đòi hỏi tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này để đảm bảo cả mục tiêu quản lý và mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Quá trình trồng trọt vừa qua cho thấy, bà con thường dùng phân bón theo thói quen nhiều hơn là theo hướng dẫn của nhà sản xuất và lại có nhu cầu dùng nhiều phân bón với hy vọng cây trồng sẽ tốt và cho trái sai.

Ngành nông nghiệp đã tổ chức khuyến nông giúp bà con hiểu và sử dụng đúng nhưng cần tiếp tục hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ bà con thay đổi thói quen dùng phân bón để hướng tới sản xuất hữu cơ, sinh thái và phát triển bền vững.

Phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ và kỹ thuật canh tác cần được quan tâm đầu tư và phát triển nhất là đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cần tổ chức điều tra, đánh giá nguồn sinh vật có ích để có biện pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; ban hành Danh mục các loài, chủng sinh vật có ích sử dụng trong canh tác, góp phần thực hiện mục tiêu nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. 

Cần

Hiệu quả sản xuất nông nghiệp dựa vào kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Thời gian vừa qua, Nhà nước đã tổ chức khuyến nông cho bà con, đã hỗ trợ, hướng dẫn quy trình sản xuất, canh tác, bước đầu thực hiện hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp nhưng thực tế phạm vi và hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.

Thói quen sản xuất theo kinh nghiệm, tự làm của bà con vẫn còn. Và ngoài cần cù lao động sản xuất nông nghiệp, bà con cần có tình yêu đối với nông nghiệp, với cây trồng và sản phẩm của cây trồng. Chỉ khi nào không phân biệt sản phẩm làm ra để ăn và sản phẩm làm ra để bán thì người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm chất lượng, điều này cũng góp phần thúc đẩy cầu của sản phẩm.

Giống

Theo Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành, giống cây trồng là yếu tố đầu vào của sản xuất được quan tâm quản lý và hỗ trợ để người dân yên tâm được sử dụng giống tốt, có chất lượng. Luật Trồng trọt đã thay đổi cách quản lý đối với giống cây trồng. Theo đó, Nhà nước chỉ quan tâm, điều chỉnh việc quản lý giống mới thuộc loài cây trồng chính mà cụ thể là 06 loài: Lúa, ngô, cam, bưởi, chuối, cà phê do Bộ NN-PTNT ban hành; các giống này phải được Nhà nước công nhận lưu hành mới được sản xuất, kinh doanh.

Người nông dân Việt Nam luôn cần cù, chịu khó trên ruộng đồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Người nông dân Việt Nam luôn cần cù, chịu khó trên ruộng đồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổ chức, cá nhân nghiên cứu giống mới phải tiến hành khảo nghiệm theo quy định tại Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; phải được Nhà nước công nhận cho lưu hành giống; sản xuất giống thì phải có điều kiện (được quy định tại TCVN, QCVN); còn buôn bán giống thì chỉ phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng. Quy trình quản lý giống cây trồng được căn cứ chủ yếu vào Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ NN-PTNT ban hành hoặc tham mưu ban hành.

Như vậy, việc quyết định quản lý giống cây trồng nào, khó hay dễ là thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi xác định giống cây trồng nào là chính phải quản lý và nội dung của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi xây dựng. Do đó, thời gian tới cần sớm ban hành đầy đủ TCVN, QCVN đồng thời cần xem xét lại danh mục các cây trồng chính và các yêu cầu tại TCVN, QCVN đã ban hành.

Đối với giống cây trồng không phải thuộc loài cây trồng chính thì người dân làm thủ tục tự công bố lưu hành (thủ tục đơn giản) và được Cục Trồng trọt công khai trên website của Cục.

Đối với giống bản địa, đặc sản tồn tại lâu đời, các địa phương sẽ đề nghị được Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách để người dân cùng sử dụng chung.

Hiện nay, cơ cấu giống cây trồng nông nghiệp của chúng ta rất đa dạng, có chất lượng nhưng đã đủ để phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp chưa thì cũng cần phải có đánh giá tổng thể. Trong cơ cấu giống cây trồng, bộ giống lúa đã được quan tâm đầu tư và đã đóng góp lớn trong phát triển ngành hàng lúa gạo thời gian qua.

Yếu tố giống trong nhiều trường hợp được coi là yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên ngoài hoàn thiện bộ giống cho các cây trồng chủ lực của quốc gia, của từng địa phương thì quy trình từ định hướng nghiên cứu giống cây trồng đến sản xuất, chuyển giao công nghệ, canh tác cây trồng cần sớm rà soát, hoàn thiện.

