Cục Quản lý xây dựng công trình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Vụ đông xuân 2023-2024: Rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn. Ngành trồng trọt Hà Tĩnh thắng lợi toàn diện. Trồng dưa vàng Nhật Bản cho lãi 25 triệu đồng/vụ.
Cục Quản lý xây dựng công trình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Thanh Thuỷ - Sản xuất
Sáng 29/11, Cục Quản lý xây dựng công trình tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập. Kể từ khi được thành lập, tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động Cục QLXDCT đã không ngừng mở rộng tư duy về giải pháp công trình, tham mưu cho Bộ áp dụng các vật liệu mới, công nghệ mới, kỹ thuật mới xây dựng các công trình hiện đại, phục vụ đa mục tiêu, vừa đảm bảo công năng sử dụng, vừa có tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, góp phần đưa nguồn nước đến những vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Cùng với đó, hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi đã được chuyển thành hệ thống dẫn nước áp lực cao góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tránh lãng phí.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Cục Quản lý xây dựng công trình đã kế thừa và phát huy tốt những thành quả mà các thế hệ đi trước để lại. Từ đó, góp phần xây dựng nên những công trình vĩ đại của ngành thủy lợi nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung. Do đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý xây dựng công trình phải không ngừng thay đổi cả trong tư duy và cách làm để mang nguồn nước tới mọi miền của Tổ quốc, không để bất cứ nơi nào thiếu thốn nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng này.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Quản lý xây dựng công trình.
VỤ ĐÔNG XUÂN 2023-2024: RÉT ĐẬM, RÉT HẠI CÓ THỂ XUẤT HIỆN MUỘN
Phạm Huy - Bảo Thắng - Sản xuất
Sáng 29/11, tại Hội nghị tổng kết sản xuất năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 các tỉnh phía Bắc, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, tổng diện tích gieo cấy lúa năm 2023 đạt hơn 2,2 triệu ha, giảm 32.000 ha so với năm 2022, năng suất trung bình đạt 58,4 tạ/ha,sản lượng lúa toàn miền Bắc đạt trên 13 triệu tấn. Đối với cây vụ đông, tính đến giữa tháng 11/2023, diện tích gieo trồng tại phía Bắc đạt 340.000 ha, tương đương gần 90% kế hoạch.
Năm 2024, các tỉnh phía Bắc dự kiến tiếp tục giảm diện tích gieo cấy lúa khoảng 18.000 ha. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi lúa ở vùng cao, khó tưới sang các cây rau màu; nhất là các cây rau có hợp đồng bao tiêu ổn định đầu ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2023, nhất là trong bối cảnh thị trường lúa gạo và rau màu đang có nhiều tín hiệu tích cực về giá cả và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, xuất khẩu nông sản 11 tháng đầu năm 2023 ước đạt 24,3 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ). Thứ trưởng lưu ý, trong vụ Đông Xuân 2023-2024, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn. Do đo các địa phương cần lưu ý bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của rét nàng Bân.
TRỒNG DƯA VÀNG NHẬT BẢN CHO LÃI 25 TRIỆU ĐỒNG/VỤ
Phương Thảo - Sản xuất
Sau một thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng cây dưa vàng cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu, chị Văn Thị Hằng ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội đã xây dựng khu nhà màng rộng gần 4000m2 và bắt đầu gieo trồng những hạt giống dưa vàng Nhật Bản đầu tiên từ tháng 9 năm 2021.
Tại đây, chị Hằng đã trồng 3.000 chậu dưa vàng. Mỗi cây được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với các vi sinh vật có hại trong đất. Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel.
Một năm trang trại dưa vàng Nhật Bản của chị Hằng cho thu hoạch 3 vụ. Mỗi vụ có cho năng suất khoảng 2,5 tấn. Với giá bán tại vườn là 50.000đ/kg, gia đình chị Hằng thu lãi từ 25-27 triệu đồng/ vụ.
TRỒNG TRỌT HÀ TĨNH THẮNG LỢI TOÀN DIỆN
Thanh Nga - Sản xuất
Sáng 29/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN-PTNT năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, với sự tham dự của hơn 600 đại biểu.
Theo báo cáo tại hội nghị, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Hà Tĩnh ước đạt trên 2,6%. Đặc biệt, lĩnh vực trồng trọt được đánh giá thắng lợi toàn diện, tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 640.000 tấn, tăng 5,9 % so với kế hoạch, tăng 4,8% so với năm 2022, tương đương gần 3.000 tấn. Đặc biệt, thông qua các chính sách hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất lúa, cây ăn quả có múi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị đã được hình thành. Các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp đều tăng so với kế hoạch từ 4,5 – 8,5%.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng trên 2,5%; tổng giá trị sản xuất hơn 14.300 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt trên 100 triệu đồng/ha.