| Hotline: 0983.970.780

Đại tướng không quên những người xung quanh

Thứ Năm 10/10/2013 , 09:54 (GMT+7)

Là con trai của cố nhà văn Hữu Mai, nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt có may mắn được tiếp xúc nhiều lần với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh chia sẻ với độc giả Báo NNVN một vài kỷ niệm bằng tấm lòng tôn kính sâu sắc với Đại tướng.

Cố nhà văn Hữu Mai (tác giả của hơn 60 đầu sách được in) là người thể hiện những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như các hồi ký: “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970), “Chiến đấu trong vòng vây” (1995), “Đường tới Điện Biên Phủ” (1999), “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (2000).

Trước khi qua đời, nhà văn đã kịp hoàn thành tác phẩm cuối cùng, được coi là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ có tựa đề “Không phải huyền thoại”.

Là con trai của cố nhà văn Hữu Mai, nhà thơ, nhà báo Trần Hữu Việt (ảnh) có may mắn được tiếp xúc nhiều lần với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh chia sẻ với độc giả Báo NNVN một vài kỷ niệm bằng tấm lòng tôn kính sâu sắc với Đại tướng.

Luôn phục tùng nguyên tắc của tổ chức

Thưa anh, kỷ niềm đầu tiên của anh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế nào?

Đó là năm tôi 10 tuổi, được cha cho theo ra Đồ Sơn (Hải Phòng) trong một chuyến ông đi làm việc với Đại tướng. Ở tuổi đó, tôi còn chưa biết gì, chỉ thấy háo hức được đi tắm biển. Một hôm trời xẩm tối, mọi người chuẩn bị đi ăn cơm thì thấy một chiếc xe com-măng-ca xịch đỗ trước cửa nhà ăn. Đại tướng đến thăm nơi ăn chốn ở của những người giúp việc của mình. Mọi người ùa ra đón ông. Tôi chạy theo và đứng núp sau lưng cha. Từ xa, tôi nhìn thấy Đại tướng bước xuống với khuôn mặt tươi sáng và một nụ cười hiền từ.

Đã 40 năm rồi nhưng không hiểu sao trong trí nhớ còn non nớt của mình tôi không bao giờ quên được nụ cười đó. Có lẽ vì sau này tôi còn nhiều lần được thấy nụ cười ấy, nụ cười mà một nữ ký giả nước ngoài sau khi làm việc với ông đã thốt lên: “Chưa bao giờ gặp một nụ cười đẹp như thế!”

Mọi người vui vẻ nói chuyện, tôi khép nép đứng phía sau, không hiểu sao ông vẫn nhìn thấy, vẫy tay gọi tôi lại gần. Ông chìa tay ra cho tôi bắt như người lớn, xoa đầu và hỏi: Cháu học lớp mấy, học có giỏi không? Nhớ cố gắng phải học cho giỏi! Giữa một đám đông, ông không bao giờ quên những thân phận bé nhỏ, những người bình thường nhất. Tôi nghĩ rằng, đó là một trong những phẩm chất của vĩ nhân và điều đó minh chứng vì sao ông luôn được nhân dân yêu mến đến như vậy.

Sau này anh có gặp được Đại tướng nhiều lần không?

Sau này tôi theo nghề của cha, viết văn, làm báo và có nhiều cơ hội được gặp Đại tướng cả với tư cách người làm báo lẫn làm con của người thường xuyên làm việc với ông. Với lớp hậu sinh, ông luôn dành cho những cử chỉ ân cần, lắng nghe và tôn trọng. Ông có một trí nhớ tuyệt vời, những chuyện xảy ra nhiều năm trước mà ông vẫn nhớ đến từng chi tiết. Ông hay nói đùa vui để làm xua tan đi cảm giác e ngại ban đầu của người đối thoại trước vị Tổng tư lệnh huyền thoại. Điều mà tôi cảm nhận được từ lần đầu găp ông, càng ngày tôi càng thấy rõ. Đó là ông không bao giờ quên những người làm việc phụ, những người dân bình thường ở giữa đám đông.

Tôi kể một chuyện nhỏ làm ví dụ. Hôm đó, mấy anh em báo chí đưa chị Ngô Thị Thương vào gặp Đại tướng. Chị là o dân quân đã tìm ra cách đánh máy bay địch bay tầm thấp, góp phần đập tan chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Bạn phóng viên ảnh làm việc toát mồ hôi vì ai cũng muốn được chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng. Đột nhiên, Đại tướng chỉ vào phóng viên này, nói: “Ở đây còn một đồng chí này chưa được chụp ảnh với tôi” và gọi: “Cháu vào đây chụp với bác!” Bạn phóng viên ấy khi về cảm động lắm. Còn chúng tôi thì cũng học được một bài học ý nghĩa từ câu chuyện này.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có nói rằng: Đại tướng là người luôn tôn trọng chỉ đạo của Bác Hồ và Bộ Chính trị. Nhưng đồng thời, Đại tướng cũng là người có trình độ độc lập, tự lập, tự cường rất cao. Ý kiến của anh về điều này như thế nào dưới góc nhìn của một nhà báo đã có nhiều lần được tiếp xúc, trò chuyện và viết bài về Đại tướng?

