| Hotline: 0983.970.780

Cuộc sống bần cùng của hai mẹ con điên dại dưới tán rừng Tam Đảo

Thứ Sáu 22/11/2019 , 08:41 (GMT+7)

Kể từ ngày chồng qua đời, chị Hai ra ngẩn vào ngơ rồi hóa điên dại. Bi kịch tiếp tục ập đến khi người con gái duy nhất của chị Hai cũng phát bệnh như mẹ.

Chồng mất, vợ và con lần lượt hóa điên

Bà Hoàng Thị Ba (70 tuổi, mẹ ruột chị Hai), dẫn chúng tôi vượt qua con suối trơn trượt quanh năm nước chảy, men theo lối đi nhỏ đầy cỏ dại đến nơi mẹ con chị Hai ở.

nh-5154051108
Mỗi lần muốn vào thăm con bà Ba phải lội qua con suối.

Đến thăm gia đình chị Lâm Thị Hai (SN 1972) ở thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) trong một buổi chiều đầu đông, chúng tôi không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của chị Hai cùng con gái là Trương Thị Xuân (SN 1994) khi cả 2 cùng bị bệnh tâm thần sống nương tựa vào nhau.

Căn nhà lụp xụp của mẹ con chị Hai nằm ẩn mình lặng lẽ dưới sự bao bọc của cây rừng và đồi núi, rộng vỏn vẹn gần 10 mét vuông cao không quá đầu người được dựng tạm bợ bằng tôn và đắp đất xung quanh. Mái ngói lợp bằng bro xi măng nhưng vẫn hở những khe to tướng để lọt ánh sáng vào nhà.

Bốn bề tĩnh lặng, không tiếng gà, tiếng chó. Cả khoảng trống thênh thang trước căn nhà chỉ khe khẽ tiếng gió xào xạc.

Nhà chị Hai chẳng có cửa, bức tường đất xuống cấp hở từng mảng toang hoác. Bên trong căn nhà chất đủ thứ vật dụng cáu bẩn, vứt tứ tung, bốc mùi, do lâu không được dọn dẹp. Nhà cũng chẳng có điện, muỗi bay như vãi trấu. Vừa thấy người lạ xuất hiện, chị Hai tỏ ra sợ hãi rồi chạy một mạch lên đồi trốn mất tăm.

Bà Ba cho biết, chị Hai là con thứ 2 trong một gia đình có 8 anh em. Trước đây chị Hai cũng bình thường như bao cô gái cùng thôn quê khác. Chị lấy chồng là anh Trương Văn Ba, (người ở xã Đại Đình, Tam Đảo) và sinh được người con gái Trương Thị Xuân. Không biết vì sao sau khi có con gái, sức khỏe anh Ba xuống dốc không phanh, ốm đau triền miên, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Bi kịch ập đến khi anh Ba được xác định mắc bệnh hiểm nghèo. Dù đã cố gắng đi chữa trị nhưng sau đó anh Ba đã không chống chọi lại cơn bạo bệnh và qua đời khi tuổi còn quá trẻ. Chồng mất, chị Hai suy sụp.

Chị cứ ra ngẩn vào ngơ như người mất hồn và ít lâu sau rơi vào trạng thái không còn làm chủ được suy nghĩ và hành động của bản thân.

"Nó suy nghĩ về chồng nhiều quá, trong khi gia đình khó khăn nợ nần nên áp lực rồi bị thần kinh từ đó, đã mấy chục năm rồi. Đưa 2 mẹ con nó về đây ở, mấy anh em họ hàng cùng nhau dựng cho nó cái nhà nhỏ sống ở đó. Cái Xuân ở với mẹ được đến năm 10 tuổi rồi dần dần cũng bị như mẹ nó. Nhìn con, nhìn cháu ngẩn ngơ tôi đau thắt ruột gan", bà Ba nghẹn ngào.

nh-115413123
Căn nhà nơi mẹ con chị Hai sinh sống.

Từ khi bị tâm thần, 2 mẹ con chị Hai nương tựa vào nhau sống ẩn mình dưới chân đồi. Hàng ngày, Xuân cứ đi lang thang khắp nơi. Có bận, Xuân đi rồi lạc đường, người thân họ hàng lại cùng nhau đi tìm kiếm rồi đưa về. Thế nhưng cách đây 5 tháng, Xuân đi khỏi nhà và mất tích từ đó. Gia đình vẫn cố gắng tìm kiếm khắp nơi nhưng đành bất lực, không biết bây giờ người con gái ngớ ngẩn này ra sao.
 

