| Hotline: 0983.970.780

Đăk Nông khắc phục khó khăn, đưa nước sinh hoạt đến người dân

Thứ Hai 24/05/2021 , 08:02 (GMT+7)

Tỉnh Đăk Nông còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, địa phương luôn tìm cách khắc phục và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn.

Lo người dân thiếu nước sinh hoạt

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông, hiện nay việc đưa nước hợp vệ sinh, nước sạch đến cho người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các đơn vị này phấn đấu đến năm 2025, người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% và tỉ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là 55%.

Hiện có 90% người dân vùng nông thôn Đăk Nông được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ảnh: Quang Yên.

Hiện có 90% người dân vùng nông thôn Đăk Nông được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ảnh: Quang Yên.

Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 236 công trình do UBND các xã, thị trấn quản lý. Trong đó, 68 công trình đang hoạt động, chiếm 28,81%. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 14 công trình, trong đó 11 công trình hoạt động bền vững. Đến nay tỉ lệ người dân nông thôn tại tỉnh Đăk Nông sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%.

Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đăk Nông, do tình hình biến đổi khí hậu nên nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung nông thôn đang bị thiếu hụt. Một số công trình sử dụng giếng khoan đến nay đang bị thiếu nước, phải tìm nguồn nước bổ sung. Trong đó tình trạng thiếu hụt nguồn nước thường xuyên xảy ra vào những tháng mùa nắng hạn tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đăk Mil, Đăk G’Long.

Do biến đổi khí hậu nên nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở Đăk Nông đang bị thiếu hụt. Ảnh: Quang Yên.

Do biến đổi khí hậu nên nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở Đăk Nông đang bị thiếu hụt. Ảnh: Quang Yên.

Theo hiện trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn hiện nay trên địa bàn và diễn biến thời tiết trong các năm vừa qua thì khả năng thời gian tới hầu hết các cụm dân cư nông thôn tại các vùng khó khăn sẽ bị thiếu nước sinh hoạt.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân ở các khu vực này trong thời gian tới các cơ quan chức năng phải có khảo sát, đánh giá cụ thể, lập đề án, chương trình đầu tư cấp nước.

Phấn đấu 100% người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh

Theo đại diện Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đăk Nông, việc đầu tư, duy trì các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể các chính sách khuyến khích đầu tư và cơ chế tín dụng hiện có chưa thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, tư nhân.

Những hủ tục, tập quán trong vùng đồng bào cũng ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động thực hiện công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận với nước sạch do thiếu vốn xây dựng công trình.

Đăk Nông phấn đấu 100% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh: Quang Yên.

Đăk Nông phấn đấu 100% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phấn đấu đưa tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh giai đoạn 2021-2025 đạt 95% và tỉ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là 55%.

Trong đề án cấp nước sinh hoạt nông thôn, Đăk Nông phấn đấu đưa tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh giai đoạn 2026-2030 đạt 100% và tỉ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn là 60%.

Để làm được việc này, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đăk Nông đề nghị các bộ ngành sớm ban hành bộ định mức, đơn giá trong công tác quản lý, bảo trì bảo dưỡng cho công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ sữa chữa định kỳ, sữa chữa lớn và cho các tổ chức quản lý vận hành khai thác công trình phù hợp từ nguồn ngân sách trung ương và các nguồn khác.

Hỗ trợ kinh phí từ trung ương trong việc hỗ trợ bù giá nước để giảm khó khăn cho địa phương. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ ở địa phương làm công tác quản lý liên quan đến nước sạch nông thôn. 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Hơn 120 gian hàng tham gia Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang

Đây là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đạt chuẩn OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận.