| Hotline: 0983.970.780

Cuộc di cư của hoa đào

Thứ Hai 08/02/2021 , 14:27 (GMT+7)

Vườn đào Dương Nội, đào Mỗ, đào Trung Văn sau đó là nơi chốn nào chưa biết, phải lựa theo thế đất và thời cuộc thôi.

 

Hoa đào vốn ưa đất mới, người ta thường đổ đất mới lên chân ruộng hay đất vườn trồng đào để chiều chuộng loài hoa được mệnh danh là sứ giả của mùa xuân này. Thế nhưng, câu chuyện tôi kể đây lại là những vùng đất trồng đào mới, rất mới của thủ đô Hà Nội.

Vùng đất gió lộng và nguồn nước dòng sông Hồng cùng với bàn tay chi chút của người làng Nhật Tân đã làm nên danh tiếng hoa đào bao đời nay. Nhưng rồi cơn lốc đô thị hóa đã khiến diện tích trồng đào của Nhật Tân thu hẹp lại trông thấy theo thời gian. "Hoa đào về đất tỉnh rồi, tết mới lại theo xe về phố"..., nhiều người đã nói thế và đúng thật, những ruộng đào ngoại tỉnh đã được trồng bấy nay. Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nắm bắt cơ hội thuê đất tận dụng đất theo năm nhiều người đã chọn đào để kinh doanh. Đào trên đồng đất Dương Nội là một trong số đó.

Dương Nội là làng cổ ven đô, đồng đất bờ xôi ruộng mật lại có nghề phụ, người làng hiểu biết, nhanh nhẹn, giao tiếp rộng. Khi đồng đất Dương Nội đô thị hóa với tốc độ nhanh, trong làng một số người vẫn theo nghề dệt, một số người lại vẫn ưa nghiệp cấy trồng. Nhưng thực tế không thể trồng lúa trên diện tích đất sẵn sàng trở thành công trường được, nên người họ Nguyễn trong làng khởi đầu đã chọn đào để trồng kinh doanh. Và thế là đã có một vườn đào Dương Nội ven thị xã Hà Đông.

Khoảng 20 năm trước, qua thời bao cấp, kinh tế khá hơn, tết là phải có đào, có quất và hoa. Lúc này, người thị xã Hà Đông không phải đi xa kiếm hoa đào nữa vì đã có lác đác người Dương Nội đem hoa về chợ hoa bên sông Nhuệ và vườn hoa Hà Đông bán. Dần dà, sau đôi năm cụm từ "Đào Dương Nội" đã trở nên quen thuộc trên địa bàn này.

Rồi, người trong vùng biết tiếng đào Dương Nội đã băng qua những con đường bụi mù của công trường xây dựng tìm đến với hoa, tìm đến với những chủ vườn thật thà, tin cậy. Dẫu tết chỉ mỗi năm một lần, nhưng thú chơi thường gắn kết nhau bởi cái duyên, bởi tình thân chủ khách. Thế nên vườn đào Dương Nội với những chủ nhân nhiệt thành vẫn giữ được chân khách xa gần qua lại cả năm, để đến tết khách về chọn cành, chọn thế, thuê chơi hay mua đứt. Đào rời vườn, mang theo tên vườn Dương Nội đi đó đây, chủ nhân cũng mát mặt.

Nhưng không lâu sau, khi bàn tay người trồng đã thạo hơn, hoa nở đẹp hơn, thế dáng đào cũng hoàn thiện hơn thì người trồng đào cũng lại tâm tư nói rằng, chẳng mấy mà chủ dự án làm đến vườn, nhà cao tầng sẽ nuốt trọn vườn đào này.

Quả như vậy, người Dương Nội ngậm ngùi nhận bồi thường và đánh gốc đi. Vườn nào thuê được đất thì kịp, không sẽ bị ủi. Đào Dương Nội phải di cư. Cây vất vả theo chủ, chủ vất vả theo cây, bước đường mưu sinh với đất đai, cây cối thật nhọc nhằn. Nhưng rồi, đào Dương Nội cũng tìm được đất mới - đất Mỗ. Cũng may là chủ vườn và khách còn mối liên hệ, nên vườn đào của người Dương Nội trên đất Mỗ vẫn đắt hàng, xa gần vẫn tìm đến và chủ vườn Nhật Tân cũng không chê đánh về gia cố trên đất Nhật Tân danh tiếng.

Người Dương Nội có anh Nguyễn Trung Bổng, biên chế nhà nước nhưng lại mê cây. Anh theo bố trồng đào từ những gốc đào đầu tiên của Dương Nội, rồi lên Mỗ, chẳng lẽ quỹ đất hạn hẹp để cây chết, người yêu cây mất nghề, mất nghiệp ư? Trong đoạn đường đi làm về từ Phạm Hùng đến Dương Nội, anh thấy Trung Văn còn đất. Thế là anh em trong làng, trong họ xúm lại, lại làm một cuộc di cư cho vườn đào Dương Nội từ Mỗ về Trung Văn.

