| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh bứt tốc [Bài 2]: Chìa khóa để xuất khẩu

Thứ Bảy 02/12/2023 , 07:13 (GMT+7)

Bình Dương là một trong những địa phương tiên phong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tỉnh coi đây là chìa khóa để phát triển bền vững và tiến tới xuất khẩu.

Ngay từ rất sớm, Bình Dương đã tổ chức xây dựng các vùng an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm, đơn cử như huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Trung.

Ngay từ rất sớm, Bình Dương đã tổ chức xây dựng các vùng an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm, đơn cử như huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Trung.

Lá chắn bảo vệ đàn vật nuôi

Mặc dù là tỉnh tập trung phát triển công nghiệp nhưng trong những năm gần đây lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng của tỉnh Bình Dương vẫn được duy trì phát triển ổn định. Tỉnh cũng sớm xác định xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh chính là chìa khóa quan trọng nhất trong chăn nuôi, thú y để có thể phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, ngay từ rất sớm, Bình Dương đã tổ chức xây dựng các vùng an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại theo quy hoạch, hướng tới cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, để đáp ứng điều kiện đạt vùng an toàn dịch bệnh, tất cả cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều xây dựng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó là xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, khu dân cư đông người. Các trang trại công nghiệp đều có hàng rào hoặc tường kín bao quanh, cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại.

Người chăn nuôi Bình Dương chủ động tiêu độc khử trùng trong trang trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Người chăn nuôi Bình Dương chủ động tiêu độc khử trùng trong trang trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Liên quan đến an toàn dịch bệnh, hầu hết các trang trại đều áp dụng hai nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi là “cùng vào cùng ra” và có “thời gian trống chuồng”. Theo đó, gia súc, gia cầm nên được nuôi cùng một giống trong một đàn, trong một chuồng, trong cùng một thời gian, cùng lứa tuổi.

Thời gian để trống chuồng giữa hai lứa nuôi là giải pháp rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh, cắt đứt đường lây truyền bệnh vì một số mầm bệnh có khả năng tồn tại lâu trong môi trường chăn nuôi, thậm chí sau khi chuồng nuôi đã được vệ sinh và tiêu độc khử trùng, nhưng khi không có gia súc, cầm mầm bệnh sẽ bị hạn chế tối đa điều kiện để phát triển.

Song song đó, các trang trại, cơ sở chăn nuôi kiểm soát tốt đối với con người, động vật, phương tiện vận chuyển và thiết bị, dụng cụ theo các quy định. Nên hạn chế tối đa cho người lạ ra vào cơ sở chăn nuôi.

Bên cạnh đó, xác định đàn gia súc gia cầm mới và thức ăn chăn nuôi cũng có thể là một nguy cơ lan truyền mầm bệnh, so đó, gia súc, gia cầm mới tái đàn và nguồn thức ăn được nhập về nơi đáng tin cậy và trải qua một quy trình cách ly, khử trùng.

Gia súc, gia cầm giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch. Kho chứa thức ăn cũng được cách biệt với khu chăn nuôi, khô ráo, thoáng mát, được vệ sinh và tiêu độc khử trùng định kỳ. Đồng thời, kiểm soát, ngăn ngừa chuột, côn trùng và các loài động vật là trung gian truyền lây mầm bệnh trong thiết kế chuồng trại được thực hiện có hiệu quả.       

Ngoài các giải pháp an toàn sinh học cơ bản nêu trên, giải pháp tiêm phòng vacxin cũng có thể được xem là một “hàng rào” an toàn sinh học bảo vệ hiệu quả cho bất kỳ một cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi theo quy mô nông hộ, khi mà chưa có được một quy trình an toàn sinh học được mô tả cụ thể như các trang trại chăn nuôi công nghiệp.

Trang trại gà lạnh của Bà Mơn tại xã Tân Hiệp được đầu tư như 'resort' đảm bảo an toàn dịch . Ảnh: Trần Trung.

Trang trại gà lạnh của Bà Mơn tại xã Tân Hiệp được đầu tư như "resort" đảm bảo an toàn dịch . Ảnh: Trần Trung.

Trang trại chăn nuôi trên 200.000 con gà của bà Lê Thị Mơn tại xã Tân Hiệp, được xem là trang trại lớn, của huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Trong quá trình nuôi, bà Mơn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng vacxin trên tổng đàn vật nuôi.

Ngoài các đợt tiêm chính 2 lần trong năm, bà Mơn còn phối hợp với đơn vị chuyên môn tiêm nhắc lại, tiêm phòng bao vây khi vùng lân cận xuất hiện ổ dịch, hoặc tiêm phòng vacxin phổ rộng đối với các loại dịch bệnh lạ, có thể ảnh hưởng đến đàn gà theo nguyên tắc đúng ngày tuổi, đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt là không bỏ lỡ thời điểm phát triển của vật nuôi để tránh lỡ thời gian vàng vacxin phát huy tác dụng.

“Xác định an toàn dịch bệnh là “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi, ngoài vacxin, chúng tôi áp dụng nguyên lý trong quá trình sản xuất là gà không đổi chuồng, người không đổi việc, các mẫu gà được lấy theo tuần và gửi về phòng thí nghiệm để đánh giá sinh trưởng và phát triển. Sau mỗi lứa gà xuất xuống, trang trại đều dành 15 ngày để xử lý chuồng trại và giãn cách theo quy định rồi mới thả lứa mới...”, bà Mơn chia sẻ.

Ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo cho rằng, việc các trang trại thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ giúp chính quyền địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát cũng như giảm thiểu tác động chất thải ra môi trường… Đây được xem là “chìa khóa” để các sản phẩm chăn nuôi của địa phương tiến tới xuất khẩu.

Chăn nuôi tập trung và ứng dụng CNC vào sản xuất là 'chìa khóa' Bình Dương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Chăn nuôi tập trung và ứng dụng CNC vào sản xuất là "chìa khóa" Bình Dương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, các tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh được ví như "visa" để xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi.

Tại Bình Dương, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua với nhiều chính sách được thực thi đã và đang đem lại hiệu quả tích cực.

Theo đó, thời gian qua công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y của tỉnh Bình Dương được định hướng phát triển theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2692 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm động vật, bảo đảm khả năng cung ứng tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Song song đó, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định.

Ngoài ra, hệ thống thú y ổn định, duy trì từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp cơ sở tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh duy trì chính sách tiêm phòng miễn phí vacxin cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả trên heo và hóa chất tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ đến trang trại. Đồng thời, chấp thuận chủ trương cho tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch bằng nguồn ngân sách địa phương.

Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 ít nhất có một vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE). Ảnh: Trần Trung.

Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 ít nhất có một vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE). Ảnh: Trần Trung.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã được Cục Thú y công nhận tổng cộng 13 vùng an toàn dịch bệnh động vật tại các địa phương được quy hoạch chăn nuôi tập trung như: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Trong đó gồm 5 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên chó nuôi.

Quyết định 889 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 19 vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy chuẩn của Việt Nam. Trong đó, 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đến năm 2030, sẽ có 8 vùng của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE.

“Quan điểm của tỉnh là phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Hiện tại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương chiếm khoảng 60-70%. Sản phẩm chăn nuôi đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, khu vực và có khả năng hướng đến xuất khẩu.

Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành dự án “Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới”. Trong đó, cần nêu rõ các tỉnh, thành thuộc dự án và nội dung kinh phí dự án theo phân cấp giữa trung ương và địa phương để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương bố trí kinh phí xây dựng, duy trì các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời, phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch và liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng phát triển tất yếu”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.