| Hotline: 0983.970.780

Trồng xen cây ăn trái 'nuôi' cà phê, hồ tiêu

Thứ Sáu 29/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Hầu hết các vườn cà phê, hồ tiêu ở Đăk Lăk đều trồng xen cây ăn trái. Khi cà phê, hồ tiêu xuống giá, cây ăn trái trở thành cứu cánh.

Đăk Lăk đang hướng đến vùng cây ăn trái tập trung để phát triển bền vững. Ảnh: Ngọc Thăng.

Đăk Lăk đang hướng đến vùng cây ăn trái tập trung để phát triển bền vững. Ảnh: Ngọc Thăng.

Trồng xen, hướng đi phù hợp

Cũng như những địa phương khác, nông dân trồng hồ tiêu, cà phê ở huyện Krông Păk (Đăk Lăk) chịu thiệt hại khi giá các loại nông sản này xuống thấp. Tuy nhiên, họ vẫn có thể duy trì vườn và vẫn sống khỏe nhờ vào nguồn thu nhập từ các loại cây ăn trái trồng xen.

Bà Nguyễn Thị Hương, nông dân xã Ea Knuếc cho hay, gia đình bà canh tác 1ha cà phê và trồng xen sầu riêng.

"Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê có thể bố trí nhiều loại cây trong một đơn vị diện tích, tuy nhiên người dân không nên trồng quá nhiều loại cây trong một vườn cà phê, như vậy sẽ rất manh mún không mang giá trị hàng hóa.

Về chất lượng giống, người nông dân nên tìm đến các cơ sở kinh doanh giống được chính quyền cấp phép, khi mua phải lấy biên nhận, hóa đơn, tìm hiểu nguồn gốc giống cây để sau này truy cứu lại nếu có sự cố về chất lượng cây giống", TS Phan Việt Hà.

“Sầu riêng trong vườn đã bước sang năm thứ 10, cho trái đều đặn. Năm ngoái, vườn cho thu hoạch được 15 tấn trái, bán thu gần 500 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này mà kinh tế gia đình đỡ chật vật khi giá cà phê giảm sâu”, bà Hương thổ lộ.

Ở Đăk Lăk, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Hầu hết các vườn cà phê, hồ tiêu của người dân đều thực hiện mô hình trồng xen.

Tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, ông Bùi Đình Thành phát triển hàng trăm cây bơ trong 2ha vườn cà phê.

Nông dân 54 tuổi này cho hay, mùa vụ năm 2019, dù cà phê đạt năng suất cao nhưng số tiền mà gia đình ông thu về từ vườn chỉ xấp xỉ ở mức 70 triệu đồng. Cây bơ được ông trồng xen, chỉ xem là cây phụ thu nhưng lại mang về cho gia đình lợi nhuận cao hơn cây thuần.

Ông chia sẻ: “Bơ hợp đất, hợp khí hậu nên phát triển rất nhanh. Tôi trồng xen trong vườn cà phê và việc chăm sóc cây này không quá cầu kỳ nên rất nhàn nhạ. Năm rồi bơ được thương lái thu mua đều, giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg”.

Phát triển cây ăn trái xen trong vườn cà phê, hồ tiêu là mô hình phù hợp. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chủ yếu tự phát, sản phẩm làm ra tiêu thụ ở thị trường tự do, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Ông Y Niễm Ê Ban, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Păk cho hay: “Mấy năm gần đây, cứ cây trồng có giá trị cao thì người dân phát triển, chưa thực hiện theo quy hoạch. Do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tính toán, không phát triển ồ ạt một loại cây trồng nào đó”.

Cũng theo ông Y Niễm Ê Ban, huyện Krông Păk đang tổ chức phát triển cây ăn trái theo định hướng thành lập các tổ hợp tác, xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất theo VietGAP. Toàn huyện đã có khoảng 400ha cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, cung cấp mã truy xuất nguồn gốc. 

Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê cho thu nhập cao. Ảnh: NT.

Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê cho thu nhập cao. Ảnh: NT.

Hiện toàn tỉnh Đăk Lăk có khoảng trên 28,3 nghìn ha cây ăn trái các loại với tổng sản lượng khoảng 251 nghìn tấn.

Theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cây ăn trái của địa phương phân bố trên nhiều loại đất, trong đó sầu riêng và bơ chủ yếu được trồng xen trong các rẫy cà phê ở huyện Krông Păk, Krông Năng, Buôn Hồ và Krông Buk…

Các loại cây có múi và xoài được trồng nhiều ở Buôn Đôn, Ea Súp. Cây mít tại các huyện Ea Kar, M’Drăk, Krông Bông, Lắk được trồng xen trong rẫy cà phê hoặc đất chưa sử dụng, đất lâm nghiệp chuyển đổi.

