| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ: 'Đi từng ngõ, gõ từng nhà'

Thứ Hai 11/05/2020 , 06:10 (GMT+7)

Tính đến cuối tuần qua, 12/13 huyện, thị xã, TP của Hà Tĩnh đã tiến hành chi trả cho nhóm đối tượng chính sách ảnh hưởng dịch Covid-19, với số tiền hơn 144 tỷ đồng.

Ông Đặng Quốc Vinh (áo trắng ngồi bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng ở huyện Hương Khê. Ảnh: Gia Hưng.

Ông Đặng Quốc Vinh (áo trắng ngồi bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng ở huyện Hương Khê. Ảnh: Gia Hưng.

Chi trả kịp thời

Sau khi Nghị quyết 42 ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 15 về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19 gây ra.

Đây là chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ, đối tượng hưởng lợi rộng, nên để đảm bảo tính nhân văn, kịp thời, gần một tháng qua các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh tập trung nhân lực rà soát, thẩm định các nhóm đối tượng được hưởng lợi để tiến hành chi trả.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, nhóm đối tượng chính sách (hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội) trên địa bàn toàn tỉnh nằm trong diện được phê duyệt hỗ trợ là 180.563 người. Tính đến ngày 10/5, có 12/13  huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành chi trả cho 95.193 người, với tổng số tiền hơn 144 tỷ đồng.

Một số địa phương có số đối tượng lớn đã hoàn thành cơ bản việc chi trả như huyện Đức Thọ, Hương Khê, Nghi Xuân, Hương Sơn, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh…

Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, hàng chục cán bộ Phòng LĐ-TB&XH, ban công tác MTTQ ở huyện Hương Sơn không nghỉ lễ mà tập trung đến từng hộ gia đình rà soát đối tượng được hưởng lợi gói 62.000 tỷ để tiến hành chi trả tiền kịp thời, góp phần tiếp thêm động lực, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thống kê cho thấy, tổng số 3 nhóm đối tượng đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của huyện Hương Sơn là hơn 15.200 người, với số tiền gần 17,6 tỷ đồng.

Trong đó, có 3.312 người có công, số tiền hỗ trợ trên 4,9 tỷ đồng; 4.468 đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền hỗ trợ trên 7 tỷ đồng; 1.777 nhân khẩu thuộc hộ nghèo, với số tiền hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng; 5.701 nhân khẩu hộ cận nghèo, số tiền hỗ trợ gần 4,3 tỷ đồng.

Đến ngày 10/5, các xã, thị trấn đã chi trả được hơn 14 tỷ đồng. Số còn lại đang vắng mặt ở địa phương hoặc tổng hợp trùng đối tượng, đang rà soát lại để chi trả tiếp trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nói: “Người dân đã nắm được chủ trương hỗ trợ của Chính phủ nên rất nóng lòng nhận tiền hỗ trợ. Vì vậy, huyện cũng “vắt chân lên cổ”, dành hết thời gian, con người xuống cơ sở rà soát, thẩm định từng đối tượng để chi trả kịp thời”.

Tại huyện Hương Khê, có 17.442 đối tượng chính sách nằm trong diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 42, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 19,4 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn đã thực hiện chi trả cho trên 16.986 đối tượng, với số tiền hơn hơn 18,9 tỷ đồng (đạt 97,4%).  Hiện các đối tượng còn lại đang đi xa, không có giấy ủy quyền nên chưa chi trả được.

Những đối tượng thương tật nặng, không tự đi lại được, cán bộ cơ sở đến chi trả tiền trực tiếp tại nhà. Ảnh: Gia Hưng.

Những đối tượng thương tật nặng, không tự đi lại được, cán bộ cơ sở đến chi trả tiền trực tiếp tại nhà. Ảnh: Gia Hưng.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND Hương Khê cho hay, trên cơ sở các văn bản triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của Trung ương, tỉnh, UBND huyện kịp thời rà soát, gửi danh sách đối tượng, cấp kinh phí cho các xã thực hiện chi trả tiền đến tận tay người dân.