Tương lai mờ mịt

"Xuân nó cứ đi lang thang suốt, đưa về được một hai hôm lại đi tiếp, tìm nhiều quá nên giờ cũng không đi tìm nữa. Nhiều khi mọi người cứ bảo sao không mua cái xích về xích vào nhưng nói thế chứ làm vậy sao được. Con người chứ con gì đâu mà xích, nhìn xót xa lắm chứ. Mà nếu có xích vào thì nó cũng phá phách chứ làm gì ở im cho", bà Ba chia sẻ.

Khác hẳn với người con tâm thần, chị Hai không đi đâu khỏi nhà, chị chỉ trốn lên quả đồi phía sau nhà mỗi khi gặp người lạ. Bà Ba từng nhiều lần khuyên nhủ chị Hai ra ở cùng để tiện chăm sóc nhưng chị Hai không chịu.

"Tôi khuyên nó nhiều lắm nhưng nó không nghe, nhiều lần gọi nó ra ăn cơm nó cũng lắc đầu. Giờ ở một mình cũng không biết làm gì, nhà cửa cũng không biết dọn dẹp. Tôi thì có tuổi rồi, ở nhà cũng phải chăm lo cho đứa con gái út không được bình thường nên chỉ thỉnh thoảng sang dọn cho nó. Thế nhưng, dọn được một lúc, nó lại ném hết tất thảy mọi thứ.", bà Hai buồn bã nói.

Căn nhà trống hoác giữa rừng xanh. Không còn vật dụng nào bé Xuân để lại. Dường như cô bé cả tuổi thơ cũng không có đồ chơi. Hỏi chuyện này, bà Ba không nói. Đến tuổi xưa nay hiếm, khóe mắt bà đã nhiều vết chân chim. Nước mắt lăn ra khi nhắc đến cháu ngoại. Nhưng không giọt nào rơi xuống, chỉ đọng quanh những vết chân chim.

Xuân bỏ đi triền miên nên ở nhà chỉ có một mình nhưng chị Hai cũng chẳng biết tự cơm nước cho mình, bà Ba và con trai cả sinh sống gần đó là anh Lâm Văn Sinh (SN 1970) phải thay phiên nhau chăm sóc cho chị Hai.

“Đồ ăn, cơm gạo mang sang cho nó thì nó cho hết vào một nồi rồi nấu ngày nấu đêm. Đun nấu chán không ăn được nữa thì nó đổ hết xuống suối, chán lắm. Tôi phận làm mẹ, thương nó lắm mà không biết làm thế nào được", bà Ba nghẹn lại.

Nhắc đến người em gái, anh Sinh không giấu được sự buồn bã. “Từ ngày em tôi mắc bệnh thì không biết tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt cá nhân. Quanh năm 2 mẹ con chỉ biết trông cậy vào tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật cùng với mớ rau bát gạo của người thân và hàng xóm hỗ trợ.

Kể về người em, cứ vài câu anh Sinh lại cúi mặt xuống, hai ngón tay ám màu đất sét siết chặt vạt áo, dường như tìm điều gì đó bấu víu. Ánh mắt người đàn ông đã qua tuổi 40 không che giấu được sự xót xa, và cả mỏi mệt của những tháng ngày chăm em.

nh-3154040415
Đồ đạc bên trong căn nhà ngổn ngang.

"Kinh tế gia đình tôi khó khăn, nuôi mấy người con ăn học cũng vất vả nhưng vẫn cùng mẹ tôi hỗ trợ lương thực cho Hai. Mẹ tôi thì tuổi cao rồi không làm được gì còn phải chăm lo cho đứa út cũng không bình thường ở nhà nên chẳng thể ở bên Hai suốt ngày. Nhìn em ra nông nỗi này tôi cũng đau lòng lắm, nhưng số phận vậy rồi thì biết phải làm sao", anh Sinh nói.

Chiều xuống, gió lạnh trong rừng Tam Đảo mỗi lúc một mạnh hơn. Căn nhà chị Hai chìm dần trong ánh hoàng hôn. Không đèn, không lửa. Nếu không có người chỉ, chắc không ai biết nơi đây có một căn nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Quan cho biết, hoàn cảnh gia của hai mẹ con chị Hai đặc biệt khó khăn. Chính quyền địa phương cũng đã thực hiện các chương trình trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật và các chương trình hỗ trợ hết mức có thể để hỗ trợ chị Hai cùng con gái.

Theo lời vị lãnh đạo xã, sự giúp đỡ hỗ trợ cũng có hạn nên mẹ con chị Hai vẫn rất đáng thương. Bà Ba tuổi cao sức yếu, ở nhà lại phải chăm thêm 1 người con không bình thường nên tương lai của mẹ con chị Hai quả thật rất nan giải.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thiên tai về, tài sản ra đi

Hà Giang Mới đầu mùa mưa, nhưng người dân ở vùng cao Hà Giang đã phải hứng chịu 2 đợt thiệt hại do thiên tai gây ra, đau lòng nhất là đã có người tử vong.

Bình luận mới nhất