| Hotline: 0983.970.780

Giàu nhờ... bán đất

Thứ Hai 16/05/2011 , 09:30 (GMT+7)

Dù được gắn cái mác thành phố nhưng cuộc sống bà con Liêm Chung, Liêm Chính, Lam Hạ, Phù Vân (Phủ Lý, Hà Nam) vẫn cơ cực trăm bề.

Liêm Chung, Liêm Chính, Lam Hạ, Phù Vân là bốn xã thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Dù được gắn cái mác thành phố nhưng cuộc sống bà con nơi đây vẫn cơ cực trăm bề.

>> Dân nghèo nghẹt thở vì đóng góp
>> Cán bộ nhát, dân khổ
>> N +L +N = Nghèo kiết xác
>> Thế mạnh thoát nghèo là... rời làng
>> Giầu nghèo ở quê

Không bán đất chẳng mơ ngày sung túc

Cách thành phố Phủ Lý mấy bước chân, song hoàn cảnh xã Liêm Chung khác xa một trời một vực, phải hỏi đi hỏi lại người dân nơi đây ba lần chúng tôi mới tin xã thuộc thành phố vốn là tỉnh lỵ này. Tuy mang cái mác thành phố nhưng quang cảnh nơi đây tiêu điều, ảm đạm vô cùng; nhà cấp bốn xập xệ, đường xá đặt vừa bàn chân...

Phải lòng vòng khắp đường làng ngõ xóm xã Liêm Chung, chúng tôi mới tìm thấy mảng sáng trên mảnh đất nghèo xác xơ này. Thôn 4, Liêm Chung với 400 hộ dân có điều kiện kinh tế thuộc vào loại khá giả nhất xã. Trưởng thôn Lại Văn Trung bảo, ngày trước khi mới tách từ huyện Thanh Liêm sáp nhập vào Phủ Lý, thôn 4 cũng nghèo như ai. Nhưng từ ngày địa giới hành chính thành phố mở rộng, thôn 4 lại nằm sát Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ nên giá đất ở đây cứ tăng lên vùn vụt từ 500.000 đồng/mét vuông lên mươi, mười lăm lần. Nhiều gia đình nơi đây đã “đổi đời” khi chỉ cần cắt một vài khoảnh đất bán lập tức có vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Có hộ xây nhà hai ba tầng lên ở cho sướng vì bao năm sống khổ rồi, nhà khác làm cái xe máy thay cho chiếc xe đạp cà tàng cổ lô sĩ... Từ chỗ nghèo không kém gì thôn khác, thôn 4 vươn lên giàu sang nhờ cơn sốt đất.

Ông Trung đắng đót kể, do nghèo truyền kiếp nên khi có cơ hội để giàu người dân quê ông ào ào bán đất. Cạnh nhà ông Trung có ông giáo về hưu vừa bán mấy trăm mét đất được 2 tỷ đồng, ông cho mỗi đứa con vài trăm triệu làm của hồi môn, còn lại 1 tỷ đồng ông đem gửi ngân hàng mỗi tháng lãi gần 20 triệu, thi thoảng sang nhà ông Trung chơi, ông giáo thật thà bảo tiền nhiều vậy không biết tiêu cái gì cho hết khi mà tuổi của ông đã ở cái độ xế chiều...

Có được tiền bán đất, một số người dân ở thôn 4 không chọn cách gửi ngân hàng như ông giáo về hưu kia, họ xây nhà trọ cho sinh viên thuê, mỗi tháng cũng kiếm được trên dưới 10 triệu đồng tiền phòng. Nhiều người khác lại mở hàng tạp hóa, quán bán nước... cũng đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Một người dân bán nước trước cổng Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ tâm sự: “Phần đa những hộ giàu có ở thôn 4 hiện nay đều nhờ bán đất, chứ thực tình cũng chẳng buôn ngược, bán xuôi gì. Nói thật với anh, nếu không có tiền bán đất, trong mơ người nông dân chúng tôi cũng chẳng dám nghĩ mình có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay”.

Cách xã Liêm Chung không xa, Liêm Chính thuộc diện giàu nhất trong các xã của thành phố Phủ Lý. Nói về sự giàu của quê mình, ông Đỗ Đức Đoàn, Chủ tịch UBND xã Liêm Chính khoe: Xã có 1.200 hộ thì chỉ còn 35 hộ nghèo, ngân sách năm qua đạt 3 tỷ đồng, nhà cửa khang trang, đường bê tông sạch đẹp. Tưởng xã Liêm Chính giầu như thế nào ai ngờ cũng từ đất mà ra cả. Những ngôi nhà ngói, nhà cấp bốn mang đậm chất quê ở xã Liêm Chính trong chốc lát được thay thế bằng những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang đủ kiểu kiến trúc Á, Âu...

Cũng giống như Liêm Chính, Lam Hạ trước đây vốn là xã nông nghiệp, thậm chí nghèo hơn cả xã Liêm Chung, ấy vậy mà có dự án khu đô thị cùng cây cầu bắc qua dòng sông Châu nối liền xã với thành phố Phủ Lý đất ở đó cứ thế mà lên như diều gặp gió. Đất rộng mênh mông nên việc cắt vài trăm mét bán với người dân là điều dễ hiểu. Sở hữu trong tay tiền tỷ, so với làng quê chân lấm tay bùn đương nhiên người dân Lam Hạ đã được coi là giàu. Mà cũng phải thôi, “quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời” người dân xã Lam Hạ, Liêm Chính biết kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy trong tay.

