| Hotline: 0983.970.780

Dân nghèo nghẹt thở vì đóng góp

Thứ Sáu 13/05/2011 , 09:49 (GMT+7)

Cách đây không lâu, NNVN phản ánh thông tin "Xứ Thanh đói trên diện rộng". Nhiều người đã sốc trước việc có tới 214 ngàn nhân khẩu xứ Thanh bị đói. Trở lại câu chuyện này, chúng tôi tìm nguyên nhân dẫn tới cái nghèo, cái đói của người dân nơi đây.

Bố con anh Nguyễn Hữu La và người vợ bị bệnh tâm thần hơn chục năm nay

Cách đây không lâu, NNVN phản ánh thông tin "Xứ Thanh đói trên diện rộng". Nhiều người đã sốc trước việc có tới 214 ngàn nhân khẩu xứ Thanh bị đói, trong khi có số liệu cho rằng tổng sản lượng lương thực của Thanh Hóa những năm gần đây đều đạt trên 1,6 triệu tấn/năm. Trở lại câu chuyện này, chúng tôi tìm nguyên nhân dẫn tới cái nghèo, cái đói của người dân nơi đây.

>> Cán bộ nhát, dân khổ
>> N +L +N = Nghèo kiết xác
>> Thế mạnh thoát nghèo là... rời làng
>> Giầu nghèo ở quê
>> Xứ Thanh đói trên diện rộng

Choáng váng các khoản đóng góp

Dân đói đến mức như thế nhưng chính quyền một số nơi trong tỉnh Thanh Hóa vẫn thu của dân nghèo nhiều khoản đóng góp vô lý.

Chúng tôi có mặt tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương đúng lúc UBND xã này vừa họp với các ngành, đoàn thể và các thôn để thống nhất về các khoản thu trong dân ở vụ chiêm xuân. Theo một cán bộ ở đây cho biết thì các khoản thu của vụ này không có gì khác so với những năm trước.

Mặc dù lúa ngoài đồng hiện nay, một số diện tích ở gần sông Đơ, bị nhiễm mặn, chết 6- 7ha; một số diện tích tiếp giáp với sông Mã thì liên tục bị ngập úng và chất thải từ TP Thanh Hóa đổ về nên cây lúa sinh trưởng không tốt. Vậy mà, trong khi 1.254 nhân khẩu của 378 hộ dân của xã Quảng Châu đang bị thiếu gạo ăn, nhiều hộ xảy ra đứt bữa, chưa biết bấu víu vào đâu thì ở trên chính quyền đã bàn tính đến các phương án thu của dân.

Lạ thay, nhiều khoản thu đã được Chính phủ và UBND tỉnh yêu cầu bãi bỏ, không thu của dân nữa nhưng chính quyền xã Quảng Châu vẫn cứ thu suốt bao năm nay.

Theo phản ánh của người dân xã Quảng Châu, cứ sau vụ thu hoạch thì chính quyền xã sẽ đến thu các khoản đóng góp của dân mà không bỏ sót một đối tượng nào trong xã, kể cả cụ già đến trẻ nhỏ, hay người không làm ruộng, bệnh tật, ốm đau, nghèo đói hay lũ lụt, mất mùa...

Nghèo đến mức như gia đình anh Nguyễn Hữu La ở thôn Xuân Phương 2; vợ anh bị tâm thần hơn chục năm nay rồi mà xã vẫn thu biết bao nhiêu khoản đóng góp vô lý. Phải nói rằng, gia cảnh anh La nghèo đến mức kiệt quệ, tài sản trong nhà không có một thứ gì đáng giá. Vợ thì bị bệnh nặng, không có tiền thuốc thang, không đủ gạo ăn, con cái bỏ học đi làm cửu vạn, số tiền nợ 26 triệu đồng của ngân hàng và các cá nhân cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con suốt mấy năm nay mà không thể trả được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì mỗi vụ sản xuất như vậy, nhân dân Quảng Châu đều phải nộp một lượt cho xã và một lượt cho thôn.

