| Hotline: 0983.970.780

Đáng nể người sáng chế ra hệ thống chống trộm vườn cây trái

Thứ Năm 10/05/2018 , 10:05 (GMT+7)

Sau khi NNVN đăng loạt bài: “Trộm tấn công vườn cây ăn trái”, chúng tôi đã tìm gặp anh Đặng Văn Lợi (TX Long Khánh, Đồng Nai), người sáng chế ra hệ thống báo động chống trộm giúp bảo vệ vườn cây rất hữu ích. 

Hiện anh đang lắp đặt hệ thống chống trộm này cho vườn nhà mình và nhiều vườn cây khác…
 

Ý tưởng từ nhu cầu thực tế

Chúng tôi tìm đến nhà anh Lợi, đúng lúc anh đang lúi húi lắp đặt hệ thống thiết bị báo động chống trộm cho vườn sầu riêng (gần 1ha) nhà mình khi chuẩn bị vào mùa thu hoạch trái.

14-52-28_1
Anh Lợi bên góc nghiên cứu của mình

Theo anh Lợi, thời gian gần đây thường xảy ra tình trạng cứ đến mùa thu hoạch nông sản thì lại bị kẻ xấu hoành hành suốt ngày đêm, phá hoại và trộm trái cây. Các nhà vườn thường hay bị mất trộm trái cây vào ban đêm, nhất là sầu riêng, mít, bưởi... vì giá những loại quả này khá cao. Có nhà vườn đã bị mất trộm cả tạ trái cây trong một đêm, thậm chí chúng còn phá hoại vườn cây trái.

Để có được những vườn cây trái trĩu quả thơm ngon là cả quá trình nhiều năm bà con chăm bón, tiêu tốn biết bao công sức và tiền bạc. Khi trồng cây đã đến ngày hái quả lại bị kẻ trộm vào “xơi” mất khiến bà con rất bức xúc. Tuy nhiên, do địa hình đất vườn rẫy rộng, các đối tượng trộm cắp lại hoạt động rất tinh vi nên bà con khó canh bắt được.

“Ngoài ra, ý tưởng làm sản phẩm này xuất phát từ chính nỗi bức xúc của gia đình tôi vì cũng là nạn nhân của bọn trộm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết tâm dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu làm hệ thống báo động này”.

Trước khi hệ thống chống trộm của anh Lợi ra đời, các nhà vườn đã phải tìm nhiều cách để chống trộm, như cắt cử người canh giữ vườn ngày đêm (nhưng giải pháp này rất mệt mỏi vì ban ngày bà con phải đi làm không đủ sức khỏe để thức đêm).

Một số nhà vườn còn tìm mua thiết bị chống trộm hồng ngoại về gắn ở vườn rẫy, nhưng thấy hiệu quả không cao vì vùng quét của thiết bị hẹp (chỉ khoảng vài mét) và quét theo hình nón, trong khi vườn rẫy lại dài. Nhiều hạn chế khác nữa như mỗi khi có động vật chó, gà chạy trong vườn rẫy thì thiết bị vẫn phát tín hiệu báo trộm. 

14-52-28_4
Anh Lợi với những thiết bị chống trộm chuẩn bị lắp đặt
“Lúc đầu bắt tay vào làm mình cũng gặp không ít trục trặc như dùng chất liệu của một số thiết bị chưa phù hợp, việc căng dây gặp khó khăn do vườn rẫy khá rộng. Tuy nhiên, sau gần cả tháng ăn ngủ tại vườn mày mò nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng mình đã tìm ra được giải pháp sản phẩm như ý!”, anh Lợi tâm sự.

Tuy nghề chính là giáo viên dạy thể dục nhưng ngay từ nhỏ anh Lợi đã sống gắn bó với vườn rẫy và sẵn có niềm đam mê nghiên cứu, anh bắt đầu tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, dùng những vật dụng có sẵn đã qua sử dụng để tái chế thành hệ thống báo động chống trộm.
 