“Mặc dù thời tiết nắng đến 41 – 42 độ C nhưng anh em cán bộ cơ sở vẫn làm việc đến 7 – 8 giờ tối để chi trả tiền cho các đối tượng.

Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, huyện hướng dẫn các xã phân chia theo từng thôn, chi trả nhiều khung giờ. Đặc biệt, những đối tượng thương tật nặng, không tự đi lại được, cán bộ đến chi trả trực tiếp tại nhà”, ông Bảo nói.

Giám sát đến từng đối tượng

Để đảm bảo việc chi trả tiền đúng đối tượng, tránh sai sót, từ ngày 4/5, các đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giám sát việc chi trả tiền tại cơ sở.

Theo chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh, sau khi thực hiện chi trả xong cho nhóm đối tượng chính sách, các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai rà soát, thẩm định và phê duyệt danh sách các đối tượng thuộc nhóm doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để kịp thời chi trả hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn giám sát cho hay, bước đầu các đoàn giám sát ghi nhận tinh thần khẩn trương, kịp thời vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ngành Thương binh – Xã hội các cấp trong việc lập danh sách, thẩm định, thực hiện rà soát, chi trả tiền đến tận tay cho người dân.

Song, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều vấn đề mà hội đồng thẩm định - chi trả cần nâng cao trách nhiệm, đó là việc phải rà soát ngược danh sách đối tượng.

Cụ thể, danh sách nhân khẩu hộ nghèo, cận nghèo ngành Thương binh – Xã hội cấp trên chuyển về cho tổ dân phố chốt đến ngày 31/12/2019.

Vậy, 4 tháng đầu năm 2020 sẽ có biến động về nhân khẩu, chẳng hạn như có người lấy chồng chuyển đến địa phương khác sinh sống hay đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa hoặc đối tượng bảo trợ xã hội mới chết…

Số này có được hưởng chế độ hay không, hơn ai hết, cán bộ thôn, tổ dân phố là những người gần dân, sát dân nhất phải nắm được, soát xét kỹ càng và tham mưu cho cấp trên để kịp thời điều chỉnh, tránh sai sót không đáng có.

Ngoài ra, có trường hợp một đối tượng nhưng đủ điều kiện để hưởng nhiều chính sách, trong khi quy định chỉ được hưởng một chính sách cao nhất.

“Để tránh được sự chồng chéo này, cốt lõi nhất vẫn là bước rà soát đối tượng. Nếu đối tượng nằm ngoài khả năng bao quát, quản lý của cán bộ địa bàn thì cần phải phát huy tinh thần tự giác của mỗi đối tượng cũng như vai trò giám sát của mỗi người dân trong từng tổ liên gia”, bà Thủy nói.

Đoàn giám sát của UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để rà soát ngược, giám sát công tác chi trả tiền hỗ trợ tại các địa phương. Ảnh: Gia Hưng.

Đoàn giám sát của UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để rà soát ngược, giám sát công tác chi trả tiền hỗ trợ tại các địa phương. Ảnh: Gia Hưng.

Ông Phan Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà chia sẻ, ngay khi nhận được văn bản của cấp trên về việc chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi ngày ông đều thông báo qua loa phát thanh của tổ để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách.

Ngoài ra, ông Minh và Ban công tác Mặt trận tổ dân phố còn nghiên cứu khá kỹ các nhóm đối tượng, điều kiện được hưởng hỗ trợ để kịp thời giải thích cho dân hiểu.

“Khi thị trấn chuyển danh sách các hộ, nhân khẩu được nhận hỗ trợ về cho tổ dân phố, chúng tôi rà ngược lại từng đối tượng xem có gì biến động hay không. Sau đó, niêm yết công khai danh sách tại nhà văn hóa để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ông Minh nói thêm.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.