| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức nông sản miền Tây Quảng Trị: (Bài 3): Hồ tiêu Hướng Hóa

Thứ Tư 09/09/2020 , 07:15 (GMT+7)

Cùng với cây cà phê, chuối, sắn… hồ tiêu là một trong những cây trồng công nghiệp có giá trị kinh tế cao đối với nông dân huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Một vườn thâm canh hồ tiêu sạch ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Một vườn thâm canh hồ tiêu sạch ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Hiệu quả mô hình xen canh "2 trong 1"

Một trong những cách mở rộng diện tích hồ tiêu được nhiều nông dân lựa chọn hiện nay là chuyển đổi một phần diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng tiêu hoặc trồng xen canh với cây cà phê. Ngoài ra, một số gia đình tìm cách khôi phục, chăm sóc trở lại những vườn hồ tiêu một thời bị bỏ hoang do sâu bệnh và do giá hồ tiêu giảm sâu.

Xã Hướng Phùng là một trong những địa phương của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có nhiều lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Hiện nay bên cạnh tích cực đầu tư thâm canh cây cà phê theo hướng bền vững, nhiều nông dân trên địa bàn còn tích cực mở rộng diện tích cây hồ tiêu hữu cơ bằng hình thức xen canh với vườn cà phê.

Gia đình nông dân Lê Đình Hào ở thôn Hướng Phú, một trong những hộ đi đầu trong việc phát triển cây hồ tiêu ở xã Hướng Phùng. Trên diện tích gần 1 ha, anh Hào bỏ vốn đầu tư trồng 500 gốc hồ tiêu bằng choái bê tông, canh tác theo phương thức hữu cơ. Với lợi thế về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, vườn tiêu của gia đình anh Hào sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Anh Hào khoe rằng, có thời điểm giá tiêu tăng cao, mỗi năm riêng vườn tiêu của anh cho thu nhập gần 200 triệu đồng/vụ. Nhờ cây hồ tiêu, gia đình anh vừa có của ăn của để, vừa dư giả tiền bạc để đầu tư cho con cái học hành.

Một mô hình hồ tiêu xen canh cà phê của nông dân huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Một mô hình hồ tiêu xen canh cà phê của nông dân huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hồ tiêu xanh mướt, đang chờ ngày thu hoạch, anh Hào cho biết: “Trước đây, cũng như hầu hết các gia đình ở địa phương, tôi chủ yếu trồng cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cà phê thường rơi vào tình trạng bấp bênh, thu nhập bị ảnh hưởng, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhiều hộ nông dân loay hoay tìm các loại cây khác để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì tôi quyết định đầu tư vốn mua giống tiêu, choái về trồng xen canh với cây cà phê”.

Theo anh Hào, mô hình “2 trong 1” này khá hiệu quả với nông dân trước thực trạng giá cả các loại nông sản khá bấp bênh như hiện nay. Từ khi triển khai mô hình xen canh này, thu nhập của gia đình ít bị ảnh hưởng ngay cả khi giá cả nhiều loại nông sản xuống thấp. Anh nói, khi giá tiêu thấp thì có cà phê bù vào, và ngược lại. "Cách làm này đã giúp không ít nông dân vượt qua "cơn bĩ cực" về giá nông sản những năm gần đây. Bây giờ, không chỉ riêng gia đình tôi, cây hồ tiêu cũng được nhiều nông dân ở xã Hướng Phùng lựa chọn để phát triển kinh tế sau cây trồng thứ 2 là cà phê”, anh Hào khẳng định.

Từng là một địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất ở huyện Hướng Hóa, một thời gian dài, cây hồ tiêu đã giúp cho không ít nông dân trên địa bàn xã Tân Liên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch bệnh chết nhanh những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng đó là sự “lên ngôi” của cây cà phê Arabica đã khiến diện tích hồ tiêu giảm sút trầm trọng, nhiều vườn hồ tiêu bị bỏ hoang, không được đầu tư chăm sóc, cây hồ tiêu gần như bị lãng quên.

Những năm gần đây, bên cạnh các loại cây trồng khác, hồ tiêu đã tìm lại vị thế của mình là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương này. Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 50 ha hồ tiêu. Với năng suất bình quân những năm gần đây đạt khoảng 2,8 tấn/ha, mỗi năm nông hộ trồng tiêu thu về cả trăm triệu đồng. Để phát triển tốt diện tích hồ tiêu hiện có, hàng năm chính quyền xã đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng tiêu cho bà con trên địa bàn”.

Phát triển thương hiệu tiêu sạch

Từ khi cây tiêu Quảng Trị được công nhận chỉ dẫn địa lý và đăng ký nhãn hiệu tập thể, diện tích hồ tiêu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều được nông dân đầu tư mở rộng. Người trồng tiêu ở huyện Hướng Hóa cũng không là ngoại lệ. Tính đến nay, địa phương này đã phát triển được 205 ha hồ tiêu, trở thành một trong những vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.

Hồ tiêu Quảng Trị nổi tiếng có mùi thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Công Điền.

Hồ tiêu Quảng Trị nổi tiếng có mùi thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Công Điền.

Theo đánh giá, với khí hậu và chất đất khu vực xung quanh thị trấn Khe Sanh và các xã vùng Bắc Hướng Hóa rất phù hợp với cây hồ tiêu. Tuy nhiên, để cây hồ tiêu phát triển bền vững theo hướng canh tác hữu cơ, có thể giúp nông dân làm giàu đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả lâu dài của cả chính quyền và người dân.

Cách đây 4 năm, với mục tiêu khôi phục và phát triển diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tổ chức Roost of Peace (ROP) của Mỹ đã hỗ trợ thành lập 3 câu lạc bộ trồng và chăm sóc tiêu bền vững tại xã Tân Liên.

Tham gia dự án này nông dân được hỗ trợ 50% chi phí vật tư, cây giống, kinh phí tập huấn kỹ thuật, người dân tham gia đối ứng 50% vốn còn lại. Đây là mô hình liên kết khá hiệu quả trong việc phát triển cây hồ tiêu, được nhiều nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Hiện toàn xã Tân Liên đã có 90 hộ gia đình tham gia các câu lạc bộ trồng tiêu bền vững.

Tuy có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu quy mô nhưng việc phát triển bền vững cây hồ tiêu ở huyện Hướng Hóa vẫn còn gặp một số khó khăn. Đến nay địa phương này vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng, chi tiết về những vùng trồng tiêu, người dân chủ yếu mở rộng diện tích theo kiểu tự phát, tình trạng được giá thì đua nhau trồng, mất giá thì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác vẫn còn xảy ra.

Người dân chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Công Điền.

Người dân chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Công Điền.

Một vấn đề nữa đó là trên địa bàn huyện vẫn chưa có một bộ giống chuẩn nào, nhiều nguồn giống tiêu được đưa từ các địa phương khác đến trồng khi chưa được cơ quan chức năng kiểm định nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hoặc nông dân tự ươm lấy giống bằng các giống địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh mà trên thực tế đã xảy ra ở các địa phương khác, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Do vậy, để cây hồ tiêu phát triển bền vững ở huyện Hướng Hóa, trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho ngành sản xuất nông nghiệp địa phương đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan quản lý chuyên môn cần có nhiều giải pháp căn cơ. Theo đó, chính quyền từ huyện đến tỉnh Quảng Trị cần đề ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ thích hợp, đúng đối tượng để giúp người dân yên tâm phát triển cây trồng có giá trị này.

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác khoảng 2.100 ha, phần lớn đều canh tác theo kiểu cũ nên năng suất thấp hơn nhiều so với các vùng khác.

Thời gian gần đây, bên cạnh tăng cường khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, Sở NN-PTNT Quảng Trị đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích tiêu hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh.

Đây được xem là giải pháp đột phá để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn chung của các ngành hàng nông sản hậu Covid-19.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.