Khách hữu duyên mê cây chọn vườn đào về chơi, về thăm thú thường xuyên, nghe chuyện cây, chuyện nghề nên cũng yêu thế, yêu cành như chủ vườn. Nói trồng đào 11 tháng là có thu hoạch, có tiền, nhưng chưa hẳn, có gốc đào dăm năm vẫn "thả", chưa "đi chơi" lần nào. Mà đào chưa "đi chơi" thì chủ hẳn chưa được đồng nào. Có gốc đào hơn 10 năm cũng chỉ đi chơi dăm ba lần. Cây đi rồi chủ lại lo những ngày tết cây dốc sức cho hoa, khi về lại vườn càng phải "chiều chuộng". Thế nên câu chuyện về cây thường dài, dãi bày cùng khách, để khách hiểu hơn về tình cây với người trồng.

Cũng như các vườn đào khác, đào Dương Nội dẫu có "nhấp nhổm" không yên thân thì bên cạnh các gốc đào thế oai hùng’ chờ duyên, luôn phải có ruộng đào cành để lấy ngắn nuôi dài bán tiền trăm, tiền chục cho người chơi đào cành và đào thờ. Với loại đào này, 1 năm có 365 ngày thì cũng phải 360 ngày lo lắng. Để sao có dáng hình, có hoa đẹp, đúng ngày cắt bán. Nhưng mà nghiệp cấy trồng nó vậy, biết làm sao. Giữa lòng thủ đô, giữa những tòa nhà cao ngất, những người nông dân thực thụ vẫn chân lấm tay bùn "quất đào, đào thiến", hay tuốt lá đánh gốc... mong có sản phẩm đẹp trúng vụ để có thu nhập và tái đầu tư.

Trong cái giá lạnh của mùa đông xứ Bắc, cỏ khô rạc, những cây đào đang thả lá cành thả sức rong chơi, đôi bông hoa đã nở sớm. Những cây đào đã vào thế lại đang được cẩn trọng hãm không năm nay dư, sợ sẽ nở hoa trước tết. Đám đào cành đã được xử lý để đứng tăm, dồn nụ, ra dáng, tròn đều. Anh Bổng chỉ "vết thương" trên một thân đào già đã được chạy chữa cả năm giờ đã liền da. Anh lại khoe, cây này anh thả 5 năm chưa cho đồng nào, rồi anh đếm trên một gốc đào cành cho đến hàng chục cành đào thờ, cành to, cành bé đều có dáng đẹp, nhìn là thấy ngay chuyên môn và tâm huyết của chủ vườn.

Anh Bổng kể không giấu: Trồng đào thu tiền tỉ là đúng, vì nó phản ảnh đúng tay nghề và tâm huyết người trồng. Hữu sắc tự nhiên hương, người ta mách nhau tìm hàng đẹp, chủ các vườn danh tiếng cũng mách nhau tìm hàng đẹp, đánh về trước vụ tết kiếm lời. Chơi đào nói riêng, chơi cây cảnh nói chung không chỉ cần hữu duyên, mà còn cần cả tri âm, tri kỉ nữa có khi mới đủ...

Thế anh có lo một ngày nào đó vườn đào Trung Văn lại phải di cư không?

Tôi lo chứ, mỗi lần di cư là một lần người và cây đều khổ. Nhưng phía xa kia là đô thị đấy, dự án sẽ nối từ thành phố thông minh kia về đây. Biết làm sao, được ngày nào hay ngày ấy, vì yêu cây, yêu hoa đào, chúng tôi sẽ lại đi tìm đất thuê để sống với cây, thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Vườn đào Dương Nội, đào Mỗ, đào Trung Văn sau đó là nơi chốn nào chưa biết, phải lựa theo thế đất và thời cuộc thôi. Tìm hiểu ra mới thấy hành trình của hoa đến với xuân với tết không hề đơn giản. Nhiều thì mươi năm, không chỉ đôi ba năm, trên khoảng đất chờ của dự án. Cùng với hoa là khoảng thời gian, là khoảng đời và tâm huyết của chủ nhân vườn đào, những người nông dân trong thành phố. Những người làm nông nghiệp ven đô, chưa quên đồng đất dù làng xã đã lên phố phường, những người nắm bắt thời cuộc, bám đất theo cách của mình rất nhanh nhẹn, khôn khéo, dám nghĩ, dám làm và không quản gian khó.

Xuân mới rộn ràng, tết cùng hoa hoa bước vào khuôn cửa. Phải có hoa đào xuân mới đủ, tết mới vui, bao giờ người xứ Bắc cũng nghĩ thế, nhất là thời nay khi kinh tế không quá khó và đời sống tinh thần được đề cao. Người ngắm hoa uống trà nghe câu chuyện về hoa, người bận rộn thấy hoa mà không kịp hỏi vội vã đi ngay, cũng không sao cả, hoa về tư gia mang theo dương khí, chạm mắt đến hoa là nhận được thông điệp mùa xuân theo cách kì diệu mà chỉ có hoa đào mới làm được điều đó.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.