| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phòng chống thiên tai cho người dân vùng lũ

Dân vùng "rốn lũ" luôn sống trong chủ động

Thứ Sáu 10/12/2021 , 07:41 (GMT+7)

Với địa hình thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, chính quyền và người huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có nhiều cách làm hay để chủ động ứng phó.

Người dân huyện Hải Lăng cất trữ lúa trên cao để phòng mưa lũ. Ảnh: CĐ.

Người dân huyện Hải Lăng cất trữ lúa trên cao để phòng mưa lũ. Ảnh: CĐ.

Vừa phòng mưa lũ, vừa phòng dịch bệnh

Sau các đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 5, nhiều trục đường giao thông của thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã ngập chìm trong nước. Tuy nhiên, nhờ chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ nên toàn bộ các hộ dân trong thôn đều không bị ảnh hưởng. 

Ông Nguyễn Quang Lai, người dân thôn Trung Đơn cho biết, rút kinh nghiệm từ các đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 vừa qua, ngay từ đầu mùa mưa lũ năm nay, toàn bộ những vật dụng quan trọng và hơn 2 tấn lúa vừa thu hoạch xong của gia đình anh đã “yên vị” trên hệ thống giàn giáo chuyên dùng trong xây dựng cao hơn 2 m, phía trên được phủ bạt chắc chắn.

Theo ông Lai, năm 2020, nước lũ ngập sâu hơn 1,5m đã làm gia đình anh bị thiệt hại khá nhiều do không có gác lửng (còn gọi là “tra”) để đưa lúa, gạo, đồ dùng lên cao. Do vậy, để chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm nay anh quyết định mua 3 bộ giàn giáo bằng sắt, gia cố thêm bằng ván gỗ chắc chắn để tránh trú khi nước lũ dâng cao.

Ngoài ra, theo hướng dẫn của thôn, ông đã chằng néo lại nhà cửa, dự trữ đầy đủ lương thực, nước uống. Kiểm tra lại ghe xuồng để sẵn sàng sơ tán vợ con đến nơi an toàn khi có bão mạnh hoặc lũ lớn.

Nằm ở vùng thấp trũng, vào mùa mưa lũ, xã Hải Định có đến hơn 90% số hộ dân bị ngập nước khá sâu, nhiều vùng bị chia cắt. Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cũng như ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch vụ hè thu, chính quyền xã Hải Định đã tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng cầu cống, đường giao thông và các điểm xung yếu có khả năng bị ngập sâu khi nước lũ dâng cao để có biện pháp cảnh báo, phòng tránh. Chỉ đạo các thôn, các Hợp tác xã (HTX) kiểm tra lại toàn bộ ghe xuồng, máy nổ, máy phát điện, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong việc ứng phó với gió lốc, mưa bão, lũ lụt như chằng chống nhà cửa, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm. Đồng thời, tiến hành rà soát những hộ nằm ở vùng nguy hiểm, nhà cửa tạm bợ, dễ bị tổn thương… để có phương án di dời đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra.

Ông Bùi Như Lộc, Chủ tịch UBND xã Hải Định thông tin, trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, vừa đảm bảo phòng, chống Covid-19.

Từ những kinh nghiệm rút ra qua các năm, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và dự báo những diễn biến của tình hình thời tiết, dịch bệnh năm nay, xã Hải Định đã xây dựng các phương án chi tiết, sát với thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và “3 sẵn sàng”, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả.

Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị trước mùa mưa lũ. Ảnh: CĐ.

Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị trước mùa mưa lũ. Ảnh: CĐ.

Tổ chức rà soát, tu sửa các địa điểm trú tránh tập trung như Trung tâm học tập cộng đồng, Trường học, trụ sở HTX… để tiếp nhận đủ số người dự kiến sơ tán, di dời trong thời gian xảy ra sự cố thiên tai, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống Covid-19.

Chú trọng phương châm “4 tại chỗ”

Tương tự, tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng nhằm chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh Covid-19, UBND xã đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ số lượng hộ, khẩu tại các khu vực có nguy cơ buộc phải sơ tán dân trước bão, lũ. Chuẩn bị cơ sở vật chất các điểm đến sơ tán vừa đảm bảo PCTT và phòng chống dịch bệnh theo từng cấp độ.

Đặc biệt chú ý rà soát kỹ đối với người đang cách ly y tế tại nhà. Kiện toàn lực lượng Công an, Quân sự và lực lượng xung kích sẵn sàng tham gia vừa phòng chống thiên tai vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an ninh, an sinh xã hội.

Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, địa phương đã xây dựng các phương án sơ tán dân trong vùng có nguy cơ theo từng cấp độ thiên tai, tình hình diễn biến Covid-19 và điều kiện từng đơn vị.

Cụ thể, đối với điểm đến sơ tán là nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư, nếu có người thuộc đối tượng cách ly y tế tại nhà đến sơ tán phải đảm bảo đủ điều kiện việc cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với điểm đến sơ tán là trụ sở cơ quan, trường học nếu có đối tượng cách ly y tế tại nhà đến sơ tán thì bố trí phòng riêng, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Yêu cầu các lực lượng trong quá trình tham gia ứng phó thiên tai phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K. Đồng thời, chủ động phương án về trang thiết bị y tế, phương tiện, hóa chất, thuốc, vật tư y tế, sẵn sàng phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, cấp cứu, lấy mẫu xét nghiệm.

Xây dựng phương án phong tỏa khi có nguồn lây nhiễm theo hướng áp dụng ở phạm vi hẹp nhất, đảm bảo kiểm soát được các yếu tố nguy cơ nhưng không ảnh hưởng đến công tác PCTT tại từng địa bàn.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, để chủ động phòng tránh và ứng phó thiên tai trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản chi tiết ứng phó thiên tai theo từng tình huống, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân, gắn với các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cộng đồng thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng chủ động huấn luyện phương án cứu hộ trước mùa mưa lũ. Ảnh: CĐ.

Cộng đồng thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng chủ động huấn luyện phương án cứu hộ trước mùa mưa lũ. Ảnh: CĐ.

Tổ chức kiện toàn lực lượng xung kích cấp xã, đảm bảo huy động, phản ứng nhanh, kịp thời “trước, trong và sau bão, lụt”; phân công phụ trách từng thôn, xóm để trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân phòng, tránh.

Bổ sung các điểm dự kiến sơ tán tập trung nhằm giảm mật độ người sơ tán tại từng điểm. Chuẩn bị đầy đủ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân nơi sơ tán.

Vận động người dân dự trữ đủ lương thực, nước uống, thuốc men sử dụng tối thiểu 10 ngày khi có bão, lụt xảy ra. Tổ chức kiểm tra, sửa chữa, vận hành các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN; kiểm tra, tháo dỡ vật cản, cây cối trên đường tràn và khơi thông tuyến tràn xả lũ các hồ đập, đồng thời bố trí người trực để xử lý trong tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn hồ đập...

Toàn huyện Hải Lăng có 13/16 xã, thị trấn với hơn 3/4 dân số thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, bão lũ đã gây thiệt hại trên 570 tỉ đồng. Hơn 17.808 hộ dân bị ngập lụt, chiếm tỷ lệ 76,92%; có 5 người chết, 24 người bị thương; hơn 573 ngôi nhà bị hư hỏng.

Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... bị ngập nước, hư hỏng và sạt lở nghiêm trọng

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.