| Hotline: 0983.970.780

Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi

'Đánh' gà, vịt lậu ở cả biên giới lẫn nội địa

Thứ Hai 16/10/2023 , 11:11 (GMT+7)

14h30 hôm nay (17/10), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

14h30 hôm nay (17/10), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Tham dự có đại diện Bộ Quốc phòng, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính, các tỉnh biên giới, các hiệp hội, doanh nghiệp chăn nuôi và khoảng 50 cơ quan báo chí.

Link Zoom tham dự cuộc họp trực tuyến: https://zoom.us/j/92088287339?pwd=bW5ka1ZhRDBjT0NnT1N6ZGVWQmhwZz09

Tên đăng nhập: 920 8828 7339; Mật khẩu: 132310

Vào cuộc quyết liệt

Sau loạt bài “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi” được khởi đăng từ ngày 12/9/2023, bao gồm cả phóng sự truyền hình và bài điều tra trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT liên tiếp ban hành 6 văn bản gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội đề nghị vào cuộc, phối hợp để ngăn chặn thực trạng mà báo phản ánh.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ hơn 1.800 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc vào chiều 3/10/2023. Ảnh: Minh Phúc.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ hơn 1.800 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc vào chiều 3/10/2023. Ảnh: Minh Phúc.

Bài liên quan

Bắt đầu từ đây, lực lượng chức năng của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… đã vào cuộc quyết liệt hơn, qua đó bắt giữ và xử lý nhiều vụ buôn lậu gia cầm, nhất là gia cầm giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn gửi Chính phủ và Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2023, các lực lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý và tiêu hủy 100.000 con gà, vịt giống, hơn 8.500kg sản phẩm từ gia cầm các loại (gồm chân gà, đùi gà bảo quản đông lạnh, vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, chân gà đóng túi hút chân không).

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình. Ngày 3/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng và UBND các huyện biên giới để quyết liệt triển khai và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp diễn ra sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam có các bài điều tra, clip phản ánh nạn buôn lậu gia cầm đang diễn ra ở khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình của tỉnh này.

Các đối tượng vận chuyển gia cầm giống nhập lậu từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tháo chạy.

Các đối tượng vận chuyển gia cầm giống nhập lậu từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tháo chạy.

UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Công an tỉnh tăng cường lực lượng nắm tình hình, đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nội địa, đặc biệt là các hành vi chống đối các lực lượng chức năng; phối hợp với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam thu thập thông tin, tài liệu để xác lập chuyên án đấu tranh, xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới theo nội dung bài báo phản ánh.

Khởi tố vụ án vận chuyển giống gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam

Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc, Thủ tưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, đến nay, các lực lượng Công an tỉnh đã thu giữ hơn 60.000 con gà giống từ Trung Quốc vào nước ta. Quan điểm của lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn là đấu tranh quyết liệt với tình trạng này và phải làm rõ được đường dây vận chuyển trái phép gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Cũng theo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, qua công tác trinh sát, bắt giữ các vụ việc, có thể phân ra làm hai nhóm đối tượng. Thứ nhất, là những người thu gom ở các tỉnh phía sau để phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân. Thứ hai là các đối tượng vận chuyển thuê từ biên giới ra thành phố hoặc các khu vực trung chuyển, đa số là cư dân biên giới, vận chuyển bằng xe gắn máy. Và để tránh phát hiện, các đối tượng không đi đường chính mà đi đường vòng qua các làng bản.

Bài liên quan

Thậm chí, có những đối tượng sau khi lao vào lực lượng chức năng thì bỏ cả hàng, cả gà chạy trốn để không bị truy cứu trách nhiệm. Vì lợi nhuận cho nên các đối tượng vận chuyển qua biên giới và cả đối tượng vận chuyển trên đường rất manh động.

Tại tỉnh Cao Bằng, khoảng 1h ngày 25/9/2023, Đồn Biên phòng Thị Hoa chủ trì phối hợp với Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tuần tra tại khu vực xóm Bản Thưn, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, kiểm tra, phát hiện xe ôtô tải chở 19.500 gà con giống. Tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hoá trên. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng xác định thêm 2 đối tượng chủ mưu trong đường dây tổ chức vận chuyển trái phép số gia cầm trên từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đồn Biên phòng Thị Hoa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra theo thẩm quyền và bàn giao vụ án cùng tang vật, phương tiện cho Công an huyện Hạ Lang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tại tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 23/8 đến nay lực lượng chức năng của địa phương đã bắt giữ được một số vụ vận chuyển con giống gia cầm cả trên đường bộ và trên biển, thu giữ và tiêu hủy nhiều vạn con giống gia cầm. Đáng chú ý, ngày 1/10, Đồn Biên phòng Trà Cổ còn phát hiện một người Trung Quốc chở gần 18.000 con gà giống sang vùng biển phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Còn tại Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh có tình trạng các giống gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc được bày bán công khai với số lượng cả vạn con mỗi ngày tại chợ đầu mối giống gia cầm Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Thậm chí, có trường hợp xe chở con giống gia cầm nhập lậu (không có giấy tờ kiểm dịch) từ huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) ngang nhiên qua chốt kiểm dịch động vật liên ngành do UBND Thành phố Hà Nội quyết định thành lập mà không bị kiểm tra, xử lý. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội cho biết, sẽ lập đoàn kiểm tra và phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Dương để xác minh, làm rõ, và xử lý trách nhiệm của cán bộ trực chốt theo đúng quy định nếu có vi phạm.

