Các dịch bệnh đều giảm và được khống chế
Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, đơn vị chưa ghi nhận được ca bệnh mới đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, tai xanh lợn, viêm da nổi cục, cúm gia cầm. Riêng bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ xảy ra duy nhất tại 1 hộ trên địa bàn ấp Tân Điền, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam với 34 con bệnh, tiêu hủy hơn 1,1 tấn.
Các bệnh thông thường khác xảy ra ở mức độ nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, không có dấu hiệu lây lan và đa số được điều trị khỏi, tỉ lệ chết không cao.
Cụ thể, trên lợn, tụ huyết trùng giảm 3% với 1.118 con bệnh, 117 con chết; E.coli giảm 54% với 386 con bệnh, 97 con, chết; tiêu chảy tăng 5% với 9.099 con bệnh, 386 con chết; phó thương hàn tăng 13% với 1.087 con bệnh, 136 con chết. Đối với trâu và bò, tụ huyết trùng giảm hơn 10% với 672 con bệnh, 40 con chết; tiêu chảy giảm hơn 8% với 1.508 con bệnh, 61 con chết. Trên gia cầm, các bệnh tụ huyết trùng, CRD xảy ra rải rác.
Đàn vật nuôi của Bến Tre vẫn an toàn trước các loại bệnh truyền nhiễm truyền nguy hiểm nhờ công tác đôn đốc, tăng cường giám sát dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi của ngành đối với các địa phương trong tỉnh.
Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở NN-PTNT văn bản trình UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo thực ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Bên cạnh đó, các văn bản triển khai tiêu độc khử trùng, triển khai phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, phòng chống bệnh dại…
Nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện Mỏ Cày Nam rất phát triển, đặc biệt là con lợn chiếm hơn 50% tổng đàn toàn tỉnh. Thời điểm tháng 6/2024, một số địa phương của huyện có tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm vẫn còn rất thấp, dưới 50% tổng đàn, chưa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Do đó, ông Võ Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, UBND huyện đã có công văn yêu cầu các địa phương chấn chỉnh ngay công tác tiêm phòng đối với các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. UBND huyện sẽ nhắc nhở, phê bình các địa phương còn lơ là, chủ quan, đặc biệt là các địa phương vẫn còn tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% tổng đàn.
UBND huyện yêu cầu chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền đến người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng cho vật nuôi khi hết thời gian miễn dịch, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại mọi thời điểm, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền địa phương, ý thức phòng bệnh của chủ nuôi đã được nâng cao nên tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho vật nuôi tăng lên.
Tỷ lệ tiêm phòng tăng vọt sau khi được đôn đốc, chỉ đạo
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, đến hết tháng 8/2024, đối với lở mồm long móng trên 58% đàn trâu và bò (gần 100.000 con), 71% đàn lợn (hơn 291.000 con) đã được tiêm phòng và còn thời gian miễn dịch.
Đối với bệnh viêm da nổi cục, 79% tổng đàn trâu bò (hơn 135.000 con) được tiêm phòng. Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan) được tiêm phòng vacxin trên 3,3 triệu con, đạt tỷ lệ phòng dịch gần 80%.
Bên cạnh đó, trong tháng 9 vừa qua, đàn lợn được tiêm vacxin phòng dịch tả trên 334.000 con (tăng 1,7%), E.coli trên 126.000 con (tăng 1.100%), phó thương hàn trên 58.000 con (giảm 34%), tụ huyết trùng trên 60.000 con (giảm 30%).
Đàn trâu, bò được tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng trên 10.000 con tăng 41%. Đàn gia cầm được tiêm vacxin phòng bệnh Newcastle 406.000 con (tăng 47%), gumboro 603.000 con (tăng 491%), tụ huyết trùng 183.000 con (tăng 30%), dịch tả vịt 456.000 con (tăng 585%).
Song song đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến tre có thông báo hàng tuần về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh. So với cùng kỳ năm 2023, công tác kiểm dịch động vật xuất tỉnh trên lợn tăng 40%, thịt heo tăng 198%, bò tăng 9,5%, thịt bò tăng 14%, dê tăng 57%, thịt gà tăng 45%. Công tác kiểm soát giết mổ lợn tăng 7%, trâu bò giảm 11%, gia cầm giảm 40%, dê giảm 30%.
“Nhìn chung, số lượng kiểm dịch xuất tỉnh gia súc và sản phẩm động vật tăng với cùng kỳ năm 2023, tăng nhiều nhất là kiểm dịch xuất tỉnh thịt heo do biến động nhu cầu thị trường ngoài tỉnh”, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre nhận định.
Tại cơ sở giết mổ và trung chuyển lợn của hộ ông Phan Phan Minh Trí, tại xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, chủ cơ sở cho biết cam kết thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm thịt heo. Hàng ngày, sản lượng giết mổ ở đây khoảng 50-60 con, có thời điểm lên đến 100 con.
"Tôi chủ yếu giết mổ heo của nhà nuôi. Nếu thiếu hàng sẽ mua thêm của các hộ chăn nuôi tại địa phương. Heo bệnh, heo bán chạy tôi dứt khoát không mua, cũng không cho thương lái vô giết mổ. Giá heo bây giờ đang dao động 58.000 - 62.000 đồng/kg. Chỗ lò tôi mua heo đẹp giá 62.000 đồng/kg. Giá này, người nuôi có heo con sẵn thì lời khoảng 2 triệu đồng/tạ, còn mua con giống thì lời khoảng 1 triệu”, ông Trí nói.
Kế hoạch năm 2025, ngành Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết tập trung theo dõi, giám sát tình hình chăn nuôi và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục và cúm gia cầm để có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, phối hợp các địa phương triển khai thực hiện các chương trình tiêm phòng vacxin phòng chống dịch bệnh nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, đến tháng 9/2024, ước tính tổng đàn bò của tỉnh đạt khoảng 226.000 con, đàn heo khoảng 450.000 con, đàn gia cầm khoảng 6,8 triệu con.