Sẵn sàng chuyển giao

Theo anh Lợi, để chế tạo hệ thống báo động chống trộm vườn rẫy thì cần một số vật liệu, thiết bị như dây điện có cáp (tùy theo chiều dài vườn rẫy), dây điện 1.5mm (5m), dây cước không giãn (tùy theo chiều dài vườn rẫy), dây kẽm (5m), ống nhựa Þ34 (dài 10cm), còi hú (công suất 20W), bóng đèn (công suất 7W), bi sắt…

Cầm trên tay những thiết bị chống trộm, anh Lợi khẳng định: “Để tạo hệ thống thiết bị báo động chống trộm vườn rẫy này rất đơn giản, chỉ cần nhìn qua bản vẽ và nghe hướng dẫn sơ qua các bước thực hiện thì ai cũng có thể làm được”.

Nguyên lý vận hành được anh Lợi giải thích, là sau khi lắp đặt hệ thống báo động chống trộm vào vị trí thích hợp ở vườn rẫy, chỉ cần một nguồn điện AC 220V hoặc nguồn điện DC 12V ở khu vực vườn rẫy chưa có điện lưới (nếu cấp nguồn này thì đổi lại các thiết bị còi hú và bóng đèn cho phù hợp).

14-52-28_5
14-52-28_6
Lắp đặt hệ thống báo động chống trộm bảo vệ vườn cây trái

Lúc này, trong hệ thống đã có nguồn điện nhưng các thiết bị còi hú và đèn không hoạt động vì lõi nhựa ở ống nhựa Þ34 đã làm cho mạch hở nên dòng điện không đi qua được. Khi đối tượng đi vào khu vực của chủ vườn cài cắm và chạm phải sợi dây cước của hệ thống thì lập tức còi sẽ hú to và bóng đèn tự bật sáng lên khiến đối tượng hoảng loạn bỏ chạy.

Ngoài ra, còn có phương án khác là ráp hệ thống còi hú (chọn loại có công suất nhỏ, đủ nghe) vào khuôn viên nhà để đối tượng vào khu vực chủ vườn bố trí khi chạm phải dây cước mà không nghe được còi hú và không thấy sáng đèn, sau đó chủ nhà có thể gọi người nhà hoặc bà con xung quanh phối hợp vây bắt trộm. Theo anh Lợi phương án này nên hạn chế áp dụng vì các đối tượng trộm rất táo tợn và manh động.

Ưu điểm của hệ thống báo động chống trộm là đáp ứng được yêu cầu của bà con nông dân, rất dễ làm và dễ lắp đặt, không gây nguy hiểm cho người sử dụng và đối tượng trộm cắp; hạn chế được báo động giả như các thiết bị báo động hồng ngoại; đáp ứng theo ý của nhà vườn. Đặc biệt, chi phí thấp, chỉ cần tận dụng các thiết bị có sẵn trong vườn rẫy như ống nhựa, dây điện thoại và một số thiết bị rất dễ mua trên thị trường.

Tuy nhiên, bộ sản phẩm sáng chế của anh không với mục đích kinh doanh thương mại mà anh chỉ mong muốn giúp được nhiều người ứng dụng hiệu quả vào vườn rẫy. Anh sẵn sàng hướng dẫn giúp nhà vườn nào có nhu cầu về cách tự thiết kế bộ sản phẩm và lắp đặt vào vườn cây để chống trộm.

Sáng chế hệ thống chống trộm của anh Lợi đã được giải cao trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017

Sau khi hoàn thành hệ thống chống trộm, anh Lợi đã tự tin mạnh dạn đem sản phẩm đi tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017, đã đạt giải cao. Đây cũng là phần thưởng xứng đáng để thầy giáo trẻ mê sáng chế nông cụ này tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu giúp ích cho chính gia đình mình và xã hội. 

Theo anh Lợi, giá một thiết bị báo động chống trộm bằng quét hồng ngoại từ 220.000 - 350.000 đồng. Hay hệ thống báo động chống trộm hồng ngoại với nhiều thiết bị quét và điều chỉnh vùng quét, hệ thống tự động gọi điện khi đối tượng vào vùng quét được bán với giá khá cao, khoảng 1,8 - 10 triệu đồng/bộ, tùy loại và thương hiệu. Tuy nhiên, hệ thống thiết bị của anh Lợi sáng chế chỉ có 109.000 đồng/bộ, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với các sản phẩm khác. 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...