Đảng, Nhà nước, nhân dân và đồng chí, đồng đội đều ghi nhận và biết ơn công lao to lớn của Đại tướng trong cuộc chiến tranh vệ quốc và sự nghiệp xây dựng đất nước. Bạn bè thế giới cũng vậy. Ở nhiều nước, 3 tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp vang lên như là một biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc.

Tôi chỉ là một người làm báo, không dám lạm bàn sang chuyện quân sự, chỉ xin chia sẻ một kỷ niệm rất nhỏ thôi. Có một lần Đại tướng và phu nhân đến thăm cha mẹ tôi, ăn cơm cùng gia đình và ở lại nghỉ trưa trên tầng 2. Khi đi từ cầu thang tầng 2 xuống phòng khách ở tầng 1, ông vẫy tay gọi tôi lại gần cho ông vịn vào vai. Ông bảo: “Bác tự đi được, nhưng từ khi anh Trường Chinh (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) bị ngã, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương yêu cầu khi lên xuống cầu thang phải có người đi cùng. Đó là quy định nên bác phải chấp hành”.


Vợ chồng nhà văn Hữu Mai trong lần đến nhà thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
và phu nhân

Chi tiết nhỏ như vậy thôi nhưng cũng đã nói lên tính nguyên tắc, tôn trọng công việc chuyên môn của người khác, dù đó là cấp dưới. Điều này cũng đã được bác sĩ trực tiếp chăm sóc Đại tướng những năm tháng cuối cùng kể với báo chí.

Sẽ viết về Người

Tôi được biết, cố nhà văn Hữu Mai là người thể hiện những hồi ký của Đại tướng và trước khi qua đời, nhà văn vẫn kịp hoàn thành một cuốn tiểu thuyết của riêng mình, được coi là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh vui lòng chia sẻ đôi điều xung quanh cuốn tiểu thuyết “Không phải huyền thoại” này được không?

Cha tôi có hơn 30 năm làm việc với Đại tướng để giúp ông thể hiện các tập hồi ký. Tôi được biết cha mong muốn viết một bộ sách bao quát toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta mà nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếc rằng mong muốn thì nhiều, mà đời người lại hữu hạn.

“Không phải huyền thoại” là cuốn tiểu thuyết cuối cùng, nhưng nó mới chỉ là khởi đầu cho dự định trên của cha tôi. Ông đã thai nghén bộ sách này từ rất lâu và bắt tay vào viết trong khoảng 4 năm cuối đời của mình. Sau khi cha tôi mất, tôi đã tìm thấy file mềm trong máy vi tính của ông. Khi tôi đề xuất việc in sách với nhà xuất bản thì đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Sau khi cuốn sách ra đời, ngoài cuốn đầu tiên chúng tôi đặt lên bàn thờ của cha để thắp hương báo cáo với ông, cuốn thứ hai tôi và mẹ tôi mang vào nhà riêng kính biếu Đại tướng. Ông rất vui và xúc động. Sau đó ông viết một lá thư ngắn như muốn để lại lưu bút, khen ngợi và cổ vũ một nhà văn đến phút cuối đời vẫn bền bỉ làm việc. Lưu bút ấy, gia đình chúng tôi vẫn trân trọng giữ, sau khi để lên bàn thờ thắp hương “kính báo” với cha.

Cùng làm báo với nhau nhưng rõ ràng anh thuận lợi hơn chúng tôi rất nhiều trong kho tàng tư liệu và kỷ niệm về Đại tướng. Xin hỏi anh, toàn bộ các hồi ký và cuốn tiểu thuyết lịch sử của cố nhà văn Hữu Mai đã tái hiện đầy đủ quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng chưa?

Tôi nghĩ rằng cha mình mới làm được một phần nhỏ của công việc đó. Phần còn lại, tôi hy vọng rằng những thế hệ cầm bút sau này sẽ tiếp tục. Và cũng chưa biết bao giờ mới hết, bởi vì còn quá nhiều điều cần được viết ra, về ông - Đại tướng Tổng tư lệnh của một đội quân đã đánh thắng quân xâm lược của hai cường quốc, một nhà giáo giục, một học giả và một nhà tư tưởng.

Vâng, trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

“Thông thường vào dịp kỷ niệm những chiến thắng lớn của đất nước, chúng tôi lại đến gặp Đại tướng để được phỏng vấn và nghe ông nói chuyện. Mỗi lần như thế, khi nhắc đến những người lính đã hy sinh ông đều rơi nước mắt. Ông nghẹn ngào nói: “Tôi nhớ đến những bà mẹ, những chiến sĩ đã hy sinh, họ chính là những chàng trai Phù Đổng của thời đại ngày nay hiến dâng thân mình cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Những khi ấy, cuộc phỏng vấn thường bị gián đoạn khá lâu…”, nhà báo Trần Hữu Việt nhớ lại.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm