| Hotline: 0983.970.780

Dân vựa ngô Sơn La hằng đêm vẫn đi học kỹ thuật canh tác

Thứ Tư 19/04/2017 , 09:30 (GMT+7)

Những cán bộ khuyến nông cơ sở ở Sơn La nói rằng, người trồng ngô vùng cao vẫn còn rất hạn chế về kỹ thuật. Có những bản dân chỉ thích trồng 2 - 3 hạt một hốc...

Với 150 nghìn ha đất trồng ngô, từ lâu, tỉnh Sơn La được mệnh danh là thủ phủ ngô của cả nước. Ấy vậy mà do giá ngô thương phẩm quá thấp nên ở xứ này đêm đêm nông dân vẫn đang phải soi đèn pin đi học kĩ thuật trồng ngô nhằm gia tăng năng suất, đảm bảo thu nhập.

14-08-28_img_0289
Quang cảnh một lớp học kĩ thuật trồng ngô

Tự bao đời, người trồng ngô ở Sơn La đúc kết: Cây ngô không khác gì nguồn sống của họ. Công lớn việc bé, từ dựng vợ, gả chồng bằng tiền thu hoạch ngô, làm nhà cửa, đóng tiền ăn học cho con, chạy vạy thuốc thang khi đau yếu từ tiền bán ngô đã đành, đến như hạt muối ăn hàng ngày cũng từ cây ngô mà ra cả. Chưa kể, trồng ngô có thể giàu. Lắm người xây nhà lầu nhờ ngô, sắm được ô tô, két bạc cũng là nhờ ngô…

Nhưng bây giờ, trồng ngô đang ở thời mạt vận. Trong vòng khoảng 3 năm gần đây những người trồng ngô tại Sơn La liên tục khóc ròng vì ngô ngày càng rớt giá. Trước năm 2014, giá ngô hạt ở Sơn La khoảng 6.500đ/kg, nhưng những năm gần đây chỉ còn xung quanh 5.000đ/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 4.600-4.700đ/kg. Mồ hôi công sức đổ xuống trên từng mảnh nương nắng gắt, những vách núi cheo leo nhưng cái nghèo đói, túng quẫn thì vẫn như một định mệnh đeo bám họ từ năm này sang năm khác.

Những đề án chuyển đổi liên tiếp đặt lên bàn làm việc lãnh đạo tỉnh, những cuộc hội thảo từ phòng họp ra đến tận nương rẫy, nhưng chỉ cứu vãn được phần nào. Bởi, phần lớn diện tích trồng ngô ở Sơn La là đồi núi. Nắng hạn quanh năm, nước tưới không có, đường thì đồi đất đi lại khó khăn, mùa mưa phải chờ 2-3 tháng mới lên thu hoạch được. Đó là những vùng chỉ sống chết được với mỗi cây ngô, và khổ nỗi, cũng là những vùng tư duy trồng ngô còn lạc hậu, cũ kỹ.

Những cán bộ khuyến nông cơ sở ở Sơn La nói rằng, người trồng ngô vùng cao vẫn còn rất hạn chế về kỹ thuật. Có những bản dân chỉ thích trồng 2 - 3 hạt một hốc bởi suy nghĩ rằng càng trồng dầy, càng được nhiều bắp, năng suất càng cao.

“Bà con mình vẫn đang trồng theo tập quán cũ, gieo dầy quá mà phân bón không đủ, khi bón thúc thì toàn bón đạm, không có Kali, lại chỉ bón một lần mà không biết phải tách ra làm 2 - 3 đợt theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Quanh năm thu nhập trông chờ vào hạt ngô mà mấy năm nay ngô nhập ngoại về nhiều nên giá rẻ, nếu không thay đổi tập quán, áp dụng kĩ thuật để tăng năng suất thì thu nhập làm sao đảm bảo được”, Vì A Chư, Khuyến nông viên huyện Yên Châu, phụ trách xã Chiềng Tương, kể thế.

Làm thế nào để có thể thay đổi tập quán, nâng cao năng suất trồng ngô tại Sơn La? Làm thế nào có thể tuyên truyền các biện pháp tiến bộ kĩ thuật đến với bà con nông dân và giúp bà con thay đổi tập quán canh tác gia tăng thu nhập? Những câu hỏi tưởng chừng nan giải bao năm nay có lẽ sắp có lời giải đích thực.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh ở thủ phủ ngô đã bỏ công sức “bắt bệnh” và tìm được “thuốc chữa” dù nghe qua rất thủ công.

Ngay giữa trung tâm của thủ phủ ngô Sơn La, huyện Mai Sơn, từ nhiều tháng nay, những lớp học, những buổi tập huấn cho người trồng ngô liên tục được tổ chức. Hết bản này đến bản nọ, hết xã này đến xã khác.

Những cán bộ khuyến nông cơ sở, những cán bộ kỹ thuật của các công ty miệt mài đứng lớp vào ban đêm chỉ với một mục đích duy nhất: Thay đổi nhận thức, xóa bỏ những tập quán hạn chế của người trồng ngô. Những hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa huyện Mai Sơn cùng với 3 công ty lớn là Syngenta Việt Nam, Công ty Lộc Trời, Công ty VFC.