Cuộc chiến lâu dài

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm trong nước phải giảm đàn 50 - 60% vì không thể chịu nổi thua lỗ khi bán con giống gà, vịt dưới giá thành sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh cũng phải cắt giảm đàn 20 - 30%.

“Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thảm cảnh trên chính là vấn nạn nhập lậu gia cầm giống từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam diễn biến phức tạp và rộ lên trong thời gian gần đây”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết, các giống gà, vịt nhập lậu không rõ nguồn gốc dẫn đến sự xâm nhập các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác từ nước ngoài vào Việt Nam.

Do con giống nhập lậu không được kiểm dịch, không được tiêm phòng vacxin, lại nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1-3 tháng thì mắc bệnh và chết, khiến nông dân thua lỗ nặng nề, làm giảm sức sản xuất.

Tuy nhiên, một số nông hộ dù biết thực trạng này, vẫn đánh liều nuôi con giống nhập lậu. Ông Sơn cho rằng nguyên nhân quan trọng xuất phát từ việc giống rẻ, chỉ từ 8.000đ/con.

Có một số lý do khiến giá gà giống của Trung Quốc rẻ. Thứ nhất, đây là những con giống không được kiểm soát chất lượng và không được tiêm vacxin phòng bệnh (để tiết giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh về giá). Thứ hai, một số giống như con chíp Tàu, sau khi ấp nở, họ tách con mái ra để lại nuôi lấy trứng. Những con trống thì loại thải, bán rẻ như cho, thậm chí bất chấp giá nào cũng bán. Thương lái mua rồi tìm cách vận chuyển vào Việt Nam để kiếm lợi nhuận.

Bài liên quan

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần lập chuyên án điều tra các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân về tác hại khi buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, không chỉ có các địa phương biên giới, mà các địa phương trong nội địa, ví dụ như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng cần mạnh tay với sản phẩm gia cầm, gia cầm giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch. Bởi, các sản phẩm nhập lậu này chủ yếu được tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Vì vậy, vấn đề nằm ở chỗ các địa phương này biết hay không biết và họ có hành động quyết liệt hay không.

“Tôi nghĩ rằng, các đối tượng sử dụng ô tô chở số lượng lớn con giống không rõ nguồn gốc đi xuyên qua nhiều địa phương như vậy thì không ai là không biết, quan trọng là họ xử lý như thế nào. Nếu không xử lý nghiêm thì tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn”, ông Sơn nói.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt giữ vụ vận chuyển 1.050 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt giữ vụ vận chuyển 1.050 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Có tồn tại đường dây lợi ích nhóm?

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cần đặt ra câu hỏi "có lợi ích nhóm hay không" khi vấn đề buôn lậu gia cầm diễn ra nhiều năm trời.

Suốt 2 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm liên tục thua lỗ. Vừa rồi giá thịt gà, thịt vịt mới phục hồi. Đây là thời điểm bà con vào đàn để gỡ gạc phần nào khoản lỗ, thì lại bị giáng đòn chí mạng bởi con giống nhập lậu ồ ạt tràn biên. Nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng, không riêng gì con thương phẩm lấy thịt, trứng mà kể cả con giống cũng phải bỏ đi.

Ông Trọng cho biết, thực chất tình trạng buôn lậu gia cầm giống qua đường biên giới đã diễn ra hàng chục năm rồi, đặc biệt là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Cao Bằng và Hà Giang cũng có. Việc vận chuyển con giống nhập lậu theo rất nhiều cách, kể cả vận chuyển trứng sang Việt Nam để ấp.

Bài liên quan

“Cách đây 9 năm, chúng tôi kiểm tra hoạt động của khu chợ đầu mối gia cầm giống Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì thấy có nhiều con giống của Trung Quốc, nhưng lại được ấp nở tại Việt Nam”.

Khi truy ra mới biết có một người Trung Quốc tên là A Thắng thành lập hẳn một trạm ấp ở tỉnh Bắc Ninh quy mô 40 lò, sau đó nhập từng container trứng từ Trung Quốc về ấp nở. Chúng tôi đã cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đến để kiểm tra những cơ sở ấp đó và lên cả các chợ biên giới phía Bắc ghi lại bằng chứng về tình trạng nhập lậu con giống gia cầm diễn ra rất thường xuyên và liên tục.

Khi giá con giống ở Việt Nam và Trung Quốc chênh lệch lớn thì người ta bất chấp mọi quy định, bất chấp mọi ảnh hưởng đến sản xuất trong nước cũng như mọi tình hình an ninh xã hội, an ninh kinh tế và cả an toàn dịch bệnh.

Hầu như những bệnh dịch trên vật nuôi của Trung Quốc có là Việt Nam sẽ có. Do việc giao thương chứ không riêng gì con giống, kể cả thực phẩm nhập qua đường tiểu ngạch cũng vậy. Tuy nhiên, việc nhập lậu con giống vẫn là nguy cơ cao nhất làm lây lan dịch bệnh từ nước ngoài vào.

Chẳng hạn như trước đây, Trung Quốc có dịch bệnh cúm gia cầm, sau đó Việt Nam cũng có. Hoặc một số bệnh khác như dịch tả lợn Châu Phi cũng vậy, Trung Quốc xảy ra trước, sau đó Việt Nam cũng ghi nhận ổ dịch vào tháng 2/2019. Và, có thể dịch bệnh từ Việt Nam cũng sang Trung Quốc chứ không riêng gì Trung Quốc sang Việt Nam.

"Quá trình làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, tôi thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền các địa phương lúc nào ra tay kiểm soát chặt chẽ thì vẫn kiểm soát được; lúc nào lơ là buông xuôi thì hoạt động buôn lậu lại tiếp tục diễn ra", ông Trọng cho biết.

Một khó khăn khác được ông Trọng nêu ra là tất cả biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang thì Trung Quốc đã có hàng rào rất chặt chẽ, cứ 50m lại có camera theo dõi. Nhưng đường mòn, lối mở thì vẫn mở được và mở rất nhiều. Không chỉ sản phẩm chăn nuôi mà các sản phẩm khác vẫn “vượt biên”. Đặc biệt, những dịp người dân có nhu cầu cao thì kể cả gà thải loại cũng sang Việt Nam rất nhiều.

Có thời điểm, gà thải loại phía bên kia biên giới bán chỉ mười mấy nghìn đồng một cân (kg), nhưng về Việt Nam bán hơn 100.000 đồng, lợi nhuận gấp mấy lần, không khác gì buôn ma túy. Cho nên, họ bất chấp mọi giờ giấc, mọi thời gian, mọi sự kiểm soát thậm chí là bất chấp an toàn tính mạng để đưa gà thải loại về nội địa tiêu thụ.

Điển hình như cuối năm 2012, 2013, 2014, mỗi ngày có vài chục xe chở gà thải loại chuyển từ khu vực biên giới ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội. Có những chuyến tôi đi cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, hôm trước thì chợ Hà Vỹ vẫn bán nhiều gà thải loại, nhưng đến hôm đi kiểm tra thì dọc đường từ Lạng Sơn về Hà Nội cũng như chợ Hà Vỹ không thấy bóng dáng một con gà nào.

Bài liên quan

Trên thực tế, cả nước có hàng vạn cơ sở sản xuất con giống gia cầm, mặc dù pháp luật đã quy định rõ, trang trại phải có đăng ký, nông hộ phải khai báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, phải đến năm 2025 mới có hiệu lực thực thi nên trong thời gian này chúng ta chưa thể xử lý được.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đối với ngành chăn nuôi của một quốc gia, trừ những tình huống “cực chẳng đã” như năm 2020, trong nước quá thiếu lợn thịt thì Bộ NN-PTNT mới trình Chính phủ cho phép nhập khẩu vật nuôi sống về giết mổ. Còn ở thời điểm bình thường, việc để cho giống gia súc, gia cầm từ nước ngoài tràn vào trong nước là tối kỵ, chưa nói đến việc đó là con giống nhập lậu, chẳng có cơ quan nào kiểm tra, giám sát.

"Khó như ma túy chúng ta còn phải làm, mà ngăn chặn buôn lậu con giống thì không đến mức khó như vậy. Bởi con gà, con vịt, con lợn là sinh thể sống. Nó biết kêu và không thể giấu kín trong cái túi nilon hay bao tải được, phải chở số lượng lớn bằng các phương tiện khác nhau, có không khí để con vật còn thở. Bởi vậy, không thể nói là cơ quan chức năng không biết, không phát hiện được", ông Dương nhấn mạnh.

"Loạt bài điều tra "Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi" của Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chỉ rất rõ địa chỉ, đơn vị và đường buôn lậu từ Trung Quốc vào nước ta, cũng như các tổ chức cá nhân liên quan.

Gần đây trong cuộc họp giao ban với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, tôi đều chỉ đạo các đơn vị phải tham gia một cách tích cực, quyết liệt để ngăn chặn vấn đề buôn lậu gia cầm giống và Cục Thú y cũng đã chủ động tham mưu cho Bộ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo. Đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, hệ thống thú y các tỉnh, thành, nhất là Chi cục Chăn nuôi - Thú y phải vào cuộc. Không lý gì mà nhập lậu số lượng lớn như vậy, đường dây như vậy mà không biết được", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.