Ngành nông nghiệp tăng trưởng dù chịu ảnh hưởng của đại dịch
Đăk Lăk là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương buôn bán, hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; được chọn quy hoạch thành trung tâm kinh tế chính trị xã hội của vùng Tây Nguyên. Địa phương này cũng là nơi tập trung các cơ quan hành chính cấp vùng.
Đăk Lăk hiện có 650.000ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước); hơn 60% dân số sống bằng nghề nông nghiệp là một nguồn nhân lực dồi dào; địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó có gần 300.000ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất; khí hậu ôn hòa, có gần 42.000ha mặt nước. Nhiều loại nông sản của Đăk Lăk có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, trái cây, mật ong, cá nước lạnh…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm.
Sản xuất nông nghiệp 2021 vẫn phát triển ổn định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp; các chỉ tiêu tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2010 tăng 3,75% so với năm 2020 (cao gấp 1,33 lần so với bình quân cả nước). Trong đó, nông lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao được chú trọng; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu… Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có kinh nghiệm, chủ động, nhiệt tình, gắn bó với công việc, luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, địa phương này cũng còn nhiều có khó khăn như giá đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp; hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi vẫn diễn ra, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho giá bán một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giảm thấp, công tác vận chuyển và tiêu thụ hết sức khó khăn đã tác động trực tiếp đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp; Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, sản phẩm nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp.
Tái cơ cấu nông nghiệp triển khai chưa mạnh mẽ, chưa đồng đều ở các địa phương. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng.
Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Công tác quản lý, sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập; chất lượng vệ sinh ATTP nông sản vẫn chưa đảm bảo. Nhiều nội dung quan trọng của ngành triển khai thời gian sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của; tuy nhiên, hiện nay quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt nên trong quá trình triển khai đã gặp khó khăn, vướng mắc.
Thu hút các nhà đầu tư chế biến sâu
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, địa phương đã thực hiện 9 chính sách để cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trong đó, Đăk Lăk xác định sản xuất theo chuỗi là hướng đi tất yếu; xác định rõ các sản phẩm chủ lực dựa trên lợi thế từng vùng, để tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác; ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng đồng nhất, có thương hiệu.
Đặc biệt, Đăk Lăk chú trọng phát triển, xây dựng các sản phẩm OCOP. Xác định cà phê là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản, hướng đến mục tiêu “Đăk Lăk là điểm đến của Cà phê thế giới”. Từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỉ lệ sơ chế và xuất thô.
Địa phương này cũng thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực bảo quản, chế biến, thương mại nông lâm sản, Logistic. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, qua đó kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân được ổn định, bền vững, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, bảo quản; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh.
Địa phương này thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, đề xuất kiến tạo hành lang pháp lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, các quy trình số hóa trong chuỗi giá trị nông sản và kết nối đồng bộ với xã hội với các ngành kinh tế, tạo bệ phóng để chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả trong nông nghiệp. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai áp dụng các phần mềm, các mô hình ứng dụng chuyển đổi số đã có hiệu quả trong thực tế để nâng cao hiệu kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bền vững, giảm khoảng cách giữa các vùng, lấy dân cư nông thôn làm chủ thể, lấy sản xuất và thu nhập gia tăng, ổn định của người dân làm nền tảng; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn buôn.
Theo ông Vũ Đức Côn, trong những năm qua tỉnh Đăk Lăk đã tích cực tham mưu, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân, đây là giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm cho người dân.
Với nhiều cố gắng, đã có một số nhà đầu tư đến tỉnh đặt vấn đề xin đầu tư vào chăn nuôi, chế biến nông sản lớn như: Công ty Sapo đầu tư nhà máy chế biến trái cây, rau, củ quả; Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư dự án chăn nuôi lợn; Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư Mgar; HTX giảm nghèo Ea Súp đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tại huyện Ea Súp; Công ty trái cây Daclac Farm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu, Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam đầu tư nuôi cá tầm tại huyện Lăk....
Từ năm 2010 đến nay, có 73 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được UBND tỉnh Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: 15 dự án về lĩnh vực trồng trọt, 11 dự án về lĩnh vực chăn nuôi, 21 dự án về lĩnh vực lâm nghiệp, 2 dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, 24 dự án về lĩnh vực chế biến nông lâm sản.
Hiện nay có 33 dự án đang thực hiện các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt, gồm: 10 dự án về lĩnh vực chăn nuôi, 15 dự án về lĩnh vực lâm nghiệp, 1 dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, 7 dự án về lĩnh vực chế biến nông lâm sản.
“Mặc dù số lượng nhà đầu tư lớn vào tỉnh còn ít, nhưng đây là tín hiệu tốt để tỉnh tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hơn nữa để kêu gọi nhiều hơn các nhà đầu tư đến đầu tư trong hoạt động nông nghiệp của tỉnh. Việc này giúp cho ngành nông nghiệp tạo sự chuyển biến, phát triển hơn, nhất là tạo ra các sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước”, ông Côn chia sẻ.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT mới đây, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã kiến nghị Trung ương cần có những biện pháp để giải quyết vấn đề rừng khộp nghèo kiệt của các công ty, nông lâm trường quản lý không mang lại giá trị kinh tế nhưng không được chuyển đổi. Một số doanh nghiệp đầu tư vào Đăk Lăk nhưng vướng mắc rất nhiều liên quan đến đất nông lâm trường. Do đó, Đăk Lăk kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp. Đăk Lăk rất mong các doanh nghiệp, nhà khoa học cùng với địa phương chung tay xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Để từ đó giảm đầu tư vào sản xuất mà nâng cao giá trị, đời sống của người dân.