| Hotline: 0983.970.780

Giàu chông chênh

Thứ Tư 18/05/2011 , 10:28 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, với nhiều người vụ này trở thành triệu phú nhưng cũng có thể trắng tay ở vụ sau.

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, với nhiều người vụ này trở thành triệu phú nhưng cũng có thể trắng tay ở vụ sau. Người ta gọi đó là giàu chông chênh hay giàu không bền vững. 

1. Trong số những người khá giả nhờ cây tiêu ở xã Bàu Chinh (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Lê Dũng ở ấp Tân Bình được coi là một trong số rất ít người rành rẽ kỹ thuật trồng tiêu như trong lòng bàn tay, nhất là trong việc phòng chống dịch bệnh chết nhanh. Mười mấy năm trồng tiêu, không ít lần hàng loạt vườn tiêu trong thôn, trong xã bị bệnh chết nhanh hạ gục, ông Dũng vẫn chưa từng phải đầu hàng trước căn bệnh này.

Không những thế, ông Dũng còn là người tỉnh táo trong việc lựa chọn đường đi cho riêng mình. Những năm 1996, 1997, giá cà phê lên tới 33 ngàn đồng một ký, người dân trong vùng rủ nhau ào ào chặt bỏ các loại cây trồng khác, lấy chỗ trồng cà phê. Ông Dũng không lao theo cơn lốc đó vì cho rằng nếu nhà nhà trồng cà phê, người người trồng cà phê thì sẽ có lúc cung vượt xa cầu, giá cà phê sẽ xuống dốc không phanh. Ông lặng lẽ mua giống tiêu tốt về trồng trong khu vườn rộng hơn 7 sào của gia đình. Cây cà phê ông có trồng, nhưng chỉ là cây phụ, xen lẫn giữa những nọc tiêu.

Mấy năm sau, quả đúng như dự báo của ông Dũng, giá cà phê xuống dốc thảm hại, có những thời điểm chỉ còn 4.000 đ/kg. Cái “di chứng” cà phê ấy còn dai dẳng tới mấy năm sau đó nữa, khi giá cà phê không vượt nổi 10.000 đ/kg, khiến cho nhiều hộ phải tán gia bại sản. Chẳng nói đâu xa, một người anh trai của ông Dũng, do không thể gượng dậy nổi, đã phải bán hết cả vườn cà phê để trả nợ.

Thất bại thảm hại đó của những người đua theo cây cà phê, càng củng cố thêm niềm tin cho ông Dũng trong việc gắn bó lâu dài với cây tiêu. Năm 2004, khi giá tiêu giảm mạnh xuống chỉ còn 17-18 ngàn đ/kg, nhiều hộ trồng tiêu hoang mang, bỏ bê vườn tược hoặc nháo nhào chuyển sang cây trồng khác, ông Dũng vẫn tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn tiêu một cách nghiêm túc. Ông cho rằng giá tiêu xuống rồi sẽ lại lên. Trời chẳng phụ sự bền gan đó của ông. Năm ấy, dù giá tiêu thấp nhưng nhờ năng suất cao, gia đình ông Dũng đã xây được ngôi nhà khang trang vào bậc nhất ở thôn Tân Bình.

Sành sỏi trong nghề trồng tiêu như thế, nhưng ông Dũng cũng không tránh khỏi có lúc bị thất bại nặng nề. Năm 2005, Đông Nam Bộ bùng phát hiện tượng cây vông (được trồng trong vườn làm chỗ bám cho cây tiêu) bị chết như ngả rạ do một căn bệnh mà đến giờ người trồng tiêu vẫn chưa rõ nguyên nhân. Đám vông trong vườn nhà ông Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Năm sau, một cơn bão quét qua làm cho những cây vông đã chết nhất loạt đổ rạp xuống.

Ông Dũng đành phải đi tìm mua cây mới thay thế. Nhưng ông tìm đỏ mắt mà chẳng ra, vì đợt dịch bệnh tai ác đó đã khiến cho cây vông gần như “tuyệt tích giang hồ” không chỉ ở Châu Đức, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn ở khắp vùng Đông Nam Bộ. Ông Dũng đành phải đi mua gom cây bông gòn ở các vườn tiêu khác về thay thế, dù biết do tiêu ở những vườn đó bị bệnh chết nhiều nên họ mới phải bán cây bông gòn đi (cây bông gòn cũng được dùng làm nọc tiêu). Biết thế, nhưng ông Dũng lại chủ quan, không dùng thuốc xử lý thân cây bông gòn, nhất là những chỗ đã từng có cây tiêu bị chết bám vào, nên khi trồng vào vườn mình, những cây tiêu của ông có vẻ… chê, không thèm ôm chặt vào cây bông gòn như với cây vông trước đây.

Mà cái giống tiêu rất lạ, cứ phải ôm chặt vào cây nọc như tình nhân quấn quýt lấy nhau thì mới cho nhiều trái được. Vườn tiêu nhà ông Dũng, từ sau cái năm thay nọc vông bằng nọc bông gòn, năng suất đã tụt ào xuống chỉ còn bằng phân nửa so với trước. Năm nay, trên 7 sào vườn, ông thu được 2 tấn tiêu. Nếu là trước đây, phải thu tới 4 tấn. Tính ra, vì bị giảm mạnh năng suất mà đến giờ vẫn chưa phục hồi lại được, năm nay nhà ông Dũng thất thu chừng 200 triệu đồng tiền tiêu.

2. Ở Bàu Chinh, ai cũng phục ông Phan Văn Nghi, trưởng thôn Tân Xuân, về sự chịu khó, hay lam hay làm. Vườn nhà ông đứng trên một sườn đồi thấp, đầy sỏi đá, nước nôi chẳng có. Vậy mà trong 30 năm qua, chỉ bằng đôi tay của mình, ông đã biến cái sườn đồi cằn cỗi ấy thành một khu vườn xanh mướt màu lá tiêu, lá cà phê. Đất sườn đồi là thứ đất xấu, nhưng mỗi năm, trên diện tích 8,6 sào, ông vẫn thu về 1,5 tấn tiêu. Sản lượng ấy, chẳng dám sánh với đất vườn trong thôn, trong xã, nhưng với đất đồi xấu, cũng có thể coi là một thành tích đáng ghi nhận.

Nhưng vụ tiêu này, ông Nghi lại thất thu lớn, khi chỉ hái về được vỏn vẹn có 2 tạ tiêu, giảm tới 7 lần rưỡi so với trước đây. “Vườn nhà tôi bị bệnh chết nhanh tàn phá hết rồi. Nên chỉ còn thu được chừng ấy thôi”, ông Nghi than. Cùng ông ra vườn, chúng tôi thấy những thân tiêu chết khô còn nằm rải rác khắp nơi. Thấy vậy, anh Tứ - cán bộ xã đi cùng tôi, không khỏi giật mình, vội nhắc gia chủ: “Bác Hai, sao không dứt hết mấy cây tiêu chết đem hủy đi? Để vậy, khác gì lưu mầm bệnh lại trong vườn để lây lan sang những cây khác”. Ông Nghi chặc lưỡi: “Dạo này lu bu việc thôn, việc xã quá, để đó rồi tính”.

Nhìn một lượt qua gốc những cây tiêu còn sống, anh Tứ lại không khỏi ái ngại khi thấy phân hóa học trắng cả mặt đất: “Sao bác không xới đất lên chừng 5 phân, rải phân xuống rồi lấp lại mà cứ rải luôn trên mặt đất như thế? Rải phân thế này tưới nước là phân trôi hết, lãng phí lắm”. Ông Nghi gãi đầu: “Mấy bữa nay tôi lu bu quá. Việc rải phân mình vợ tôi lo không à”.

Nghe ông Nghi nói vậy, tôi chợt nhớ lại lúc ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Ngà, trưởng thôn Tân Bình cách đó vài tiếng đồng hồ. Ông Ngà bảo dân Tân Bình nhiều người làm tiêu đã lâu năm, có của ăn của để nhờ cây tiêu, nhưng vẫn chủ quan, lơ là, chưa nắm vững nhiều kỹ thuật canh tác cơ bản. Chẳng hạn, trong việc bón phân cho cây tiêu, nhiều hộ vẫn nặng về phân hóa học (dễ tạo điều kiện bùng phát bệnh trên tiêu), và rải phân thẳng xuống mặt đất chỗ gốc cây. Rải phân như thế chẳng khác nào ném tiền xuống đất vì cứ tưới hoặc mưa là phân sẽ trôi sạch.

3. Nhưng nỗi sợ lớn nhất với dân trồng tiêu ở xã Bàu Chinh là nguy cơ dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh. Đi một vòng qua các ấp, chúng tôi nhận thấy những người thiết kế vườn tược một cách bài bản, luôn tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tiêu như ông Lê Dũng là khá hiếm. Còn những hộ khác, dù là những hộ thường xuyên có năng suất, sản lượng cao, và đã phất lên nhờ cây tiêu, khả năng xảy ra dịch bệnh vẫn rất lớn.

Mà khổ nỗi, cái bệnh chết nhanh đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp nào chữa trị được. Thành ra, cây tiêu dù đang mang lại đời sống sung túc cho không ít hộ nông dân Châu Đức, nhưng bất cứ một nông hộ nào, chỉ một chút chủ quan, một chút lơ là, cũng vẫn có thể tay trắng, phá sản như thường khi chỉ sau một đêm ngủ dậy ra vườn, thấy tiêu đã “lăn” ra chết như ngả rạ.

Ngay vườn tiêu của ông Nguyễn Ngà, nhờ làm trưởng thôn mà có điều kiện tiếp cận với các lớp khuyến nông, bản thân lại chịu khó học hỏi các kỹ thuật trồng tiêu, nhưng cách đây mấy năm cũng bị mất tới 80% vườn tiêu vì bệnh chết nhanh. Ông Ngà thổ lộ: “Trước đó, dù được khuyến cáo không nên lạm dụng phân hóa học, nhưng tôi vẫn không tin. Chỉ đến khi dịch bệnh làm gần như mất trắng cả vườn, tôi mới chuyển sang dùng phân chuồng. Nhờ đó, vườn tiêu đã dần phục hồi nhưng năng suất vẫn chưa thể nào được như ngày trước”.

Sau mấy đợt tiêu chết hàng loạt, rồi những lần liêu xiêu vì giá tiêu xuống thấp, dân trồng tiêu ở Bàu Chinh đã chuyển từ chuyên canh sang xen canh giữa tiêu với cà phê. Đây cũng là mô hình đang được phổ biến trong cả huyện Châu Đức. Anh Liêm, cán bộ Phòng NN- PTNT Châu Đức, cho biết: “Mô hình trồng xen, trước hết giúp nông dân giảm được rủi ro về giá cả. Bởi khi giá tiêu thấp thì có giá cà phê bù lại hoặc ngược lại. Trồng xen sẽ khiến cho mật độ cây tiêu trong vườn được thưa ra, giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cây cà phê lại có khả năng hút nước tốt, nên sẽ giúp cho cây tiêu bớt được nguy cơ úng ngập”. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân đã giúp cho tình hình dịch bệnh trên tiêu ở Châu Đức có phần dịu lại trong 2 năm qua. Tuy nhiên, bệnh chết nhanh vẫn luôn tiềm ẩn trong các vườn tiêu và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, kể cả trong vườn của những nhà nông vốn được tiếng là kỳ cựu, giỏi nghề trồng tiêu.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nông dân Quảng Trị ra đồng diệt chuột, bắt ốc bươu vàng

Hàng trăm nông dân huyện Vĩnh Linh đã ra đồng vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, vệ sinh đồng ruộng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm