Kinh doanh món quốc hồn quốc túy
Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm, khiến tầng lớp cư dân giàu ở Trung Quốc không thể đi du lịch nước ngoài và mua sắm những món đồ hiệu xa xỉ một cách bạt mạng giống như những năm trước.
Gần đây nhiều tay chơi và dân kinh doanh ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh bỗng rộ lên trào lưu mới là sưu tầm và kinh doanh các phiên bản của dòng rượu nổi tiếng trong nước là Mao Đài Quý Châu.
Theo các nhà phân tích, so với các loại đồ uống phương Tây đắt tiền thì độ lan tỏa thương hiệu của rượu Mao Đài không bằng, nhưng xét về giá trị thì loại rượu mạnh cháy cổ này lại lớn hơn rất nhiều và số lượng rất hạn chế. Chính vì vậy giới đầu tư, kinh doanh từ nhiều tháng qua đã lao vào một chiến dịch thu gom, mua đi bán lại không phải để uống mà lướt sóng kiếm lời.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch coronavirus, những người đi mua gom rượu Mao Đài tay ngang như Yang Nan, một kỹ sư công nghệ thông tin ở Bắc Kinh cũng đã nhìn thấy tiềm năng sinh lợi nhuận rất lớn từ các phiên bản cổ điển và giới hạn của dòng rượu trắng 'baijiu' bất hủ này.
“Bởi vì số lượng sản xuất rất hạn chế nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng rượu Mao Đài Quý Châu dịp lễ tết sẽ bùng nổ. Và nhiều người đã mạnh tay xuống tiền, trước khi quá muộn”, Yang cho hay.
Cô gái 30 tuổi đến từ tỉnh Quý Châu, quê hương của rượu Mao Đài này nói với Reuters: “Tôi cảm thấy ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường sưu tập rượu Mao Đài và điều đó khiến cho những người như tôi khó mua hơn vì các dòng rượu này đều bị đẩy giá lên cao”.
Yang chia sẻ, ở quê nhà cha mẹ của cô đã bán sạch 12 chai rượu Mao Đài, thu được 250.000 nhân dân tệ (38.000 USD) để phụ thêm cho cô thanh toán món nợ mua căn hộ ở thủ đô.
Yang khoe, một chai Mao Đài phiên bản đặc biệt 'Year of the Rat' (năm con Chuột) mà cô đã mua được với giá 1.699 nhân dân tệ hồi đầu năm 2019 hiện đã tăng giá gần gấp đôi, khoảng 3.000 nhân dân tệ, căn theo thị trang thương mại điện tử Taobao của tập đoàn Alibaba.
Theo các chuyên gia đồ uống, dòng rượu Mao Đài Quý Châu vốn luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, với giá bán lẻ khởi điểm vào khoảng 1.500 nhân dân tệ/chai cổ điển- loại được quan chức chính phủ và giới nhà giàu Trung Quốc tin dùng.
Trong năm 2020, giá cổ phiếu của Công ty rượu Mao Đài tăng 70%. Mao Đài Quý Châu được gộp lại từ ba nhà sản xuất ở Quý Châu từ những năm 1950 và nay có một phần vốn thuộc sở hữu nhà nước, là công ty nằm ngoài lĩnh vực công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc. Theo South China Morning Post, chai rượu Mao Đài có giá trị nhất từng được bán với giá 8 triệu tệ, tương đương trên 26 tỷ đồng tại một cuộc đấu giá.
Các chai rượu này đã nuôi dưỡng hình ảnh xa xỉ trong lĩnh vực rượu trắng cực mạnh với 53% độ cồn bất hủ của đất nước, với giá trị thị trường hơn 300 tỷ USD – theo giá trị niêm yết ở Trung Quốc.
Giới phân tích và chủ các chuỗi cửa hàng kinh doanh rượu Mao Đài cho biết, nhu cầu đối với những chai cổ điển đã vượt quá khả năng của các công ty kinh doanh do mức tăng cao chóng mặt trong năm nay. Việc một lượng lớn người mới kinh doanh nhảy vào lĩnh vực này để tìm kiếm các khoản đầu tư đang được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ đại dịch bất ổn.
Chuyên gia phân tích độc lập Cai Xuefei trong ngành rượu cho biết: “Gần đây môi trường kinh tế nói chung là tồi tệ cho nên bất cứ thứ gì có tiềm năng tăng giá trị đều được ưa chuộng. Trong đó các loại rượu mạnh trong nước và quốc tế từ lâu đã trở thành mục tiêu của giới nhà giàu Trung Quốc”.
“Mao Đài không chỉ để uống, nó là một công cụ xã hội, một chỉ số nhận dạng. Mọi người đều tin rằng rượu Mao Đài càng cũ thì sẽ càng có giá trị nên có rất ít rủi ro trong việc tích trữ", ông Cai nói.
Ông Cai ước tính, kể từ khi đại dịch Covid-19 đợt bùng phát đã có thêm 20% các cửa hàng ở Trung Quốc tham gia lĩnh vực kinh doanh rượu mạnh để kiếm lời. Tuy nhiên những địa chỉ truyền thống thường được khách hàng tin tưởng hơn vì ít có khả năng bán rượu nhái, giả mà cảnh sát đã trấn áp trong những năm gần đây.
Không còn lựa chọn khác?
Đại dịch coronavirus bùng phát trùng với thời điểm các lựa chọn đầu tư dành cho người dân Trung Quốc bị hạn chế do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra định giá đối với các lựa chọn thay thế như bất động sản hoặc thị trường chứng khoán cũng đã bị kiềm chế bởi các biện pháp kiểm soát của chính phủ hoặc các bong bóng vỡ trước đó.
Nhà phân tích độc lập Zhu Danpeng có trụ sở tại Quảng Châu cho biết: “Đặc điểm tài chính của Mao Đài như một khoản đầu tư đã trở nên rõ ràng đối với nhiều người trong thời kỳ đại dịch, và giá trị của các phiên bản cũ đã tăng ổn định và hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử”.
Rượu Mao Đài thường được chọn làm quà biếu hoặc dùng để hối lộ ở Trung Quốc. Tuy nhiên kể từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo đất nước, doanh số rượu Mao Đài đã sụt giảm nghiêm trọng khi chính quyền mở cuộc chiến chống tham nhũng.
Ví như một chai dòng Phi Thiên 53, được mệnh danh là 'Nàng tiên bay', dung tích nửa lít với nồng độ cồn 53% có giá khởi điểm ở mức 1.499 nhân dân tệ (210 USD) đã được các nhà đầu cơ lao vào tranh nhau mua. Còn nhớ, năm ngoái nhà bán lẻ Costco của Mỹ đã bán hết bay 10.000 chai chỉ trong có hai ngày trong dịp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc ở Thượng Hải.
Thi thoảng nhà sản xuất rượu Mao Đài Quý Châu còn cho ra đời những phiên bản đặc biệt đầy màu sắc, mô tả cung hoàng đạo hàng năm của Trung Quốc hoặc thậm chí là bất ngờ tung một chai được đặt tên theo ngôi sao phim hành động Hồng Kông Thành Long như hồi năm 2012.
Tuy nhiên đối với một số người tiêu dùng và những người sưu tập cò con, rượu có nồng độ cồn cao luôn khó uống và giá cả ngày càng tăng cũng là lí do khiến họ miễn cưỡng.
“Tôi không thích uống Mao Đài vì nó quá nặng. Mỗi khi nhấp ly đã khiến tôi bị ho sặc sụa. Nhưng việc đầu cơ lại hoàn toàn khác và điều đáng mừng là giá trị bộ sưu tập của tôi vẫn đang tăng lên”, Yang cho biết, đồng thời tiết lộ là cô và giới trẻ có xu hướng thích uống sâm banh hoặc rượu vang hơn.