| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến loạn đả phân giả, phân lừa, chỉ nông dân là chịu thiệt

Thứ Hai 11/07/2016 , 13:43 (GMT+7)

“Cơn bão” phân bón trung, vi lượng, phân bón bao bì mẫu mã nhập nhèm tung hoành dưới sự ngoảnh mặt làm ngơ của các cơ quan chức năng hoặc nếu có quản lý cũng hết sức lỏng lẻo...

Giữa chiến cuộc loạn đả của phân giả, phân lừa chỉ có người nông dân là chịu thiệt thòi lớn nhất. Không chỉ mất mát về tiền của họ còn mất mát hi vọng về những vụ mùa bội thu…

Ma trận hoa mắt

“Lão tướng” đầu bạc Nguyễn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang là người nhiều năm theo đuổi nghiệp phân bón.

Với hệ thống cửa hàng phủ khắp các huyện, hệ thống đại lý phủ khắp các xã trong tỉnh, Cty ông mỗi năm cung ứng ra thị trường 110.000 - 120.000 tấn phân bón các loại (chủ yếu sản phẩm đạm Hà Bắc, phân bón Lâm Thao và kali Hà Anh), được nông dân ưa chuộng, Cty kinh doanh rất hiệu quả.

Tưởng như không một thế lực nào có thể tranh giành thị phần với Cty ông được nhưng nào ngờ, chỉ trong vài ba năm gần đây, “bão tố” đã nổi lên khiến cho những người trong cuộc phải xây xẩm mặt mày, thất kinh hồn vía.

Đó là “cơn bão” phân bón trung, vi lượng, phân bón bao bì mẫu mã nhập nhèm tung hoành dưới sự ngoảnh mặt làm ngơ của các cơ quan chức năng hoặc nếu có quản lý cũng hết sức lỏng lẻo.

Phân bón hàm lượng thấp thường gọi với cái tên phân trung lượng. Đặc điểm nhận dạng của dòng sản phẩm này là thường ghi trên bao bì các công thức như NPK 5-10-3, 16-12-8, 7-8-3… rất to nhưng mặt sau ghi thành phần bằng chữ nhỏ rất khó đọc.

Bởi thế mỗi khi xem bao bì sản phẩm chẳng khác nào dự một cuộc… game show “Đuổi hình bắt chữ” mà nếu ai không tinh mắt, không nhanh trí rất dễ hiểu nhầm.

19-27-47_dsc_4960
Nếu chỉ xem qua nhiều loại phân trung lượng rất dễ bị hiểu nhầm thành phần trong đó

 

Cụ thể như NPK S của Cty CP BVTV Miền Bắc mặt trước ghi 12.5.10 mặt sau ghi đạm 12%, lân 5% nhưng kali chỉ 1.0%. Nếu ai tinh ý, nhìn kỹ thì mặt trước của sản phẩm có một dấu chấm giữa số 1 và số 0 nhưng nó đánh đố ở chỗ nằm sát dấu sắc màu đỏ của chữ Miền Bắc nên rất khó nhận dạng.

Phân bón trung lượng chất lượng cao DP mặt trước ghi DP 16.16.8 tưởng là thành phần trong đó rất cao nhưng mặt sau lại ghi nho nhỏ dòng chữ khá khó đọc, đạm N 5%, P 3,5%, K 2,5%.

Một loại phân bón tự định dạng là cao cấp Nam Điền mặt trước ghi 9.6.4 nhưng mặt sau các thành phần thiết yếu là đạm 0,9%, lân 0,6%, kali 0,4%. Còn các thành phần không thiết yếu như lưu huỳnh, magie, bo, kẽm thì thống kê hàng loạt nhưng cũng không định lượng được bao nhiêu %.

Cũng tương tự như vậy là phân bón cao cấp NĐ 16.6.8 bón lót và bón thúc với khẩu hiệu in rất kêu “Tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn” đằng sau mờ ảo các con số thiết yếu là đạm 1,6%, lân 0,6%, kali 0,8%. Bao bì ghi những con số đáng là thành phần dinh dưỡng thì nay trở thành tên gọi.

19-27-47_dsc_4963
Ảnh: Dương Đình Tường

 

Các loại sản phẩm phân bón hàm lượng thấp này phổ biến có ba màu nên nông dân Bắc Giang vẫn quen gọi chúng là phân bón ba màu. Thêm vào đó, một loại phân kém chất lượng khác là lân canxi cũng xuất hiện nhiều trong mấy năm nay.

