| Hotline: 0983.970.780

Thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư phát triển nông nghiệp tại Việt Nam

Chủ Nhật 17/04/2022 , 17:41 (GMT+7)

Hoạt động đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chụp hình lưu niệm với Công ty Charmfre.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chụp hình lưu niệm với Công ty Charmfre.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc mới đây, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty TNHH Nông nghiệp Hi -Tech Farm (thuộc Tập đoàn Royal K), Công ty Charmfre và Công ty Lâm nghiệp SK (thuộc Tập đoàn SK).

Mục đích của các cuộc làm việc này là nhằm thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo đúng định hướng hơp tác chiến lược nông nghiệp giữa 2 nước.

Tại phiên làm việc với Tập đoàn Royal K Hàn Quốc, Chủ tịch tập đoàn Royal K Ko Young Hak cho biết, tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu, ứng dụng về nông nghiệp công nghệ cao. Royal K đã có những bước tìm hiểu, trao đổi với nông nghiệp Việt Nam từ năm 2019, và cùng ký Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về triển khai dự án nông nghiệp thông minh vào tháng 2.2020 giữa Công ty TNHH Hi-Tech Farm (thuộc Tập đoàn Royal K) với tỉnh Cao Bằng.

Hai bên đã cùng chia sẻ thông tin, thống nhất được một số dung, phương hướng và những công việc mà hai bên cần chuẩn bị để hoàn thiện Dự án đầu tư trang trại thông minh của Công ty Hi - Tech Farm. Dự án có tổng mức đầu tư 22 triệu USD, với quy mô 30 ha, trong đó sản xuất Dâu Tây giống King’s Stawberry với diện tích 1 ha.

Diện tích còn lại sẽ xây dựng khu trang trại mở, trung tâm phát triển hạt giống và các công trình phụ trợ. Ngoài Cao Bằng, Hi - Tech Farm cũng đã chủ động khảo sát và đề xuất hợp tác với một số địa phương khác tại Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Ấn tượng về công nghệ, các tiếp cận của Hi-Tech Farm đã và đang ứng dụng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, cách tiếp cận này không chỉ phù hợp với Hàn Quốc mà còn với nhiều nước khác. Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, cạnh tranh đất đai trong không gian nông nghiệp cũng diễn ra rộng trên cả nước. Do đó, nhu cầu áp dụng công nghệ như Hi-Tech Farm rất quan trọng tại Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị Tập đoàn Royal K sớm đẩy mạnh xây dựng các dự án đầu tư tại Việt Nam, và cam kết đồng hành, hỗ trợ cho các dự án đó.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm Nhà máy sản xuất Dâu Tây công nghệ cao, mô hình khép kín của Tập đoàn Royal K.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm Nhà máy sản xuất Dâu Tây công nghệ cao, mô hình khép kín của Tập đoàn Royal K.

Tại phiên làm việc, Công ty TNHH Hi-Tech Farm (thuộc Tập đoàn Royal K) và Văn phòng Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh. Bản Ghi nhớ hợp tác sẽ là tiền đề và nền tảng để thúc đẩy hợp tác và phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Công ty Charmfre là đơn vị chuyên kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến gà. Đây là công ty đầu tiên tại Hàn Quốc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại của châu Âu từ khâu chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gà, giết mổ, sơ chế đến chế biến thành phẩm, đóng gói và lưu kho tự động; cũng là đơn vị đầu tiên quan tâm đến chế độ phúc lợi cho gia cầm (điều kiện về nuôi, giữ và khai thác phù hợp, giảm hoặc không gây đau đớn không cần thiết khi khai thác và thí nghiệm). Các sản phẩm đặc trưng, tiêu thụ tốt nhất của công ty là gà muối, gà hầm sâm và gà tươi.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, đại diện công ty Charmfre cho biết, từ 5 năm trước, công ty đã có những khảo sát, lên kế hoạch nhắm tới thị trường Việt Nam. Sau hơn 2 năm phải tạm dừng vì dịch Covid-19, công ty dự kiến đến cuối năm nay sẽ tiếp tục khảo sát thị trường và lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Công ty đề nghị Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và các bên liên quan tạo điều kiện, thủ tục thông thoáng và các ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư như giao đất, hỗ trợ phát triển thị trường… để công ty có thể sớm đầu tư.

Charmfre tin rằng, sự tham gia của họ sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam và phát triển ngành nghề cho khu vực nông thôn. Đồng thời, phía Công ty cũng bày tỏ sự sẵn sàng trong chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp và nông dân Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tiếp và làm việc với ông InBo Chung - Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp SK.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tiếp và làm việc với ông InBo Chung - Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp SK.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, việc tạo điều kiện và ưu đãi cho doanh nghiệp FDI là chủ trương chung của Chính phủ Việt Nam. Bộ Nông nghiệp mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng tập chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao, đầu tư có chiều sâu chứ không chỉ kêu gọi đầu tư những dự án chạy theo quy mô và số lượng.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư và nhấn mạnh, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam, cả về trình độ chế biến, trình độ khoa học công nghệ và bảo đảm môi trường.

Tại phiên làm việc với Công ty Lâm nghiệp SK (thuộc Tập đoàn SK), Chủ tịch Công ty Inbo Chung cho biết, SK là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc,  hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ viễn thông đến hóa chất, trong đó rất chú trọng đến mảng phát triển lâm nghiệp. SK đã từng phối hợp với tỉnh Trà Vinh ký Biên bản ghi nhớ dự án Phục hồi rừng ngập mặn năm 2018. Bên cạnh hoạt động trồng cây phục hồi rừng ngập mặn, SK còn thành lập Doanh nghiệp xã hội “Manglub”, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Trà Vinh.

SK sẽ tiếp tục dự án trồng cây phục hồi diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam như một phần của mục tiêu thực hành quản lý ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Bên cạnh đó, SK I rất quan tâm đến các dự án hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng, thương mại chứng chỉ carbon cho khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam.

Tập đoàn coi đây là mảng đầu tư mới và có tiềm năng rất lớn không chỉ về mặt kinh tế, mà còn để thực hiện các trách nhiệm xã hội và môi trường đã cam kết. Với việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và bảo vệ tài nguyên, đo đạc và cấp chứng chỉ carbon, SK kỳ vọng không chỉ triển khai đầu tư xanh, giảm phát thải carbon đối với lĩnh vực lâm nghiệp, mà có thể nhân rộng sang các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Min Park - TGĐ Công ty Hi-tech Farm ký và trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) và Công ty Hi-Tech Farm (thuộc Tập đoàn Royal K).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Min Park - TGĐ Công ty Hi-tech Farm ký và trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) và Công ty Hi-Tech Farm (thuộc Tập đoàn Royal K).

Hoan nghênh những sáng kiến, cống hiến của SK Innovation nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn công ty sẽ tiếp tục có nhiều dự án tạo ra những giá trị xã hội như vậy.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, rừng ngập mặn, nơi được mệnh danh là lá phổi của châu Á, đang mất dần vị trí do sự phát triển thiếu thận trọng và các vấn đề môi trường, từ đó gây ra khí hậu bất thường như trái đất nóng lên và nước biển dâng.

Việt Nam và hầu hết các quốc gia nằm trong khu vực sông Mekong cũng đang phải gánh chịu tình trạng rừng ngập mặn bị tàn phá. Vì vậy, dự án phục hồi rừng ngập mặn là một trong những dự án hết sức có ý nghĩa. Đồng thời, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị SK tổ chức đoàn công tác nhanh chóng sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội và thiết kế các dự án đầu tư cho quản lý và bảo vệ rừng, thương mại tín chỉ carbon, giảm phát thải trong các lĩnh vực lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi tại Việt Nam.

Tại phiên làm việc với Thung lũng Đổi mới nông trại thông minh Gimje (Jeonbuk),  Phó Thị trưởng thành phố Gimje cho biết, cùng phong trào phát triển nông nghiệp thông minh, Thung lũng Đổi mới nông trại thông minh đã được khởi công xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021. Thung lũng Đổi mới nông trại thông minh là trug tâm đào tạo công nghệ cao cho thanh niên trẻ từ 18 tuổi, có nguyện vọng khởi nghiệp nông nghiệp với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Để đảm bảo chắc chắn sau khi được đào tạo 20 tháng người học có thể khởi nghiệp, Hàn Quốc xây dựng khu trang trại cho thuê với các trang thiết bị như nhà kính, các thiết bị sản xuất ở bên trọng ứng dụng nông nghiệp công nhệ cao như công nghệ IOT, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điều khiển môi trường như độ ẩm, ánh sáng…

Thăm Phòng điều hành Big Data của Thung lũng Đổi mới nông trại thông minh Gimje (Jeonbuk).

Thăm Phòng điều hành Big Data của Thung lũng Đổi mới nông trại thông minh Gimje (Jeonbuk).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chúc mừng thành phố Gimje đưa Thung lũng Đổi mới nông trại thông minh vận hành, hoạt động. Thứ trưởng khẳng định, mô hình tiếp cận tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao nhân rộng ứng dụng công nghệ  trong một mô hình khép kín là mô hình đáng để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, cách thức tổ chức trang trại thông minh.

Thứ trưởng cũng mong muốn sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Hàn Quốc - Việt Nam cũng thành công rực rỡ như lĩnh vực công nghiệp, văn hóa giữa hai nước.

Tại các phiên làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đều bày tỏ mong muốn các đối tác Hàn Quốc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về môi trường đầu tư trong nông nghiệp Việt Nam, đề xuất các thông tin, yêu cầu cụ thể để thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc khai thác tốt tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam trên nền tảng công nghệ cao, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.