Để bạn đọc hiểu được nỗi lòng của dân nghèo và để cho những cán bộ cấp trên thấy được sự cần thiết phải sát dân hơn nữa, thấu hiểu cho nỗi nhọc nhằn nơi quê nghèo, chúng tôi xin liệt kê các khoản dân Quảng Châu phải nộp cho chính quyền nơi đây như sau. Thu theo đầu sào: Thủy lợi phí 10kg/sào, dịch vụ thủy nông 2kg/sào, bảo vệ thực vật 3kg/sào. Thu theo đầu khẩu: quỹ văn hóa xã hội 8.000đ/khẩu, quỹ y tế dân nuôi 5.000đ/khẩu. Thu theo đầu hộ: Quỹ tình nghĩa 5.000đ/hộ, quỹ quốc phòng 10.000đ/hộ, quỹ bảo hiểm chăn nuôi 10.000đ/hộ.

Người dân Quảng Châu cho biết, nếu thời tiết thuận lợi thì sản xuất một sào lúa đạt năng suất bình quân 2,6 tạ. Nếu tính chi phí đầu tư: cày bừa 130.000đ, tiền tuốt 40.000đ, giống 100.000đ, thuốc BVTV 40.000đ, phân bón: 150.000đ đạm, 130.000đ lân và 140.000đ kali. Không kể tiền công của người dân thì tổng chi phí hết 730.000đ/sào. Như vậy, nhìn vào các khoản chi phí đầu tư để có được hạt thóc, đến danh mục thu của chính quyền xã và thôn ở Quảng Châu thì sẽ thấy một hạt thóc phải gánh biết bao nhiêu mức phí và các loại quỹ. Thử hỏi, còn đâu thóc nữa mà ăn?

Ở các thôn trong xã cũng thu theo kiểu các đầu như thế. Cụ thể, đến thôn, thu đầu sào như sau: Thủy lợi phí 7kg/sào, bảo vệ nội đồng 3kg/sào, công cán bộ 2kg/sào. Thu theo đầu khẩu: quỹ văn hóa xã hội 3kg/khẩu, quỹ hành chính đoàn thể 1kg/khẩu, quỹ phục vụ hội nghị của thôn 1kg/khẩu, quỹ môi trường 0,5kg/khẩu. Thu theo đầu hộ: cứ 6 tháng một lần thu 5kg/hộ quỹ phục vụ điện thắp sáng công cộng.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, một cán bộ thành thực nói rằng: Kể cả mất mùa thì dân cũng phải đóng góp đủ các khoản do xã và thôn đề ra. Cho nên nhiều gia đình vừa kết thúc vụ thu hoạch cũng là lúc bắt đầu đi đong nợ gạo để ăn. Ngay như nhà anh La, bắt đầu ăn gạo đong từ tháng 9 năm ngoái. Không chỉ có ăn gạo đong, hiện nhà anh còn nợ các khoản đóng góp của xã và thôn với số thóc tương đương 2,7 triệu đồng.

Anh La tâm sự: “Nhà nghèo quá, hết gạo ăn từ tháng 9/2010 nên nhiều hôm đứt bữa. Đến dịp Tết vừa rồi, gia đình được trợ cấp 45kg gạo. Sau Tết đến nay, bữa rau, bữa cháo nhưng vẫn không thể thoát ra được cảnh đứt bữa. Vợ thì bị tâm thần chục năm nay rồi. Hai đứa con lớn đã bỏ học đi làm cửu vạn nhưng chúng cũng không nuôi đủ mình. Đứa con út đang học lớp 8 nhưng cũng đang muốn bỏ vì số tiền đóng nộp cho nhà trường đến nay còn thiếu 600.000đ nữa, cô giáo cứ hỏi hoài nên ngại không muốn đi học. Tôi cũng ốm yếu, đi làm thêm được đồng nào thì lo thuốc thang và cơm cháo qua ngày cho vợ và đứa con nhỏ. Nhìn vợ ốm đau, con cái không được học hành, bữa cơm no cũng không có nên tôi thấy tủi thân vô cùng. Lam lũ mãi mà cũng không đủ ăn, bất lực quá”.

