| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cây trồng ở Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung

Dân nói ngược, công ty nói xuôi

Thứ Năm 04/06/2015 , 09:43 (GMT+7)

Đang canh tác dứa, mía hiệu quả, đùng một cái Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (Thanh Hóa) “ép” bà con phải chuyển đổi sang trồng khoai lang, bí đỏ, khoai môn…

Do không đánh giá tính thích ứng của các loại cây trồng này tại địa phương nên phương án chuyển đổi của Cty đã gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Bỏ rơi quyền lợi nông dân

Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (Cty Hà Trung), tiền thân là Nông trường Hà Trung, đóng tại phường Bắc Sơn – thị xã Bỉm Sơn, được thành lập ngày 1/1/2010, có tổng số vốn điều lệ 60 tỷ đồng.

Sau một thời gian hoạt động, ông Nguyễn Quốc Tiến, Tổng giám đốc Cty Hà Trung điều hành đã để xảy ra một số sai phạm buộc đơn vị này phải “tái cơ cấu” nhân sự.

Sau khi Cty khoác “tấm áo mới”, các hộ dân nhận khoán diện tích đất để phát triển sản xuất đã rất phấn khởi, họ kỳ vọng ban lãnh đạo mới sẽ đưa Cty và nông dân vượt qua cơn bĩ cực. Thế nhưng, những hi vọng của họ giờ đây đã tan thành mây khói.

Hàng chục hộ dân nhận giao khoán đất của Cty ở khu 10, khu 11 – phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn bức xúc phản ánh, sau khi nhận khoán đất từ Nông trường Hà Trung, nhiều năm qua bà con trung thành trồng cây mía và dứa.

 Mặc dù hiệu quả kinh tế mỗi năm chỉ lãi bình quân trên dưới 50 triệu/ha, nhưng do 2 loại cây trồng này rất hợp đồng đất tại địa phương, nên nông dân không phải bỏ quá nhiều công sức, mà năm nào cũng cho thu nhập ổn định.

Đùng một cái từ năm 2014 đến nay, Cty Hà Trung “ép” nông dân chuyển đổi sang trồng cây khoai lang ruột vàng, bí xanh, bí đỏ, khoai môn…, và đều thất bại. Việc chuyển đổi cây trồng này vô hình chung đã đẩy bà con từ được mùa sang mất mùa, khiến họ lâm vào tình trạng nợ nần chất chồng.

“Nhẽ ra khi đưa cây trồng mới vào sản xuất Cty phải trồng khảo nghiệm, đánh giá xem các loại cây trồng này có thích hợp với đất đai, khí hậu ở đây hay không, đằng này họ ép chúng tôi trồng tù mù hàng chục ha chẳng khác gì đưa dân chúng tôi ra làm thí nghiệm”, anh Đỗ Như Kệnh, khu 11, bức xúc nói.

Anh Kệnh cho biết, vụ đông năm 2014, gia đình anh chuyển đổi 8 sào đang trồng dứa sang trồng bí đỏ. Toàn bộ giống, phân bón, nước tưới anh được ứng của Cty để sản xuất. Tổng mức đầu tư cho số diện tích trên hết khoảng 28 triệu đồng.

Tuy nhiên khi thu hoạch chỉ được 3 tạ, nếu bán theo giá thị trường 4.000đ – 5.000đ/kg, gia đình anh thu về chỉ được 1,2 – 1,5 triệu đồng/8 sào.

“Đến nay bí thu hoạch đã hơn 3 tháng nhưng tôi vẫn chưa biết Cty thu mua giá chính xác là bao nhiêu nhưng vụ chuyển đổi sang trồng bí đỏ này nhà tôi phải lỗ trên dưới 25 triệu đồng.

 Cứ làm thế này chúng tôi phải bán nhà mà trả nợ cho các khoản vay ứng trước chứ làm gì có đồng nào để nuôi sống gia đình”, anh Kệnh nói thêm.

Chung cảnh ngộ, hộ ông Võ Thanh Long, khu 11, sản xuất 1 ha bí đỏ, cũng chỉ thu được 1,7 tấn, bán với giá 2.600đ/kg (Cty Hà Trung thông báo), tổng thu được hơn 4,4 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh Long lỗ trên dưới 25 triệu đồng.

Còn chị Lê Thị Xuyến, khu 10, phường Bắc Sơn, gần như mất trắng 6 sào khoai môn vì nắng hạn, không có nước tưới. Theo chị Xuyến, nếu trồng dứa, trồng mía mà không có nước tưới thì vẫn có ăn nhưng khoai môn là cây ưa nước mà Cty “ép” đưa lên trên đồi để trồng thì không chết mới là lạ.

“Từ khi trồng khoai môn đến nay hơn 2 tháng tôi đã phải bỏ ra 3,5 triệu đồng tiền nước tưới (chưa kể tiền công tưới), trồng thêm cây ngô để che nắng cho khoai nhưng gần như 100% diện tích khoai môn bị chết.

Điều bức xúc hơn nữa là Cty còn mập mờ trong việc bán giống khoai. Họ bảo dân đem về trồng nhưng không thông báo giá giống cụ thể bao nhiêu. Tôi mới nghe thông tin mỗi kg giống bán 100 nghìn đồng, như vậy nhà tôi lấy 210 kg coi như nợ Cty ít nhất 21 triệu rồi”, chị Xuyến chua xót.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, chị Lê Thị Xuyến nói: “Đất ở đây là đất đồi, phụ thuộc nước trời nên khi đưa cây bí, khoai môn vào trồng chúng đều không thể chịu hạn được. Cty ép chúng tôi trồng, bây giờ lại bỏ rơi chúng tôi, để mặc tự tìm đầu ra”.

08-48-15_dscf5293
Bà con bức xúc cho rằng công ty đã đưa nông dân ra làm thí nghiệm

Ông Võ Thanh Long phân tích, ngày trước sản xuất 1 ha dứa có chu kỳ 3 năm, bình quân mỗi năm ít nhất cũng lãi trên dưới 50 triệu đồng. Trong khi đó trồng bí, khoai môn “càng làm càng lỗ”, không những thế, Cty còn bội tín với dân.

Cũng theo phản ánh của người dân, “chiêu” ép dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà Cty Hà Trung đưa ra thực hiện là “dọa” thu hồi đất hoặc phạt tiền nếu gia đình không làm theo chỉ đạo của Cty.

Khi yêu cầu dân chuyển đổi sang các loại cây trồng này, tại một cuộc họp ở đội 4, ông Nguyễn Hoàng Hà, Tổng giám đốc hiện nay đã công khai cam kết với dân: “Nếu chuyển đổi cây trồng thiên nhiên không ưu đãi Cty sẽ bù cho dân tương đương 70 tấn mía/ha. Vậy mà nay thua lỗ lại đổ cho dân tự nguyện trồng”, ông Long bức xúc.

Thí điểm… gần 60 ha

Trái ngược với phản ánh của nông dân, ông Hoàng Thế Khiêm, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Cty đã khẳng định với một số nhà báo là: “Trước khi đưa vào trồng các loại cây mới trên, Cty đã đưa ra bàn bạc với bà con nông dân và nhận được sự đồng ý, tự nguyện thì mới đưa vào trồng.

Cty Hà Trung được UBND tỉnh Thanh Hóa giao và cho thuê hơn 1.742 ha đất để giao khoán cho hơn 1.000 công nhân và hộ gia đình sản xuất. Hiện Cty có 730 ha mía; 250 ha dứa; 156 ha cao su và 6,71 ha cam.
Riêng vụ đông 2014 Cty chỉ đạo các hộ dân chuyển đổi hơn 13 ha sang trồng bí đỏ, 3 ha trồng bí xanh. Vụ xuân 2015 trồng 8,19 ha bí xanh; 3,8 ha bí đỏ và hơn 58 ha khoai môn.

Cty không ép bất cứ người dân nào, cũng như chưa hề ban hành quy chế phạt tiền hay dọa thu hồi đất khi dân không làm theo chủ trương của Cty. Nếu ai chứng minh được đã bị phạt thì tôi sẽ chịu trách nhiệm” (!?).

Ông Khiêm phân trần, việc đưa vào một lúc vài chục ha cây trồng mới chỉ là “thí điểm”, Cty đưa vào hàng nghìn ha mới gọi là sản xuất đại trà.

Còn về nguyên nhân khoai môn chết, ông Đào Xuân Hậu, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật đổ thừa do “Thời tiết khắc nghiệt và người dân không nắm hết quy trình kỹ thuật được phổ biến nên áp dụng chưa đúng, khiến cây khoai môn kém phát triển.

Tập quán canh tác của nông dân còn lạc hậu, quen với sản xuất cây công nghiệp dài ngày, ít phải chăm sóc. Trong khi đó cây khoai môn yêu cầu độ ẩm cao nhưng dân không tưới”.

Khi được một số PV hỏi vì sao Cty không thông báo cụ thể giá giống khoai môn, ông Khiêm nói: “Phòng tài chính kế toán chưa cân đối được giá cụ thể và chính xác để thông báo cho dân”.

Thiết nghĩ, việc chuyển đổi, đưa cây trồng mới vào sản xuất là cần thiết nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, làm lợi cho nông dân, nhưng nếu triển khai theo kiểu “được chăng hay chớ”, đem nông dân ra làm thí nghiệm như ở Cty Hà Trung thì không thể chấp nhận được.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.