Hình thành vùng tập trung, sản xuất có chứng nhận

Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho hay, một số cây ăn trái như nhãn, vải, sầu riêng… cho thu hoạch lệch vụ so với các tỉnh khác nên dễ phát triển thị trường. Người dân có kinh nghiệm trong phát triển cây trồng và tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên việc canh tác có nhiều thuận lợi. Theo bà Mai, diện tích cây công nghiệp dài ngày của địa phương lớn nên có thể mở rộng mô hình trồng xen cây ăn trái.

Đăk Lăk có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển mạnh cây ăn trái. Ảnh: NT.

Đăk Lăk có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển mạnh cây ăn trái. Ảnh: NT.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ đưa cây ăn trái trở thành cây trồng chính. Những khu vườn tạp sẽ được cải tạo thành vườn kinh tế và phát triển trồng xen cây ăn quả trong các vườn cây công nghiệp lâu năm, tuyển chọn cây chất lượng cao, phù hợp để sản xuất.

“Cần gắn việc xây dựng các vườn cây ăn quả, trang trại cây ăn quả với phát triển du lịch sinh thái. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của du khách vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hình thành các mô hình chuyên canh cây ăn quả để thuận tiện cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và chủ động liên kết sản xuất với doanh nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất có chứng nhận để nâng cao chất lượng lẫn giá trị nông sản”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk nêu quan điểm.

Hiện các sản phẩm trái cây của tỉnh Đăk Lăk tiêu thụ chủ yếu ở thị trường tự do hoặc xuất khẩu qua Trung Quốc.

Để hướng đến thị trường rộng lớn và xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk cho hay, Sở NN-PTNT đang xây dựng đề án về hệ thống mã số vùng trồng cho cây chủ lực của tỉnh đến năm 2030.

Ông cho biết: “Thời gian qua, Sở NN-PTNT Đăk Lăk phối hợp cùng Cục Bảo vệ Thực vật triển khai cấp 22 mã vùng trồng sầu riêng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Păk với tổng diện tích khoảng 230ha, 2 mã vùng trồng chuối tại huyện Krông Păk với tổng diện tích vào khoảng 100ha. Cấp mã vùng trồng cho 14ha bưởi ở Buôn Đôn và cấp chứng nhận VietGAP cho 300ha sầu riêng Krông Buk”.

Khung quy trình chuẩn

Để có khung chuẩn cho trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, tháng 9/2018 Bộ NN-PTNT đã ban hành quy trình trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng trong vườn cà phê vối.

Theo đó, quy trình này áp dụng đối với vườn cây thuộc các điều kiện như độ dốc vườn nhỏ hơn 15 độ, có nước tưới thuận lợi, tầng đất dày trên 0,7m, thoát nước tốt, mực nước ngầm sâu hơn 1m…

Quy trình này cũng áp dụng đối với tỷ lệ cà phê vối nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng, vườn tái canh.

Đối với cây hồ tiêu, giống trồng xen phải là loại giống đã được các cấp có thẩm quyền công nhận. Trồng theo khoảng cách từ 3x6m (mật độ 555 cây tiêu/ha) đến 6x6m (mật độ 278 cây tiêu/ha). Đối với cây bơ, giống trồng xen là loại có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, mật độ trồng xen từ 55-69 cây/ha với các khoảng cách 12x12m đến 12x15m.

Việc trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê cũng cần thực hiện các quy định về giống cây, mật độ. Trong đó, giống sầu riêng phải đạt chuẩn, chất lượng cao, mật độ từ 55-69 cây/ha với khoảng cách 12x12m-12x15m.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: Trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê là hướng đi đúng mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường, do vậy việc trồng xen người dân nên bố trí các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và nó có thể tương tác với vườn cà phê để bảo vệ môi trường.

Trồng xen cây nào thì có quy trình đó, tức là nó liên quan đến phòng trừ sâu bệnh hại và khoảng cách khác nhau nhưng phổ biến nhất là trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu có cây trụ sống.

Việc trồng xen không đúng kỹ thuật, trồng với mật độ quá dày dẫn tới mất sự cân bằng giữa cây cà phê và cây ăn quả, do đó không có hiệu quả kinh tế, môi trường, không có sự tương hỗ về mặt bảo vệ đất, bảo vệ vườn cây do các loại cây cạnh tranh nhau ánh sáng và dinh dưỡng.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.