Động thái bất thường này được cho là một nỗ lực để cáo buộc Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về một kế hoạch tái định cư khiến hơn 90.000 người đã di chuyển đến Triều Tiên từ Nhật Bản từ năm 1959 đến năm 1984.
Theo đó, những người gốc Triều Tiên tại Nhật Bản kể trên đã cùng thân nhân chuyển đến Triều Tiên nhiều thập kỷ trước theo lời hứa hẹn để “có một cuộc sống tốt đẹp hơn” được mô tả là "thiên đường trên Trái Đất" lúc đó, trong bối cảnh nhiều người trước đó bị phân biệt đối xử tại Nhật Bản vì “là người gốc Triều Tiên”.
Tại một tòa án cấp quận hôm nay ở thủ đô Tokyo, năm người Triều Tiên từng tham gia chương trình hồi hương rồi sau đó đã đào tẩu, trốn khỏi Triều Tiên đã đòi bồi thường khoản thiệt hại lên tới 100 triệu yên (880.000 USD) cho mỗi người.
Năm công dân gốc Triều Tiên này đã cáo buộc Bình Nhưỡng "lừa dối các nguyên đơn bằng cách tuyên truyền sai sự thật để chuyển họ đến Triều Tiên", nơi mà "việc được thụ hưởng nhân quyền nói chung là điều không thể".
Do hiện Nhật Bản và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao nên nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được triệu tập với tư cách là người đứng đầu chính phủ Triều Tiên.
Kenji Fukuda, luật sư của nguyên đơn cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng trước: “Chúng tôi không hy vọng Triều Tiên sẽ chấp nhận một phán quyết cũng như không phải bồi thường các khoản thiệt hại. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Nhật Bản sẽ có thể đàm phán với Triều Tiên" nếu tòa án đưa ra phán quyết có lợi cho các nguyên đơn”.
Theo các nguồn tin, tổng cộng có 93.340 người đã tham gia chương trình hồi hương do Hiệp hội Chữ thập đỏ ở Nhật Bản và Triều Tiên thực hiện trong quá khứ và từng được chính phủ Nhật Bản ủng hộ.
Trong thời kỳ 1910-1945 bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản, hàng triệu người gốc gác Triều Tiên đã chuyển đến Nhật Bản vì nhiều lý do khác nhau. Đến khi Tokyo đầu hàng, hàng trăm nghìn người Triều Tiên vẫn ở lại Nhật, miễn cưỡng trở về quê hương nghèo đói lúc đó.
Rất nhiều người trong số họ đã bị tước quốc tịch Nhật Bản và trở thành người không có quốc tịch. Hiện khoảng một nửa triệu người gốc Triều Tiên vẫn đang làm ăn sinh sống tại Nhật Bản và họ tiếp tục phải đối mặt với tệ phân biệt đối xử.
Một trong những lý do những người đào tẩu đâm đơn khởi kiện còn liên quan đến sự chia cắt khỏi gia đình, thân nhân vẫn còn bị mắc kẹt ở đất nước bị cô lập. "Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với gia đình mình. Có thể virus coronavirus đã tấn công họ, có thể một số người trong số họ đã chết vì đói", Eiko Kawasaki, một trong năm nguyên đơn chia sẻ vào tháng trước.
Bà Eiko Kawasaki, 79 tuổi, người gốc Triều Tiên sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, Đến năm 17 tuổi (năm 1960) thì rời Nhật Bản đến Triều Tiên theo chương trình hồi hương và kẹt lại suốt 43 năm cho tới khi đào tẩu trở lại Nhật Bản vào năm 2003. Với tư cách là một nguyên đơn, bà Kawasaki cho biết, Bình Nhưỡng đã hứa hẹn sẽ miễn phí y tế, giáo dục, đem lại việc làm và nhiều lợi ích khác, nhưng thực tế không có gì và những người tham gia chương trình phải lao động nặng nhọc tại các khu khai khoáng, trồng rừng hay làm nông nghiệp.
"Nếu chúng tôi được biết sự thật về Triều Tiên, sẽ không có ai đi cả. Tôi nghĩ chính phủ Nhật Bản cũng nên chịu một phần trách nhiệm", bà Kawasaki nói trong buổi họp báo hồi tháng trước.