Vụ án thao túng đất vàng tại Bình Dương, đang được Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa ra xét xử. Vụ án có một dàn bị cáo nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Cành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc, cựu Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương Trần Xuân Lâm...
Thế nhưng, bị cáo gây bất ngờ nhất khi cho lời khai tại phiên tòa là Dương Đình Tâm. Được xác định nắm giữ 45% cổ phần của Công ty Âu Lạc (đơn vị liên doanh với Tổng Công ty 3-2 trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương để mua rẻ 43 ha đất vàng) nhưng bị cáo Dương Đình Tâm khẳng định bản thân chỉ là một người bán thịt heo.
Vậy thì tiền đâu để bị cáo Dương Đình Tâm đứng tên sở hữu 45% cổ phần của Công ty Âu Lạc? Tài liệu được chủ tọa phiên tòa công bố hé lộ, chính bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể của bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 3-2) đã nhờ bị cáo Dương Đình Tâm đứng tên.
Không ai mỉa mai gì một người bán thịt heo biết dùng tài sản tích cóp để góp cổ phần vào một đơn vị kinh tế. Nếu người thịt heo có được những đồng tiền lương thiện và có ý thức vươn lên thì càng đáng biểu dương. Đáng tiếc, bị cáo Dương Đình Tâm không hề có tiền nhàn rỗi để đầu tư. Bị cáo Dương Đình Tâm đóng vai đại gia, mà ngạo nghễ trở thành cổ đông lớn của Công ty Âu Lạc đều do sự giật dây của bị cáo Nguyễn Đại Dương.
Công ty Âu Lạc vướng vào một thương vụ phạm pháp, và bị cáo Dương Đình Tâm sa vào lao lý cũng là một bài học đắt giá. Đứng tên dùm tài sản của người khác, mà không rõ nguồn gốc tài sản ấy thì tai ương khó tránh khỏi. Tuy nhiên, câu chuyện đại gia thao túng đất vàng có nghề bán thịt heo lại cảnh báo thực trạng tham nhũng có thể kéo theo những hoạt động rửa tiền mờ ám.
Khi một người bán thịt heo cũng được nhờ đứng tên sở hữu 45% cổ phần của một doanh nghiệp có khả năng chi phối 43 ha đất vàng, thì liệu thân nhân của các quan chức có vô tư ở ngoài vòng xoáy “ho ra bạc, khạc ra tiền” không?
Làm sao bảo đảm những khoản hối lộ nào đó không được che đậy bằng các loại cổ phiếu hoặc tín phiếu có giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được khéo léo núp bóng ông bán phở hoặc bà bán xôi?
Khi xã hội còn phổ biến thói quen sử dụng tiền mặt và các giao dịch tài chính vẫn chưa hoàn toàn vận hành thông qua hệ thống ngân hàng, thì chắc chắn sẽ còn xuất hiện những người bán thịt heo được nhờ cậy đứng tên sở hữu tài sản nhằm phục vụ những mục đích đê hèn từ các liên minh ma quỷ có bàn tay sắp xếp của quan chức suy đồi. Cho nên, các hoạt động thanh tra và kiểm soát đối với doanh nghiệp có liên quan đến công sản, cần phải được thực hiện một cách thường xuyên và nghiêm túc.