Chọn Trump hay Joe Biden?
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả khiến cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cũng bị cuốn theo và cử tri ở hầu hết các bang phải làm nghĩa vụ công dân bằng cách bỏ phiếu qua thư.
Tại bang California, nhiều người đã đi bỏ lá phiếu vào thùng thư đặt ở những cơ quan công quyền, trong khi ở những bang khác như Texas, Georgia thì người dân còn khó kiếm thùng phiếu hơn nên đã gửi lá phiếu qua đường bưu điện hoặc xếp hàng nhiều giờ để bỏ phiếu sớm.
Tính đến thời điểm chỉ còn vài chục giờ đồng hồ nữa là đến Ngày Bầu cử- 3/11, theo ông Michael McDonald, giáo sư Đại học Florida đã có trên 90 triệu cử tri Mỹ đã làm xong nhiệm vụ công dân, con số kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên chính sự thay đổi này cũng là lý do khiến việc kiểm đếm phiếu bầu năm nay phức tạp và đã xảy ra những tranh cãi. Do đó dự kiến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ không thể biết được ngay trong đêm 3/11 mà phải chờ nhiều ngày sau đó và rất có thể sẽ còn nổ ra kiện tụng về quy cách kiểm phiếu.
Chính vì thế, cả hai ứng cử viên vẫn đang ráo riết vận động ở những bang chiến trường để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong những ngày cuối, thậm chí tới giờ chót của cuộc tranh cử.
Cho tới lúc này khó có thể dự đoán ông Trump hay ông Biden sẽ chiến thắng dù kết quả thăm dò có nghiêng về ông Biden trên toàn quốc cũng như tại nhiều bang chiến trường, cả ở những nơi ông Trump đã thắng trong năm 2016 như Florida, Georgia, Michigan, North Carolina, Ohio, Pennsylvania, và Arizona.
Trong lịch sử, không có tổng thống đương nhiệm nào để mất Nhà Trắng kể từ sau thất bại của cựu Tổng thống George W Bush trước ông Bill Clinton hồi năm 1992. Tuy nhiên theo giới quan sát, cho dù ững cử viên Joe Biden tiếp tục nắm đã giữ lợi thế trong cuộc đua cho đến nay, nhưng không ai biết chắc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào vào ngày 3/11 tới.
Kinh tế vẫn sẽ quyết định
Lịch sử bầu chọn lãnh đạo Mỹ trong suốt 40 năm qua cho thấy, khi kinh tế phát triển thì tổng thống đương nhiệm hay đảng cầm quyền sẽ tiếp tục được người dân ủng hộ. Và nếu tình hình kinh tế nước Mỹ vẫn tăng trưởng tốt thì việc Tổng thống Trump ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa là không phải bàn cãi.
Còn nhớ, cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 1980 từng bị thất bại trước ứng viên Ronald Reagan vì cuộc khủng hoảng xăng dầu, kinh tế đi xuống, và mức thất nghiệp gần 7% khiến người dân phải xếp hàng đổ xăng, mặc dù các thăm dò trước ngày bầu cử đều ngang nhau.
Hay trường hợp ông Bush con cũng thất bại trước đối thủ chỉ vì kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, đẩy mức thất nghiệp hơn 7%, cùng với lời hứa lèo không tăng thuế, mặc dù ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton lúc đó bị tố cáo đủ thứ chuyện lăng nhăng ái tình, nhưng cử tri vẫn bỏ qua và chọn ông làm lãnh đạo tới hai nhiệm kỳ.
Theo các chuyên gia, nếu không có Covid-19, Tổng thống Trump sẽ dễ dàng giành được nhiệm kỳ thứ hai bởi sau ba năm dưới sự lãnh đạo của ông nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển và tỷ lệ thất nghiệp chỉ trên 3%.
Đảng Dân chủ dự kiến sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện và có thể chiếm thêm ghế hơn từ đảng Cộng hòa, tuy nhiên cuộc chiến giành vị trí Thượng viện hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát được dự báo sẽ khốc liệt hơn nhiều.
Tuy nhiên hiện tình hình trở nên phức tạp, khó khăn hơn khi kinh tế đình trệ, số người thất nghiệp cao hơn 10% và các biện pháp phòng chống Covid-19 không hiệu quả vì số người nhiễm gần 9 triệu với 230 nghìn ca tử vong và vẫn đang tăng mạnh.
Tổng hợp nhiều thăm dò mới nhất trong vài ngày qua cho thấy, cựu Phó Tổng thống Biden vẫn đang hơn điểm Tổng thống Trump trên toàn quốc, tính trung bình theo Real Clear Politics là với tỷ lệ 51,3%- 43,6%.
Theo khoa học xác suất thống kê, độ tin cậy vào những kết quả thăm dò là 95%, có nghĩa là có 5% cơ hội kết quả thăm dò sai và biên độ sai số thường là cộng trừ 3 điểm.
Cả hai ứng cử viên trên khắp đất nước vào cuối tuần đã đưa ra những lập luận cuối cùng của họ. Năm chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử giữa hai ứng cử viên vẫn xoay quanh vào đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, chăm sóc sức khỏe, phân biệt chủng tộc và biến đổi khí hậu.