Tình thế hiểm nghèo

Ông Nguyễn Khang từng thẳng thắn khuyên một giám đốc phân bón hạn công nghệ xúc xẻng, trộn bê tông, hàm lượng thấp rằng: “Chú làm thế là giết nông dân”; nhưng vị này “phản pháo” ngay: “Đâu có, chúng em đang giúp nông dân tiếp cận hàng giá rẻ, đa dạng hàng hóa đấy chứ”.

“Trung lượng ghi trên bao bì chẳng biết có thực là trung lượng hay không nhưng kể cả có nó cũng chỉ như chất xúc tác, còn muốn tăng năng suất cho cây trồng phải có đạm, lân, kali cũng như con người muốn phát triển phải có thịt, cá, trứng, sữa.
Phân NPK theo luật không được dưới 18% hàm lượng tổng số của N, P, K nhưng chúng lách bằng cách thay vì ghi NPK thì ghi phân trung lượng, vi lượng nên bón dăm ba, thậm chí cả chục bao phân loại này mới bằng một bao phân xịn”, ông Nguyễn Khang.

Lãi cao mà vốn không mất bởi được trích hoa hồng nhiều nên các đại lý sẵn sàng nhắm mắt, đưa chân bán phân kém chất lượng. Lần đầu thì còn ăn năn, lần hai tự nhủ thương trường phải thế, lần ba, lần bốn coi đã hết sức bình thường.

Họ bán một sản phẩm thật nhưng lại kèm một sản phẩm phụ khác kiểu bán lạc kèm bia. Tuy là phụ nhưng mang lại lợi nhuận chính cho đại lý.

Hai năm 2014 - 2015 là quãng thời gian kinh doanh rất khó khăn đối với Cty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang. Sản lượng bán hàng vẫn khá nhưng hiệu quả kinh doanh rất thấp, thậm chí không lợi nhuận bởi Cty toàn bán các sản phẩm chính hiệu, chất lượng tốt nhưng lợi nhuận cực thấp vì phải cạnh tranh rất căng thẳng.

Những đại lý không chân chính sẵn sàng bán kèm lân canxi, phân trung lượng. Lợi nhuận của các loại này từ 500 - 700đ, thậm chí cả 1.000 đ/kg, tức được 20.000 - 30.000 đ/bao nhưng lợi nhuận của các bao phân bón chính hiệu chỉ 2.000 - 3.000đ.

Họ vẫn lấy hàng xịn đấy nhưng không còn mặn mà như trước nữa, lặng lẽ xếp hàng xịn vào bên trong kho, giấu đi để còn bán hàng chất lượng thấp, thậm chí nói dối người mua rằng đã hết hàng để không đòi hỏi gì nữa.

Khuyên doanh nghiệp táng tận lương tâm không xong, ông Khang rút lòng, rút ruột khuyên can đại lý đừng tiếp tay cho hàng xấu: “Các vị được như ngày nay phải nói là nhờ nông dân. Nông dân mới là người trả lương cho các đại lý phân bón”.

Nhưng họ đều ráo hoảnh mà rằng: “Nếu mà bán những phân bón chính hiệu không có lợi nhuận mấy thì ai nuôi con em bây giờ?”. Nếu xu hướng còn tiếp diễn thì mối quan hệ giữa đại lý và Cty sẽ chỉ còn như một lời hát: “Vẫy tay, vẫy tay chào nhau. Một lần đầu và một lần cuối” mà thôi.

19-27-47_dsc_4946
Tập huấn cho dân phân biệt hàng thật, hàng giả

 

Bởi lẽ đó, “lão tướng” Nguyễn Khang mới quyết định xuất quân, tuyên chiến một sống, một chết với "bè lũ" bán phân kém chất lượng.

Một đại lý kể về đội quân tiếp thị phân bón cuốc xẻng vẫn hàng ngày diễu qua diễu lại địa phương mình như sau: “Họ chỉ mang theo vỏ bao cùng một vài cân hàng mẫu. Cứ bỏ ra tay miết cái là biết ngay chất lượng của phân, lắm loại cứ như toàn bùn đất. Nông dân thường không hạch toán kinh tế cụ thể chỉ biết mua phân chất lượng kém giá rẻ về bón thấy cây trồng lâu phát triển lại vãi thêm đạm, thêm kali để thúc vào. Tính ra một tiền gà, ba tiền thóc”.

 

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 10 tháng tăng cả về khối lượng và giá trị

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bức tranh tài chính khả quan của GELEX

5 năm gần đây, GELEX chưa có báo lỗ, quy mô của GELEX được gia tăng mạnh mẽ, trở thành 1 trong 30 công ty có doanh thu lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.