* Bảo tồn để phát triển
Ông Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An được giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là khu DTSQ lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285 ha.
Thác Kèm, điểm du lịch nổi tiếng tại VQG Pù Mát
Đây là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõm gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về habitas và các sinh cảnh góp phần đắc lực vào việc duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học bất chấp những khó khăn do quá trình hoạt động của con người tạo ra.
Nói về tính đa dạng sinh học tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, ông Đặng Xuân Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An cho biết: "Theo các nhà khoa học trong và ngoài nước thì đây là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học phong phú và cao nhất của Việt Nam cũng như của khu vực và thế giới".
Tính đa dạng sinh học phân bố tập trung ở miền núi phía Tây thuộc khu vực phía Bắc dãy Trường Sơn nơi có ba khu rừng đặc dụng gồm VQG Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.
Trong đó VQG Pù Mát không chỉ có sự đa dạng về sinh thái và cảnh quan đã được UNESCO công nhận mà còn được đánh giá cao về sự đa dạng loài và vốn gen với 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ. Trong đó có 69 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt.
Tại đây có 132 loài thú, thuộc 11 bộ và 30 họ gồm 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ. Rất nhiều loài thú mới được phát hiện như Sao La, vượn đen má trắng, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn; các loài voi, hổ, sao la, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, các loài trĩ sao, công, gà lôi trắng, gà tiền, hồng hoàng, niệc cổ hung; rùa ba vạch, rùa núi viền, rùa hộp trán vàng, rắn lục xanh, rắn hổ chúa...
VQG Pù Mát hiện là nơi bảo vệ lưu giữ bảo tồn tầm cỡ quốc gia và có giá trị cho cả Lào và Đông Dương rất nhiều loài chim và thú thực sự có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam và trên thế giới…
Tương tự, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống tuy diện tích không lớn bằng VQG Pù Mát nhưng ở đây có đủ các loại hình thảm thực vật như ở Pù Mát (rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh), có tính đa dạnh sinh thái và cảnh quan, đa dạng loài và vốn gen.
Theo thống kê sơ bộ thì ở đây có khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 533 chi của 138 họ, trong đó có 33 loài quý hiếm đã ghi trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ.
Hệ động vật có tổng 48 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như voọc đen Hà Tĩnh, cu li nhỏ, vượn đen tuyền, chà vá, báo hoa mai, trĩ sao và gà lôi trắng...
Khu rừng đặc dụng Pù Hoạt nằm ở độ cao trên 2.000 m nên có hệ thực vật rừng đại diện cả á nhiệt đới và ôn đới nguyên sinh còn khá cao. Tại đây cũng có sự đa dạng về sinh cảnh và cảnh quan cũng như đa dạng loài và vốn gen...
Số lượng loài thực vật bậc cao hiện thống kê được khoảng 600 loài, trong đó có 30 loài quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam như bò tót, sơn dương, nai, mang lớn, hoẵng, voọc xám, vượn đen, hổ, báo hoa mai, báo lửa, báo gấm, sói, 2 loài gấu và các loài cầy...
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có những đặc trưng văn hóa độc đáo riêng được nối liền từ Khu Bảo tồn thiên nhiên từ Pù Hoạt xuống Pù Huống đến Pù Mát.
Đây là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số với bản sắc tập quán văn hoá độc đáo. Còn tồn tại những phong tục tập quán, sinh hoạt cổ của người Đan Lai, những nét riêng đặc thù bản sắc của người dân tộc Thái, Khơ mú, H'Mông.... là những nét đặc biệt có thể thu hút khách du lịch đến nghiên cứu tìm hiểu, khám phá.
Du khách có thể thoải mái tìm đến các địa chỉ du lịch văn hóa, cảnh quan độc đáo như quần thể khu du lịch tại Môn Sơn; làng nghề thổ cẩm Yên Thành - Lục Dạ; thành Trà Lân, bia Ma Nhai, hang Ông Trạng, đền Cửa Sót, đền Cửa Lũy, làng nghề mây tre đan xuất khẩu; khe Nước Mọc, hang Thắm Nàng Màn, hang Ốc; quần thể khu du lịch tại Thác Kèm; rừng săng lẻ, hang động tại Tam Đình; đỉnh Khe Thơi, đỉnh Pù Mát; đền 9 gian, thác Sao Va, bản Thái cổ Hủa Mương;
Các điểm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần bên hồ Hủa Na, thác Suối Pa, suối nước nóng, cửa khẩu Thông Thụ.
Các điểm du lịch sinh thái như thác Sao Va, thác 7 tầng; du lịch mạo hiểm, leo núi Pù Hoạt kết hợp với du lịch văn hóa: Tổ chức tour du lịch thăm bản người H’Mông ở xã Tri Lễ, leo núi Pù Hoạt...
Đó là chưa kể các điểm du lịch lễ hội nổi tiếng như lễ hội đền 9 gian (Quế Phong); lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu); lễ hội Mường Ham (Quỳ Hợp); lễ hội Đền Choỏng (Quỳ Hợp).
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An còn chứa trong lòng nó những nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú về chủng loại. Quặng thiếc tập trung ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ với tổng trữ lượng khoảng 100.000 tấn (lớn nhất cả nước).
Hy vọng trong thời gian tới, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An sẽ được đón nhận nhiều dự án quan trọng của các nhà đầu tư tiềm năng nhằm biến nơi đây thành một khu vực kinh tế - xã hội phát triển bền vững và ổn định, để thực hiện mục tiêu đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. |
Anh Sơn có nhiều mỏ đá vôi với trữ lượng hàng tỷ m3. Quỳ Hợp có nguồn khoáng sản đá trắng có giá trị xuất khẩu cao trữ lượng khoảng 7.000 triệu m3, đá bazan ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp cũng có tổng trữ lượng trên 260 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An còn có nhiều mỏ nước khoáng có chất lượng cao và dễ khai thác như các mỏ Bản Khạng, Bản Hợp, Bản Bo, Bản Lang (Quỳ Hợp), Cồn Soi (Nghĩa Đàn)... và nhiều loại khoáng sản quý, hiếm như vàng, đá quý có giá trị kinh tế cao hiện chưa được đánh giá trữ lượng.
Với một hệ thống sông có lưu vực khá lớn trên địa bàn, miền Tây Nghệ An còn có tiềm năng thủy điện lớn. Nhiều nhà máy thủy điện đã được xây dựng tại: Bản Vẽ, Bản Cốc, Khe Bố, Hủa Na, Sao Va, Nhan Hạc, Khe Thơi, Nậm Pông...
Cùng với hệ thống sông, miền Tây còn có một hệ thống các hồ, đập chứa hàng tỷ m3 nước. Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá ban tặng cho người dân Nghệ An.
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An hiện là một địa chỉ hấp dẫn mời gọi, chào đón, thu hút các nhà đầu tư tâm huyết vào cuộc trong các lĩnh vực văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu khoa học và xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng khai thác mọi các tiềm năng sẵn có để phát triển dựa trên nguyên tắc "Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”.