Thiếu ăn, đâu phải do anh La không chịu làm. Ở Quảng Châu, hộ anh La đâu phải là cá biệt, còn biết bao hoàn cảnh éo le như thế. Tỷ lệ 12% hộ nghèo và hiện có 378 hộ cần được cứu tế gạo khẩn cấp trong thời điểm này cũng đã nói lên rõ điều đó.

Gia cảnh chị Vũ Thị Nghiêu được anh Khanh, trưởng thôn Xuân Phương, ví là nghèo rớt mồng tơi. Cách đây 2 năm, chồng chị đi làm đồng bị cảm rồi chết. Đứa con gái lớn thương bố mẹ đành bỏ học để đi làm thuê nhưng cũng bị tai nạn mất đi. Cuộc sống gia đình chị càng túng bấn hơn khi lao động chính không còn. Chồng và đứa con gái lớn mất để lại chị và 3 đứa con thơ dại. Bốn miệng ăn trong nhà quanh năm bấu víu vào 860 m2 ruộng khoán. Chị Nghiêu nói: “Thú thực với anh, quần quật mãi mà cũng không đủ ăn. Làm chưa đầy hai sào ruộng, thóc thu được chẳng là bao nhưng lại có bao nhiêu việc nhìn vào đó. Cho nên nợ nần cứ chồng chất, bữa cơm, bữa cháo cho qua ngày mà không biết rồi đây tương lai của mấy cháu nhỏ của tôi sẽ ra sao”.

Chúng tôi không biết những lời than vãn ấy của anh La, chị Nghiêu đã đến tai cán bộ xã Quảng Châu hay chưa, còn chúng tôi khi đối mặt với họ và nhìn vào cái danh mục thu nộp sản phẩm của chính quyền ở đây thì thấy xót xa.

Thiên tai, tăng giá

Đói ở đây không phải vì người dân lười biếng hay đói một cách triền miên mà sự thật họ rơi vào thế lực bất tòng tâm. Đói đột xuất, đói trên diện rộng. Vì sao đói, có nhiều lý do nhưng xin thưa: Sản xuất vụ mùa năm ngoái gặp quá nhiều khó khăn do thời tiết hạn hán kéo dài, nhiều diện tích không cấy lúa được phải chuyển sang hoa màu ngắn ngày nhưng năng suất, sản lượng giảm.

Ở miền núi, lúa - ngô đều thất thu. Ở ven biển, nước mặn xâm thực nên ngoài diện tích lúa chết, số còn lại năng suất sụt giảm. Còn sản xuất vụ chiêm xuân năm nay rét đậm, rét hại kéo dài đã có rất nhiều diện tích lúa bị chết, phải cấy lại nên đã đẩy thời gian thu hoạch trà xuân sớm chậm hơn 15 - 20 ngày. Điều đó dẫn đến tình trạng đói giáp hạt càng diễn ra trên diện rộng hơn. Một thực tế đối với ngư dân vùng biển thời gian này là giá xăng dầu tăng cao nên ở các bãi biển Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Hoằng Hóa… phần lớn tàu thuyền không ra khơi.

Không ra khơi thì không có tiền đong gạo. Một số xã như Quảng Nham, Ngư Lộc không có một mét vuông đất để trồng lúa. Khi biển động hay giá xăng dầu tăng lên là ngư dân thất thu. Giải pháp là vay nợ lãi ngân hàng hay nợ lãi cao cắt cổ của cá nhân để vươn ra biển kiếm tôm cá về nuôi vợ con. Ấy là còn kiếm được chút ít, chứ đánh bắt không gặp may thì coi như chuyến đi đó đã tạo thêm gánh nặng nợ nần cho cả gia đình.

Những tháng gần đây, tình hình giá cả các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá, trong đó lương thực, thực phẩm tăng một cách chóng mặt nên càng làm cho đời sống của người dân thêm khó khăn hơn. Đã có không ít gia đình phải ly hương, con cái bỏ học để đi làm cửu vạn vì nhà không đủ điều kiện cho ăn học....

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm