Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông cho hay: Mặc dù là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng ngay từ đầu năm, Đắk Nông đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo quyết liệt và khẩn trương, kịp thời.
Đến nay, Đắk Nông đã rà soát và xác định có trên 152.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 136 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành cấp phát 326 tấn gạo cho hơn 21.000 nhân khẩu thuộc diện nghèo; huy động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 1,6 tỷ đồng và hơn 1.000 suất quà (trị giá 1 tỷ đồng) hỗ trợ đối tượng thuộc diện nghèo; hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; chi hỗ trợ 364 người bán vé số dạo gần 110 triệu đồng...
Đến nay, Đắk Nông đã hỗ trợ trên 110.000 đối tượng với gần 93 tỷ đồng (chiếm hơn 73% đối tượng đã được rà soát, thống kê).
Nhiều đại biểu tham dự buổi làm việc đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn bổ sung một số biểu mẫu, nội dung để địa phương làm căn cứ xác định rõ hơn các đối tượng được hỗ trợ, như: Người bị tạm hoãn hợp đồng lao động; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về thẩm định báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể (ảnh hưởng do dịch Covid-19), thủ tục vay vốn ngân hàng…
“Các văn bản hướng dẫn rất nhiều, và khi có các văn bản hướng dẫn thì đơn vị cũng đã hướng dẫn cho các xã, phường, nhưng thực tế văn bản nhiều và hướng dẫn cũng chưa được đồng nhất nên khó khăn cho các đơn vị xuống xã, phường để rà soát, với các đối tượng UBND thành phố không quản lý đặc biệt là các doanh nghiệp, cũng như xác định hoạt động tài chính là vấn đề khó nhất” - bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa nêu vấn đề.
Chính quyền các cấp của tỉnh Đắk Nông đã đưa chính sách đến với người dân kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn để họ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Vũ Trọng Bình đánh giá, Đắk Nông tuy còn nhiều khó khăn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhưng nhìn chung công việc triển khai thực hiện nghị quyết số 42 của Chính phủ và quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tương đối tốt, từ việc rà soát, xác định các đối tượng, thực hiện chi trả đúng tiến độ.
Tuy nhiên, ông Vũ Trọng Bình cũng lưu ý các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông khi rà soát, thống kê, hỗ trợ phải đúng đối tượng, tránh trùng lặp; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tầng lớp nhân dân, quá trình thực hiện phải thật cẩn trọng, minh bạch, tránh tình trạng trục lợi.
Đối với một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan để tháo gỡ, xử lý kịp thời.
Từ thực tế tại địa phương, ngoài các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo chính sách của nhà nước, chính quyền các cấp cho rằng UBND tỉnh Đăk Nông cần có một cơ chế mới trong việc mở rộng đối tượng được trợ cấp.
Bởi theo kiến nghị của cơ sở, với các đối tượng là giáo viên và người lao động làm việc trong các nhóm trẻ và cơ sở giáo dục ngoài công lập, diện dạy hợp đồng hiện đang gặp nhiều thiệt thòi.
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42 của Chính phủ hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid được áp dụng từ ngày 1/4/2020, nhưng giáo viên diện hợp đồng đã nghỉ làm vào đầu tháng 2/2020 theo chỉ đạo của Trung ương để phòng chống lây lan của dịch Covid-19.
“Tất cả chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng. Tuy nhiên có thể rà soát và mở rộng thêm về đối tượng. Việc làm này là thẩm quyền của UBND tỉnh, trong quá trình triển khai Bộ LĐ-TB&XH hoàn toàn ủng hộ việc làm này” - ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH:
Đắk Nông là tỉnh hết sức khó khăn nhưng cũng rất sáng tạo trong việc xác định các đối tượng thực hiện hỗ trợ, nhất là các đối tượng về lao động không có giao kết hợp đồng hay gọi là lao động tự do. Một trong những căn bản để xác định hỗ trợ cho những đối tượng này đó là những người dân, người lao động bị ảnh hưởng của Covid-19 thu nhập dưới ngưỡng nghèo, yếu tố nghề nghiệp chỉ là yếu tố phụ.