Dân phố chạy ăn từng bữa

Ngay phía đối diện thôn 4, vượt qua hệ thống đường ray tàu hỏa Bắc - Nam với lổn nhổn đá dăm, chúng tôi vào thôn 1, xã Liêm Chung tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây vì đâu nên nỗi? Ông Lại Văn Thọ - Trưởng thôn 1 nghe thấy vậy nhăn nhó: “Tuy giáp thành phố Phủ Lý nhưng 90% người dân chúng tôi vẫn sống dựa vào cấy lúa, mà đất nông nghiệp ở Liêm Chung rất thấp, mỗi khẩu chỉ được một sào nên hầu hết nhà nào cũng thiếu ăn. Thời điểm hiện nay rất nhiều gia đình ở đây đã phải ăn đong ba, bốn tháng nay rồi! Anh bảo, ở quê thu nhập chẳng có mà phải ăn đong chả nghèo thì chạy đi đâu”.

Theo ông Thọ, thôn 1, Liêm Chung vốn đã nghèo lại có vô vàn nhân tố cản trở khiến nó càng nghèo hơn. Ruộng đã ít lại còn xấu nên năng suất lúa thấp. Thôn lại nằm trong đường tàu nên nó như cái “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển hàng chục năm qua. Nghề phụ tay trái, tay phải chẳng có, lực lượng thanh niên đi làm công nhân lương ba cọc ba đồng nuôi miệng chưa xong. Ông Thọ cho biết, trên tổng số 216 hộ dân của thôn 1 thì có tới 50 hộ gia đình nằm trong diện nghèo và cận nghèo, phần còn lại cũng phải chật vật lo ngày ba bữa cơm.

Hỏi một vài người dân xã Phù Vân, địa phương cũng thuộc diện nghèo nhất nhì thành phố Phủ Lý, lo sợ cái gì nhất? Hầu hết họ trả lời, sợ con cái lập gia đình ra ở riêng! Thì ra với các bậc phụ huynh ở xã nghèo này, việc xây cho con gian nhà cấp bốn bằng gạch vồ lợp ngói pờ rô xi măng cũng trở thành gánh nặng quá lớn. Mà không lo được cho con thì làm cha mẹ lại áy náy nên đành “nước đến đâu bắc cầu đến đó”.

Để chứng minh người dân quê mình nghèo đến mức nào, ông Thọ dẫn chúng tôi sang nhà hàng xóm Đỗ Thị Thanh. Chị Thanh vừa từ chợ Phủ Lý bán dứa về, trong hai sọt hàng của chị vẫn còn ế hơn hai chục quả dứa ngả màu vàng thơm phức. Bỏ chiếc nón mê khỏi đầu, chị Thanh gọi đứa con lớn xách túi cà chua vào nấu bữa trưa. Biết chúng tôi là phóng viên, chị thật thà cho biết, bữa ăn nhà chị nhiều năm nay chỉ toàn mắm muối rau rưa. Lâu lâu chị mới cắn răng mua vài lạng thịt bạc nhạc về cải thiện. Bữa cơm bình thường hàng ngày chủ yếu là rau ngoài vườn cộng với mấy quả cà chua dầm nát cho nước lõng bõng vào húp xì xụp nuốt cho dễ trôi cơm.

Nhà có mỗi sào ruộng nhưng vợ chồng chị Thanh có những 4 con, khi tất cả bốn người con của chị Thanh đến tuổi đi học thì bài toán kinh tế, thu nhập bắt đầu nặng gánh. Chồng chị Thanh làm thợ mộc thuê trên thành phố buổi đực buổi cái nên đồng lương hàng tháng cũng chỉ trên dưới 2 triệu. Chị Thanh “buôn thúng bán mẹt” từ sáng đến tối kiếm thêm được 15.000 - 20.000 đồng/ngày. Chính vì quá túng bí nên đợt bão cách đây khá lâu khiến căn nhà bé như cái chòi canh vịt của vợ chồng chị Thanh bị hư hỏng nặng, do không có tiền sửa nên đã sáu năm nay họ vẫn phải ở nhờ nhà bà nội.

Chủ tịch UBND xã Liêm Chung, Đỗ Ngọc Hiến chẳng ngần ngại thừa nhận, xã ông hiện nghèo nhất thành phố Phủ Lý. Với gần 2.000 hộ dân, tỉ lệ hộ nghèo ở Liêm Chung chiếm hơn 10%, ruộng nương ít lại xấu nên sản lượng lương thực của Liêm Chung chỉ tự túc được khoảng 60%, số còn lại hầu hết đều phải ăn đong, vào thời điểm giáp hạt như hiện nay rất nhiều hộ gia đình ở Liêm Chung đang phải chạy ăn từng bữa, và đó cũng là câu chuyện thường tình như bao năm về trước. Như lời ông Hiến chia sẻ, nếu con cái thỉnh thoảng không cho vài đồng tiền lẻ, những ông bà già ở xã Liêm Chung đến ngay cả tiền mua mắm, mua muối cũng chẳng biết kiếm đâu ra.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm