| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng xuất khẩu của Hải Phòng [Bài cuối]: Sớm đưa Hải Phòng thành trọng điểm chế biến thủy sản

Thứ Hai 04/12/2023 , 08:42 (GMT+7)

Để khai thác tối đa tiềm năng cực lớn, hiếm có, Hải Phòng đã quy hoạch lại vùng nuôi và có kế hoạch phát triển thành trọng điểm chế biến thủy sản của cả nước.

Quy hoạch lại vùng nuôi

Trước thực trạng tiềm năng phát triển nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu thủy sản đang còn nhiều, thành phố Hải Phòng đã có những chiến lược cụ thể để phát triển. Động thái mới đây nhất có lẽ là đề án và kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”; kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2030 đã được ban hành.

Nuôi cá lồng trên sông ở Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi cá lồng trên sông ở Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Lê Trung Kiên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng, để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, trước hết phải có nguồn nguyên liệu đảm bảo, bền vững sau đó là phát triển công nghiệp chế biến đủ tiêu chuẩn quốc tế. Cả hai lĩnh vực này Hải Phòng đều có kế hoạch triển khai cụ thể.

Riêng với nuôi lồng bè trên biển, Hải Phòng sẽ phát triển nuôi cá lồng bè trên địa bàn huyện Cát Hải với tổng số 117 bè nuôi, 42 giàn nuôi nhuyễn thể tại khu vực Ghẹ Gầm - Gia Luận. Đồng thời, sẽ thí điểm mô hình nuôi biển công nghiệp khu biển mở, xa bờ, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo ở khu vực Cát Bà, Bạch Long Vĩ.

Trước hết với lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản, theo kế hoạch, Hải Phòng đặt ra mục tiêu từ năm 2023 - 2030 sẽ duy trì ổn định diện tích nuôi trồng là 12.000ha, trong đó diện tích nuôi nội địa là 9.000ha, diện tích nuôi biển (ven bờ, bãi triều và trong đất liền) là 3.000ha.

Về đối tượng nuôi, ở khu vực nước ngọt các loại cá truyền thống, có giá trị kinh tế như cá trắm đen, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, chép lai... sẽ được nuôi theo hướng sản xuất tập trung tại các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Thủy Nguyên.

Với đối tượng thủy đặc sản, Hải Phòng khuyến khích nuôi các đối tượng mới, đối tượng đặc sản như cá chạch, ốc nhồi, ba ba,... đảm bảo phù hợp với xu hướng mở rộng sản xuất, đa dạng hình thức và đối tượng canh tác, tăng sức cạnh tranh và giá trị tiêu dùng.

Với khu vực mặn, lợ, theo kế hoạch, Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Các công nghệ nuôi mới, hình thức sản xuất tiên tiến như nuôi thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ sinh học, nuôi tuần hoàn,... đảm bảo an toàn dịch bệnh, có tính bền vững với môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững.

Quy hoạch lại nuôi cá lồng bè ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Quy hoạch lại nuôi cá lồng bè ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản, Hải Phòng tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm từ đầu vào của hoạt động sản xuất như con giống, vật tư sản xuất đến sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Mặt khác, sẽ tổ chức lại chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, thực hiện truy xuất nguồn gốc, gắn chế biển, tiêu thụ với vùng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, nguồn lực và mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chế biến.

“Mục tiêu của Hải Phòng là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm có nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Kiên cho hay.

Ưu tiên phát triển chế biến thủy sản

Thành phố Hải Phòng đã đặt ra mục tiêu và đã bắt đầu triển khai những công việc liên quan để sớm trở thành nơi có ngành chế biến thủy sản trọng điểm của cả nước, đủ điều kiện phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng sẽ phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đinh Mười.

Trong thời gian tới, 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng sẽ phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lê Trung Kiên khẳng định, mục tiêu này được UBND TP Hải Phòng đặt ra trong kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo kế hoạch này, Hải Phòng phấn đầu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tăng 4 - 5%/năm và sẽ thành trung tâm chế biến thuỷ sản trọng điểm của cả nước. Sẽ có trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiến tiến trở lên và có doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý tầm thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới Hải Phòng sẽ có những bước đi cụ thể để phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản theo quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo hiện đại, hiệu quả và bền vững theo tiêu chí đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đồng thời, phải hình thành các chuỗi giá trị, liên kết sản xuất từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến sản phẩm và đẩy mạnh việc ứng dụng phát triển công nghệ chế biến xuất khẩu theo chiều sâu, đổi mới dây chuyền, thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, cải tiến mẫu mã, bao bì,... đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việt Trường là một đơn vị lớn ở Hải Phòng hoạt động lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Đinh Mười.

Việt Trường là một đơn vị lớn ở Hải Phòng hoạt động lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Đinh Mười.

Trong việc phát triển thị trường xuất khẩu, Hải Phòng cần ưu tiên xây dựng, quảng bá thương hiệu các nhóm sản phẩm hải sản đông lạnh, chế biến khô, nước mắm là các sản phẩm chủ lực của thành phố và giữ vững, phát triển các thị trường trọng điểm, truyền thống như khối các nước EU, các nước Đông Bắc Á, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN... Tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại, mở rộng vào các thị trường tiềm năng khác.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, rào cản kỹ thuật, thuế quan... Từ đó có thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp chế biển thủy sản làm căn cứ cho định hướng phát triển.

Cũng theo ông Kiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế.

“Chúng ta cần phổ biến các quy định, yêu cầu, cam kết quốc tế và Hiệp định thương mại, nâng cao hiểu biết pháp luật quốc tế cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Mặt khác, cần xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản của Hải Phòng đến các kênh phân phối lớn, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng tại khu vực và trên thế giới”, ông Kiên cho biết thêm.

Hải Phòng phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025 thu hút 6 đến 10 cơ sở chế biến quy mô vừa theo quy hoạch với quy mô phù hợp đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chuyên sâu và đồng bộ. Giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ nhu cầu của ngành chế biến thủy sản tiếp tục thu hút đầu tư các cơ sở chế biến có quy mô lớn và hiện đại.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.