Các cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt trên cả nước cần giúp bà con trong khâu tổ chức sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt trên cả nước cần giúp bà con trong khâu tổ chức sản xuất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong sản xuất trồng trọt, bà con thường quan tâm đến có giống cây trồng tốt, dễ trồng và chăm sóc, cho năng suất cao mà chưa chú ý tới việc sử dụng giống cây trồng của mình có phải xin phép hay được sự đồng ý của cơ quan, cá nhân nào không? Điều này đã dẫn tới một số vụ việc tranh chấp trong thời gian qua, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt cần hướng dẫn, truyền thông để bà con hiểu giống nào được sử dụng “free” giống nào cần phải trả tiền hoặc phải được chủ sở hữu giống cho phép.  

Như vậy, trong chuỗi sản xuất trồng trọt chúng ta đã làm tốt và có hiệu quả việc hướng dẫn, quản lý, hỗ trợ các yếu tố đầu vào nhưng điều đó là chưa đủ trong quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Để thương mại hóa sản phẩm trồng trọt chúng ta cần quan tâm tới tổ chức sản xuất và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thương mại sản phẩm.

Tổ chức sản xuất

Luật Trồng trọt đã xác định nguyên tắc hoạt động trồng trọt là sản xuất theo chuỗi giá trị theo thị trường, hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được chứng nhận chất lượng. Để đạt được điều này là tổng thể của nhiều hành động của nhiều cơ quan.

Để giúp bà con tổ chức được sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thị trường, cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt từ Trung ương tới địa phương cần:

+ Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vừng: Phát triển cây trồng theo thế mạnh của địa phương;

+ Xây dựng quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng; phổ biến, hướng dẫn bà con sản xuất đạt hiệu quả;

+ Xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa; canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;

+ Xây dựng vùng trồng, cấp mã vùng trồng thống nhất để theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế;

+ Hoàn thiện chính sách về bảo hiểm nông nghiệp. Hiện nay, Chính phủ có Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp nhưng mới chỉ xác định có 7 loại cây trồng (Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); 3 loài thủy sản (Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng trên thực tế triển khai doanh nghiệp bảo hiểm mới quan tâm triển khai với cây lúa.

+ Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp; liên kết sản xuất; hỗ trợ sơ chế, chế biến nông sản; kiểm soát chất lượng sản phẩm cây trồng.

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thương mại sản phẩm

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và thương mại sản phẩm là việc của ai? Của bà con nông dân? Của cơ quan nhà nước? Hay của cả hai?

Tư duy kinh tế thị trường sẽ đặt ra yêu cầu với người sản xuất nông nghiệp nhiều hơn, vừa sản xuất sản phẩm theo yêu cầu thị trường nhưng cũng vừa phải đảm bảo an toàn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu, thương hiệu. Nếu tư duy như thế thì việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, thương mại sản phẩm cây trồng đương nhiên là việc của bà con sản xuất nông nghiệp.

Hãy giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm do mình làm ra, gắn kết chúng với những giá trị văn hóa, xã hội khác thay vì đề nghị bà con tập trung, tổ chức sản xuất lớn ngay khi chưa có đủ nguồn lực. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hãy giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm do mình làm ra, gắn kết chúng với những giá trị văn hóa, xã hội khác thay vì đề nghị bà con tập trung, tổ chức sản xuất lớn ngay khi chưa có đủ nguồn lực. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, bà con sẽ cần cơ quan nhà nước hỗ trợ: (i) Phổ biến, hướng dẫn về sự cần thiết cần có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; (ii) Có chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu (cả về chuyên môn và thủ tục hành chính); (iii) Quảng bá, thương mại nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, bà con và các cơ quan nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Để tiếp tục giúp bà con nông dân làm kinh tế từ nông nghiệp, thì ngoài việc quan tâm đến các yếu tố đầu vào của sản xuất, cần tiếp tục quan tâm đến tổ chức sản xuất (quan trọng là xây dựng, cấp mã số vùng trồng; xây dựng quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng; sản xuất có hợp đồng, sản xuất có chứng nhận chất lượng); thương mại được sản phẩm cây trồng (kêu gọi, hỗ trợ đầu tư vào sơ chế, chế biến nông sản; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dựa trên giá trị; tìm kiếm thị trường xuất khẩu).

Hãy giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm do mình làm ra, gắn kết chúng với những giá trị văn hóa, xã hội khác thay vì đề nghị bà con tập trung, tổ chức sản xuất lớn ngay khi chưa có đủ nguồn lực. Xây dựng trách nhiệm và tình yêu với sản phẩm cây trồng do mình làm ra thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt. 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm