| Hotline: 0983.970.780

Đại gia chuỗi cá tra biến mất: Bàn giải pháp gỡ khó cho nông dân

Thứ Năm 16/02/2017 , 09:50 (GMT+7)

Sáng 15/2, GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa chủ trì cuộc họp với các hộ nuôi cá tra thực hiện chuỗi liên kết Tafishco, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Dự họp có các thành viên trong “Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco”, thành lập theo quyết định ngày 13/2 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Đại diện 11 hộ nuôi cá có mặt, thiếu 1 hộ theo giấy mời.

Thống kê bước đầu, Tafishco (Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) nhận cá từ các hộ nuôi theo chuỗi để chế biến xuất khẩu, có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sau khi vợ chồng bà chủ Tafishco Nguyễn Thị Huệ Trinh biến mất, người được ủy quyền điều hành Tafishco đã mở kho 700 - 800 tấn cá tra phi-lê trả cho nông dân để giảm nợ, nên hiện còn nợ 10 hộ hơn 82 tỷ đồng. Bên cạnh, 12 hộ nuôi cá nợ Agribank An Giang 129 tỷ đồng nhưng sau đó có 2 hộ trả được hơn 23 tỷ, nên các hộ còn nợ khoảng 106 tỷ.

Tại cuộc họp, các hộ nuôi cá yêu cầu, khoản tiền cá Tafishco nợ bà con được chuyển sang trách nhiệm của Tafishco trả Agribank An Giang để giảm nợ cho bà con, như đã thực hiện chuỗi liên kết mấy năm qua.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang, thành viên Tổ xử lý, cũng cho rằng việc xử lý nợ cần tuân theo hợp đồng nguyên tắc thực hiện chuỗi liên kết đã ký giữa ba bên: Agribank An Giang, Tafishco và hộ nuôi cá. Đó là, khoản tín dụng cho vay nuôi cá tra từ hộ nông dân, sau khi cá bán cho Tafishco thì trở thành nợ của Tafishco với Agribank An Giang; Tafishco chế biến xuất khẩu, lấy tiền từ khách hàng về trả nợ ngân hàng. Trong lúc, đại diện ngân hàng lại muốn xử lý nợ vay độc lập từng hợp đồng tín dụng, giữa ngân hàng và hộ nuôi cá, nghĩa là hộ nuôi cá phải trực tiếp trả nợ.

Tình hình nợ của Tafishco rất phức tạp, chỉ 12 hộ nuôi theo chuỗi liên kết đã có nhiều khoản chồng chéo, khó tách bạch. Bên cạnh, Tafishco còn nợ tiền cá nhiều hộ nuôi ngoài chuỗi liên kết và nợ các bạn hàng khác, thuế, bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Tafishco còn nợ nhiều ngân hàng, thống kê sơ bộ hiện nay, nợ Agribank An Giang hơn 500 tỷ đồng, hai ngân hàng khác khoảng 250 tỷ đồng.

Dù việc xử lý nợ của Tafishco rất khó khăn nhưng các thành viên Tổ xử lý dự họp sáng 15/2 đều bày tỏ phải bảo vệ quyền lợi của các hộ nuôi cá thực hiện chuỗi liên kết. Bởi đây là bước cơ bản tạo thuận lợi cho những bước tiếp theo xử lý nợ của Tafishco, góp phần bảo vệ ngành cá tra ổn định. Cuộc họp nêu ra một số hướng nghiên cứu để ngày 21/2, Tổ xử lý họp quyết định phương án chính thức.

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách

Bến Tre Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách được tổ chức từ ngày 8/1 - 12/1/2025 với chủ đề 'Sắc màu Chợ Lách', Agribank Bến Tre vinh dự là một trong những đơn vị đồng hành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.