Những hoạt động tuyên truyền về giống, cách trồng, cách bón phân, cách chăm bón, cũng như lưu ý với bà con về công tác bảo quản sau thu hoạch thường xuyên được tổ chức không khác gì thời bình dân học vụ. Ở trên này chỉ ban đêm dân bản mới rảnh rỗi.

Thế nên, mặc những con đường đất dốc sau mưa lầy lội tối đen, không hề có ánh đèn đường, những ổ voi, ổ gà ngập ngụa bùn đất, mặc những khúc cua bất chợt, cảm tưởng nếu không phải những tay lái xe máy cừ khôi thì có thể trượt ngã bất cứ lúc nào, những cán bộ vùng cao miệt mài đến từng bản mỗi khi đêm xuống.

Theo chân các cán bộ của trạm khuyến nông Mai Sơn và các kĩ sư nông nghiệp của công ty Syngenta, chúng tôi tham gia những đêm tập huấn tại 3 bản vùng sâu thuộc xã Chiềng Lương, Mường Bằng và Chiềng Chăn.

Nhà văn hóa bản Mờn, trong ánh đèn tù mù của bóng điện đã cũ, ông Lò Văn Thuân, Phó Bí thư xã Chiềng Lương, tươi cười bắt tay, đường sá bùn đất thế mà nhà báo và các kỹ sư vẫn vào được đây thật là tốt quá. Dân mình còn thiếu kĩ thuật lắm, cán bộ không quản đêm tối vào tận bản thế này bà con vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên do đang vào thời điểm làm nương, bà con mới trở về nhà cơm nước anh em chịu khó ngồi đợi nhé.

Đến tận gần 9 giờ tối, chương trình tập huấn mới được bắt đầu, trong cái ánh sáng lờ mờ, tranh tối tranh sáng do điện yếu, dân bản lục tục kéo đến, người dọi đèn pin, người soi điện thoại... Gian nan quá, nhưng được cái, cả cán bộ hướng dẫn lẫn dân bản thì say sưa chẳng khác gì mấy lớp vỡ lòng.

14-08-28_img_0293
Cả cán bộ hướng dẫn lẫn dân bản say sưa học tập
Bên cạnh công tác tập huấn, huyện Mai Sơn cũng đang phối hợp với các công ty giống, phân bón triển khai nhiều mô hình trình diễn các tiến bộ kĩ thuật, và đối chứng trực tiếp với giống cũ, tập quán canh tác của bà con địa phương, sau đó đến thời điểm mô hình thể hiện khác biệt sẽ mời bà con nông dân đến tham quan học hỏi.

Mở đầu buổi học, “thầy cô” có khi là cán bộ khuyến nông, có khi là cán bộ kỹ thuật của các công ty. Họ hỏi bà con về những khó khăn đang gặp phải trong canh tác, những biện pháp mà bà con đang áp dụng, để rồi từ đó mới phân tích rõ cái lợi, cái hại của những phương pháp hiện tại và hướng dẫn cho bà con, giống nào thì trồng ở chân đất nào, mật độ canh tác ra sao, bón phân và chăm sóc thế nào để tối ưu hóa năng suất.

Tôi hỏi Vi Thị Đươi, một nông dân ngồi cạnh rằng có học được gì không, chị ta hồ hởi: Trước đây mình cứ nghĩ trồng nhiều cây thì được nhiều bắp, nhiều bắp thì được nhiều hạt nhưng nghe cán bộ nói mới hiểu không hẳn trồng dầy đã tốt, điều quan trọng là phải trồng đúng mật độ. Phân bón cũng vậy, cứ tưởng bón dồn vào một lần là ổn, nghe cán bộ nói mới hiểu ngô cũng như người, không thể cho ăn no một bữa rồi nhịn đói cả tháng được. Vụ này vẫn lượng phân đó mình sẽ chia làm 2-3 lần chắc sẽ tốt hơn.

Về chương trình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng ngô, anh Vũ Công Hiếu, cán bộ quản lý khu vực Tây Bắc của công ty Syngenta Việt Nam phân tích: “Nhiều vùng trên này cây ngô là giải pháp thu nhập chính của nông dân, do điều kiện địa hình, khí hậu ngoài cây ngô bà con cũng không thể trồng được cây gì khác.

Năm 2017, công ty Syngenta đã phối hợp với hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La để triển khai thực hiện hơn 100 mô hình trình diễn biện pháp kĩ thuật trong canh tác ngô, gần 300 lớp tập huấn nông dân buổi tối để giúp bà con thay đổi nhận thức, tập quán, từ đó gia tăng năng suất, thu nhập.

Mình nghĩ trong bối cảnh cạnh tranh trực tiếp về giá giữa ngô nội và ngô ngoại nhập, đã đến lúc tất cả chúng ta nên chung tay lại cùng nhau giúp đỡ cho người dân trồng ngô cải thiện năng suất, hy vọng trong một ngày gần đây khi bán ngô với giá rẻ bằng ngô nhập ngoại, người dân trồng ngô vẫn có lãi và có thể sống tốt nhờ cây ngô”.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.